Vĩnh Linh tạo bước bứt phá trong phát triển kinh tế

Những năm qua, phát huy tiềm năng, thế mạnh và bằng sự năng động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, huyện Vĩnh Linh đã tạo bước bứt phá trong phát triển kinh tế, tạo động lực cơ bản để địa phương phát triển nhanh về mọi mặt. Điểm nổi bật trong phát triển kinh tế thời gian qua của huyện Vĩnh Linh là sản xuất nông nghiệp đã có bước chuyển biến tích cực trên nhiều mặt và lĩnh vực này vẫn đóng vai trò là trụ cột của nền kinh tế địa phương.

Với diện tích đất tự nhiên gần 62.000 ha với cả 3 vùng sinh thái đồng bằng, vùng biển và miền núi, huyện đã quy hoạch vùng núi phía Tây phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày như cây cao su, hồ tiêu, các loại cây ăn quả và rừng trồng sản xuất, kinh doanh. Vùng đồng bằng thâm canh cây lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ, cao su, hồ tiêu, chuối; sản xuất rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao. Vùng trung du và gò đồi ven biển phát triển loại cây hồ tiêu, cao su, bơ; các lại cây truyền thống như khoai, môn, ném, nghệ, lạc, dưa, ngô, đậu và các loại cây rau màu, thực phẩm, cây dược liệu… Cùng với đó, huyện đã triển khai hiệu quả nhiều chính sách, giải pháp để đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ và sản xuất hàng hóa.

Tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, phát triển các mô hình tổ chức sản xuất theo quy trình, hướng liên kết thành chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bền vững giữa người dân với tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp. Những bước đi năng động đã tạo sự chuyển biến tích cực, đem lại hiệu quả cao trong phát triển cây trồng, con nuôi tạo ra sản phẩm nông sản chủ lực, có giá trị kinh tế cao của địa phương. Đến nay, huyện có trên 63 HTX nông nghiệp hoạt động ổn định; 38 HTX có mô hình cánh đồng mẫu lớn. Có nhiều mô hình canh tác mới, mang lại hiệu quả cao trên nhiều mặt như mô hình sản xuất tiêu sạch tại xã Vĩnh Kim; trồng cây đinh lăng làm dược liệu tại xã Vĩnh Sơn; trồng chuối đỏ Dacca tại xã Vĩnh Hiền; trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế như ổi, chanh leo, vải thiều, bơ, thanh long ruột đỏ, sầu riêng Thái Lan tại các xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Trung, Vĩnh Tú, Vĩnh Nam; xây dựng các vườn trồng chuyên canh cây ăn quả có múi như cam, bưởi với diện tích hơn 30 ha tại các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy, Vĩnh Thành và thị trấn Bến Quan.

 Tấp nập cảng cá Cửa Tùng. Ảnh: HN

Tấp nập cảng cá Cửa Tùng. Ảnh: HN

Diện tích cây công nghiệp lâu năm tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, riêng diện tích hồ tiêu đạt hơn 1.300 ha, cây cao su gần 6.600 ha. Ở lĩnh vực thủy sản, ngoài duy trì và phát triển các con nuôi truyền thống, huyện đã đưa vào thử nghiệm một số loại giống mới đem lại hiệu quả cao như cá chình, cá lăng nha, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn… Quan tâm hỗ trợ, động viên ngư dân nâng cấp tàu thuyền, đầu tư mua sắm, cải tiến trang thiết bị, ngư lưới cụ để vươn khơi, bám biển gắn với bảo vệ môi trường và phát triển nguồn lợi thủy sản. Để nâng cao giá trị nông sản và hội nhập với thị trường, huyện đã triển khai đăng kí nhãn hiệu, từng bước xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông sản chủ lực trên địa bàn.

