Vĩnh Lộc bảo vệ tài nguyên khoáng sản phục vụ sự phát triển

Huyện Vĩnh Lộc có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú và đa dạng. Trong đó, các loại khoáng sản như đá làm vật liệu xây dựng, đất sét, cát sỏi có trữ lượng hàng triệu m3. Nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản một cách bền vững, huyện Vĩnh Lộc đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, góp phần phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty CP Vận tải Thủy bộ và Thương mại Hương Xuân xã Minh Tân.

Hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty CP Vận tải Thủy bộ và Thương mại Hương Xuân xã Minh Tân.

Trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc hiện có 26 mỏ khai thác khoáng sản được cấp phép hoạt động. Trong đó, có 16 mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường, với trữ lượng được phép khai thác 10,8 triệu m3; 5 mỏ cát, với diện tích 20,43ha, trữ lượng được duyệt khai thác 859.168m3; 1 mỏ đất san lấp, với diện tích khai thác 5,7ha; 4 mỏ đất sét làm gạch Tuynel, với diện tích khai thác 19,5ha, tương đương hơn 1,038 triệu m3.

Thực hiện Chỉ thị số 38/CT-TTg, ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản”, huyện Vĩnh Lộc đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành và các xã, thị trấn triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Trọng tâm là nâng cao trách nhiệm của từng phòng, ban, ngành và chính quyền cơ sở đối với hoạt động khai thác khoáng sản.

Để đưa hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn đi vào nền nếp, huyện Vĩnh Lộc yêu cầu các công ty, doanh nghiệp được cấp phép mỏ phải thực hiện đúng theo thiết kế mỏ, phương án khai thác, ký cam kết bảo vệ môi trường và đề án cải tạo, phục hồi môi trường mà cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng việc được cấp phép mỏ để khai thác khoáng sản trái phép, nếu cố tình vi phạm, chính quyền huyện sẽ đề nghị cấp có thẩm quyền rút giấy phép hoạt động. Cùng với việc thành lập các chốt trực tại các điểm nóng thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, huyện Vĩnh Lộc còn chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác của các đơn vị. Từ đó, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép.

Năm 2023, qua công tác kiểm tra, giám sát, huyện Vĩnh Lộc đã phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác, tập kết, chế biến khoáng sản trên địa bàn. Cụ thể, huyện đã ra các quyết định xử phạt hành vi khai thác đá vật liệu xây dựng ngoài phạm vi mỏ được cấp phép đối với 5 đơn vị, bao gồm: Doanh nghiệp tư nhân Hải Sâm trên địa bàn các xã Minh Tân và Vĩnh An; Công ty CP Vận tải Thủy bộ và Thương mại Hương Xuân tại xã Minh Tân; Công ty TNHH Việt Thanh Stone tại xã Vĩnh Phúc; Công ty Cổ phần Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone tại xã Minh Tân. Tổng số tiền xử phạt các doanh nghiệp, công ty lên đến 510 triệu đồng.

Tương tự, huyện Vĩnh Lộc có quyết định xử phạt 127 triệu đồng đối với Công ty TNHH Nhất Linh tại xã Ninh Khang về hành vi để mất mốc giới các điểm được phép khai thác khoáng sản và khai thác cát lòng sông vượt ra ngoài ranh giới cho phép. Xử phạt Công ty TNHH Thương mại Thanh Chiến tại xã Minh Tân 25 triệu đồng vì tập kết, kinh doanh cát lấn chiếm bờ, bãi ven sông, làm gia tăng rủi ro thiên tai trong mùa mưa bão. Xử phạt 30 triệu đồng đối với Công ty CP Vận tải Thủy bộ và Thương mại Hương Xuân tại xã Minh Tân về hành vi không có phương án bảo vệ an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Bằng những biện pháp “mạnh” đối với các hành vi trục lợi từ tài nguyên khoáng sản từ chính quyền địa phương nên hoạt động khai thác khoáng sản của các đơn vị được cấp phép trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc cơ bản đã đi vào nền nếp, đảm bảo theo quy định của pháp luật. Đáng nói hơn, phần lớn các doanh nghiệp, công ty khai thác đá làm vật liệu xây dựng đang đưa dần công nghệ cắt dây và dùng bột nở đêm nêm tách đá thay thế phương án nổ mìn trước đây. Bên cạnh đó, việc bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản chưa khai thác cũng được các cấp chính quyền, ngành chức năng huyện Vĩnh Lộc quản lý chặt chẽ. Đặc biệt, tại các xã trọng điểm về tài nguyên khoáng sản, huyện đã lập chốt để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các đối tượng có hành vi khai thác khoáng sản trái phép.

Do đặc thù các khu vực mỏ có vị trí, địa hình phức tạp, đối tượng vi phạm thường hoạt động vào thời gian đêm tối. Đồng thời, các mỏ được cấp phép ở khu vực giáp ranh giữa các xã trong huyện và các huyện lân cận nên việc kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn.

Cương quyết không để phát sinh “điểm nóng” về khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép, thời gian tới, huyện Vĩnh Lộc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản và bảo vệ môi trường đến các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đồng thời, vận động quần chúng Nhân dân tham gia tố giác hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Song song với việc nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và người đứng đầu chính quyền cơ sở trong quản lý tài nguyên khoáng sản, huyện Vĩnh Lộc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các huyện Yên Định, Cẩm Thủy thực hiện có hiệu quả công tác quản lý cát, sỏi lòng sông tại khu vực giáp ranh; kiên quyết xử lý các tàu thuyền tham gia khai thác, vận chuyển cát sỏi lòng sông không đăng kiểm, đăng ký theo quy định.

Tài nguyên khoáng sản được quản lý, sử dụng ngày càng hiệu quả, tiết kiệm, không chỉ đáp ứng nhu cầu nguồn nguyên, vật liệu phục vụ thi công các công trình, dự án đang triển khai trên địa bàn, mà còn trực tiếp giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Vĩnh Lộc.

Bài và ảnh: Trần Thanh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/vinh-loc-bao-ve-tai-nguyen-khoang-san-phuc-vu-su-phat-trien-228502.htm