Vĩnh Linh tạo điều kiện để phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân

Với nhận thức kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế, những năm qua, phát triển loại hình kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể được huyện Vĩnh Linh xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Đến nay trên địa bàn huyện có gần 250 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

 Doanh nghiệp Vĩnh Linh trưng bày các sản phẩm tại hội chợ thương mại. Ảnh: PV

Doanh nghiệp Vĩnh Linh trưng bày các sản phẩm tại hội chợ thương mại. Ảnh: PV

Thực hiện công tác quản lí đối với các tổ chức kinh tế hoạt động trên địa bàn, hiểu rõ những khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động như thiếu nguồn vốn đầu tư và nhân lực có tay nghề; nguồn nguyên vật liệu chưa ổn định; khả năng quản lí, tiếp cận thị trường, nhất là của các doanh nghiệp mới thành lập còn hạn chế; một bộ phận doanh nghiệp vẫn có quy mô nhỏ, mức tăng trưởng thấp, hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao…huyện Vĩnh Linh đã tạo mọi điều kiện về cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình hình thành, phát triển. Huyện tập trung quán triệt, phổ biến các chính sách phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, các thủ tục liên quan đến đầu tư kinh doanh; hỗ trợ để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay, mặt bằng, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào phát triển sản xuất. Đồng thời khuyến khích, kêu gọi đầu tư vào những lĩnh vực vốn có tiềm năng, lợi thế của địa phương; ưu tiên hỗ trợ các mô hình kinh tế hợp tác đa dạng, hợp tác xã đa ngành nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ cao, an toàn với môi trường. Bên cạnh đó, tập trung công tác đào tạo, dạy nghề cho lao động; có giải pháp liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã. Đặc biệt, nhằm tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, mở rộng hợp tác kinh doanh, huyện Vĩnh Linh đã hình thành 2 trung tâm công nghiệp gồm Cụm công nghiệp Cửa Tùng và Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá… thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến đầu tư…

Những nỗ lực trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp đã tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp được thành lập mới. Năm 2016 trên địa bàn huyện có 190 doanh nghiệp, đến nay tăng lên gần 250 doanh nghiệp. Phần lớn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực: Nông nghiệp, xây dựng, nuôi trồng- chế biến thủy sản, du lịch, sản xuất- chế biến lâm sản, thương mại- dịch vụ… Các doanh nghiệp có sự chủ động trong sản xuất, kinh doanh, mạnh dạn chuyển đổi mô hình hoạt động theo hướng quy mô, hiện đại, chuyển đổi mô hình từ doanh nghiệp tư nhân sang công ty TNHH MTV, công ty TNHH và công ty cổ phần. Hiệu quả sản xuất kinh doanh, chất lượng sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp ngày càng được nâng cao; sức cạnh tranh, thị trường tiêu thụ cũng từ đó tăng lên. Hoạt động hiệu quả trong phát triển kinh tế, các doanh nghiệp đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của huyện, đặc biệt trong hoạt động thu ngân sách. Cơ bản các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế, năm sau cao hơn năm trước.

Tính từ năm 2016 đến nay, doanh nghiệp nộp thuế vào ngân sách huyện bình quân khoảng 20 tỉ đồng/ năm. Khối doanh nghiệp vừa là động lực tăng trưởng của nền kinh tế vừa là nơi tạo việc làm cho lao động tại chỗ; ưu tiên nguồn nhân lực ở các địa phương, đơn vị còn gặp nhiều khó khăn có việc làm mới, tăng thu nhập. Mỗi năm, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện giải quyết việc làm thường xuyên cho 1.800 lao động. Môi trường làm việc của người lao động không ngừng được cải thiện, đảm bảo an toàn sức khỏe; các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động được các doanh nghiệp chăm lo. Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp còn tích cực tham gia vào nhiều hoạt động an sinh xã hội, huy động nguồn lực đầu tư vào công trình phục vụ dân sinh, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh của địa phương…Trên địa bàn huyện, có nhiều doanh nghiệp tiêu biểu được UBND tỉnh, UBND huyện biểu dương, khen thưởng như Công ty Lâm nghiệp Bến Hải; Công ty cổ phần khoáng sản Quảng Trị, Điện lực Vĩnh Linh...

Nền kinh tế thị trường ngày càng được mở rộng, các doanh nghiệp, hợp tác xã có thêm nhiều cơ hội để phát triển, song cũng đặt ra không ít thách thức cần phải vượt qua. Bên cạnh nội lực của doanh nghiệp vẫn rất cần sự đồng hành, hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương. Thực hiện theo Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Nghị quyết số 19- 2017/NQ-CP của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thời gian tới, huyện Vĩnh Linh tiếp tục xây dựng và triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo chuyển biến mới, thúc đẩy, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã; thực hiện đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt và tháo gỡ vướng mắc, nhu cầu, nguyện vọng nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp triển khai hiệu quả các dự án đầu tư trên địa bàn; nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, các doanh nghiệp, hợp tác xã thành công. Cùng với đó, để đáp ứng yêu cầu trong tiến trình hội nhập, huyện khuyến khích các doanh nghiệp cần có sự liên kết trong từng lĩnh vực cụ thể, tạo môi trường kinh doanh chuyên nghiệp, lành mạnh, từng bước xây dựng, khẳng định thương hiệu doanh nghiệp.

Phát huy những kết quả đã đạt được, cùng định hướng cụ thể và sự năng động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, tin tưởng thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể huyện Vĩnh Linh sẽ phát triển mạnh mẽ, đạt được mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII đề ra đến năm 2020 nâng tỉ trọng công nghiệp- xây dựng chiếm 29-30%, thương mại- dịch vụ chiếm 41- 42 % trong tổng giá trị sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế huyện Vĩnh Linh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nguyễn Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=145246