Đến nay Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận 6 nhãn hiệu hàng hóa tập thể gồm: Ném Vĩnh Linh, Lạc Vĩnh Linh, Dưa hấu Vĩnh Tú, Đậu xanh Vĩnh Giang, Khoai môn Vĩnh Linh, Hồ tiêu Vĩnh Linh. Nhiều sản phẩm nông sản chủ lực khác của huyện cũng đã đăng kí nhãn hiệu và đang được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục xem xét, cấp giấy chứng nhận như sắn dây, nước mắm…Những kết quả trên đã tạo đà cho nông nghiệp địa phương tăng trưởng nhanh, thu nhập của nông dân được cải thiện rõ rệt Trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN), huyện đã huy động được nhiều nguồn lực để đầu tư cho phát triển đúng định hướng, phát huy hiệu quả trên nhiều mặt. Trong đó chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng, coi đây là khâu đột phá để phát triển CN - TTCN; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư để thu hút những dự án áp dụng công nghệ tiên tiến, tạo được nhiều việc làm; khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm có lợi thế tại địa phương; chú trọng công tác bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, huyện ưu tiên sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, xây dựng mô hình liên kết giữa các cơ sở cung cấp, thu mua nguyên liệu, mở rộng thị trường nguyên liệu từ các vùng lân cận; khuyến khích nhà sản xuất trực tiếp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu trên địa bàn. Đến nay, huyện đã hoàn thiện cơ bản kết cấu hạ tầng Cụm công nghiệp Cửa Tùng với diện tích 2,5ha, và có 3 dự án đã vào đầu tư xây dựng, trong đó có dự án lớn là Nhà máy May xuất khẩu Quang Minh với quy mô 5 chuyền may, giải quyết việc làm cho 250 lao động. Trên địa bàn có nhiều doanh nghiệp đầu tư chế biến các sản phẩm thủy sản, gạo, miến, dầu lạc, tinh bột nghệ, cao su; chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất, sửa chữa tàu thuyền composite. Mới đây, huyện cũng đã phối hợp tổ chức khởi công dự án Nhà máy May xuất khẩu Miền Trung có tổng mức đầu tư hơn 62 tỉ đồng tại Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá, giải quyết việc làm cho khoảng 2.500 lao động…

Qua đó tốc độ tăng trưởng bình quân của CN - TTCN trong nhiều năm qua luôn đạt khá, riêng từ năm 2015 - 2018 đạt 12,8%; tạo việc làm cho trên 2.000 lao động, bình quân mỗi năm tăng 15%, mức thu nhập bình quân cho lao động trong lĩnh vực này đạt 70 triệu đồng/người/năm. 6 tháng đầu năm 2019, giá trị sản xuất CN - TTCN ước đạt gần 451 tỉ đồng, tăng 10,2% so với cùng kì năm 2018. Đối với lĩnh vực thương mại - dịch vụ, huyện tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các loại hình kinh doanh, dịch vụ, phát triển mạng lưới chợ, trung tâm mua sắm, siêu thị…

Hiện nay trên địa bàn huyện có 13 chợ, 2 siêu thị, 57 HTX, trên 3.000 cơ sở kinh doanh - dịch vụ, trong đó có nhiều cơ sở quy mô ở các thị trấn Hồ Xá, Cửa Tùng, Bến Quan, giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động cũng như đáp ứng tốt yêu cầu giao thương hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Để thúc đẩy lĩnh vực này phát triển, hiện nay địa phương đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đầu tư hạ tầng; khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh không ngừng phát huy sự năng động, nhạy bén trong cơ chế thị trường; bảo đảm thực hiện kịp thời các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, tạo điều kiện để các nhà đầu tư vào làm ăn trên địa bàn. Tiềm năng du lịch đã được khai thác, phát huy tốt với nhiều cơ sở dịch vụ du lịch được đầu tư mới, nâng cấp phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách du lịch. Cùng với đó đã có khá nhiều doanh nghiệp đến đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện.

Nổi bật là Công ty Cổ phần Tập đoàn AE đầu tư Khu đô thị sinh thái biển AE Resort Cửa Tùng với diện tích khoảng 36 ha với tổng mức đầu tư gần 1.700 tỉ đồng; Tập đoàn Pacific Healthcare đang xúc tiến đầu tư Khu du lịch Mũi Trèo với kinh phí dự kiến 3.500 tỉ đồng... Đây là điều kiện quan trọng để đến năm 2020, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của huyện đạt 1.600 tỉ đồng, tăng 25% so với năm 2015, thương mại - dịch vụ chiếm tỉ trọng 36 - 37% trong cơ cấu kinh tế. Kinh tế phát triển đã tạo nền tảng cơ bản để huyện Vĩnh Linh vững bước đi lên. Liên tục trong nhiều năm qua địa phương hoàn thành tốt các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị.

Đến hết năm 2018, kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, phục vụ sự nghiệp y tế, văn hóa, giáo dục đã được đầu tư cơ bản đồng bộ; diện mạo 3 thị trấn Hồ Xá, Cửa Tùng, Bến Quan ngày càng khang trang, đảm đương tốt vai trò là trung tâm, động lực phát triển của các vùng; 15/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỉ lệ 78,9%; thu nhập bình quân đầu người đạt 46,2 triệu đồng; tỉ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 5,26%; đầu tư về hạ tầng, giải quyết việc làm và thu nhập cho người dân 3 xã miền núi Vĩnh Hà, Vĩnh Khê, Vĩnh Ô được quan tâm và tỉ lệ hộ nghèo ở 3 xã này đã giảm còn 7,33%...

Những kết quả về phát triển kinh tế trong thời gian qua là động lực to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vĩnh Linh tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này, qua đó tạo bước chuyển biến tích cực hơn trên mọi lĩnh vực để Vĩnh Linh có bước đi nhanh và vững chắc trên hành trình phát triển.

Thái Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=141687