Vĩnh Hưng: Tập trung xây dựng nông thôn mới

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An tập trung nguồn lực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) một cách tích cực, chủ động và được sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân.

"Cán đích" nông thôn mới nâng cao

Năm 2014, xã Khánh Hưng được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Phát huy những tiềm năng, lợi thế và thành quả đã đạt từ chương trình xây dựng NTM, địa phương tiếp tục duy trì, nâng cao các tiêu chí (TC) đã đạt và tập trung thực hiện các TC nâng cao. Đến cuối năm 2021, xã hoàn thành các TC NTM nâng cao, được UBND tỉnh quyết định công nhận.

Khánh Hưng "cán đích" nông thôn mới nâng cao

Khánh Hưng "cán đích" nông thôn mới nâng cao

Về xã Khánh Hưng hôm nay, hình ảnh những ngôi nhà mới khang trang, các tuyến đường nhựa, bêtông trải dài đến từng ngõ, xóm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt của người dân. Cuộc sống sung túc đang dần hiện hữu trên miền quê còn nhiều khó khăn này.

Chia sẻ về những thay đổi trong những năm qua của xã, ông Nguyễn Hữu Khanh (ấp Sậy Giăng, xã Khánh Hưng) cho biết: “Sau khi triển khai chương trình xây dựng NTM và NTM nâng cao, đến nay, tôi thấy địa phương có sự thay đổi rõ rệt. Diện mạo khu vực nông thôn ngày càng sạch, đẹp, đường xóm, ấp được bêtông, cứng hóa giúp mọi người đi lại thuận tiện hơn. Được hỗ trợ từ những mô hình sản xuất giúp chúng tôi phát triển kinh tế, nâng cao đời sống”.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hưng - Võ Duy Huy Vũ, để thực hiện hoàn thành các TC NTM nâng cao, Đảng ủy, chính quyền địa phương tập trung củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xây dựng NTM của xã, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong việc triển khai, thực hiện. Trong đó, tập trung công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân trong việc tham gia xây dựng NTM nâng cao. Ban Chỉ đạo xã rà soát, xác định các công việc, phần việc, công trình cụ thể cần thực hiện, triển khai, quán triệt các mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ đến các ấp, cán bộ, đảng viên và người dân, tạo sự thống nhất, đoàn kết trong quá trình triển khai, thực hiện.

Đến nay, hệ thống giao thông trên địa bàn xã cơ bản hoàn chỉnh với 100% tuyến trục xã, liên xã được trải nhựa; các tuyến đường trục ấp, liên ấp được cứng hóa. Nhiều công trình được đầu tư xây dựng mới hoặc tận dụng tối đa công trình có sẵn kết hợp với cải tạo, nâng cấp, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế địa phương.

Là xã thuần nông, thế mạnh là sản xuất lúa, để cải thiện cuộc sống của người dân, địa phương triển khai, thực hiện hiệu quả Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất và phát triển bền vững (xã có hợp tác xã hoạt động hiệu quả, có khoảng 500ha lúa có ký kết liên kết với các doanh nghiệp cung ứng đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra, 250ha sản xuất theo hướng VietGAP).

Các mô hình giảm nghèo bền vững, chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức đào tạo nghề,… được triển khai sâu, rộng. Ngoài ra, địa phương còn tăng cường chỉ đạo sản xuất, đưa con giống, cây trồng mới vào sản xuất, khuyến cáo người dân đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 65,2 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm còn 0,42%.

Huy động gần 300 tỉ đồng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng

Tuy còn nhiều khó khăn nhưng ngân sách nhà nước các cấp vẫn tập trung đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đặc biệt, các địa phương trên địa bàn huyện có sự huy động khá tốt nguồn lực của người dân tham gia xây dựng NTM. Năm 2021, huyện huy động gần 300 tỉ đồng (vốn trực tiếp chương trình hơn 12 tỉ đồng, vốn lồng ghép gần 265 tỉ đồng, vốn đóng góp của người dân gần 10 tỉ đồng, vốn khác hơn 7 tỉ đồng), đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH (đường giao thông, y tế, giáo dục, thủy lợi, vệ sinh môi trường,...).

Vùng quê "thay áo mới"

Vùng quê "thay áo mới"

Đến nay, toàn huyện có 5/9 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, xã Tuyên Bình đạt 19/19 TC đang chờ phúc tra công nhận, xã Khánh Hưng đạt chuẩn NTM nâng cao, các xã còn lại đạt từ 15-16 TC. Thu nhập bình quân đầu người đạt 53 triệu đồng/năm; có 6/9 xã đạt TC giao thông; có 7/9 xã đạt chuẩn về TC trường học; 9/9 xã đạt TC điện, hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,89%, sử dụng nước sạch đạt 87,53%. Đến nay, khu vực nông thôn của huyện còn 227 hộ nghèo, chiếm 1,85%,...

Năm 2022, huyện Vĩnh Hưng đề ra mục tiêu phấn đấu xây dựng xã Hưng Điền A đạt chuẩn NTM; các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM không còn nợ TC; số TC bình quân 18,4 TC/xã; xã Vĩnh Bình đạt 18/23 chỉ tiêu NTM nâng cao và huyện đạt 6/10 TC NTM.

Theo Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Trần Văn Cường, để thực hiện mục tiêu này, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cả hệ thống chính trị và nhân dân về xây dựng NTM; tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KT - XH và tăng hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn.

Song song đó, huyện thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, gắn với các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả. Huyện tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu thực tế; chú trọng bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp; gắn kết chặt chẽ xây dựng NTM với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh"; thực hiện các giải pháp huy động và đa dạng hóa các nguồn vốn thực hiện chương trình, thực hiện lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn,.../.

Văn Đát

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/vinh-hung-tap-trung-xay-dung-nong-thon-moi-a128825.html