Vĩnh Long thu hút đầu tư mạnh mẽ, FDI tăng trưởng ấn tượng
Năm 2024, tỉnh Vĩnh Long tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và có mức tăng trưởng khá. Tỉnh đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao kinh tế, đưa các quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, ổn định bền vững để quảng bá hình ảnh, con người Vĩnh Long, tranh thủ nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.
Cải thiện môi trường, thu hút đầu tư
Theo UBND tỉnh Vĩnh Long, việc thu hút vốn đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội, luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt, nhất quán và xuyên suốt.
9 tháng đầu năm 2024, tỉnh Vĩnh Long tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và một số lĩnh vực khác với các đối tác như: Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Lũy kế 9 tháng đầu năm, tỉnh Vĩnh Long tiếp xúc và làm việc với 28 lượt nhà đầu tư nước ngoài. Toàn tỉnh hiện có 76 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng số vốn đăng ký hơn 1,2 tỷ USD. Việc hợp tác giữa tỉnh Vĩnh Long và các đối tác Nhật Bản đạt nhiều kết quả tích cực. Nhật Bản đang là quốc gia có vốn đầu tư vào tỉnh Vĩnh Long lớn nhất, với 11 dự án, tổng số vốn đăng ký hơn 413 triệu USD.
Năm 2024, Vĩnh Long tổ chức thành công các Hội nghị có ý nghĩa quan trọng trong công tác xúc tiến đầu tư như: Công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư nông nghiệp, thương mại, du lịch tỉnh Vĩnh Long; Doanh nghiệp và đầu tư Ấn Độ - Việt Nam tại tỉnh Vĩnh Long; Kết nối doanh nghiệp giữa tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Niigata (Nhật Bản). Vĩnh Long tập trung mời gọi, thu hút các nguồn lực đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, tiên tiến từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo phát triển nhanh và bền vững.
9 tháng đầu năm 2024, tỉnh Vĩnh Long cấp mới chủ trương đầu tư/chứng nhận đăng ký đầu tư cho 6 dự án (4 dự án trong nước, 2 dự án FDI), với tổng số vốn đăng ký tương đương 266,5 tỷ đồng và 1,72 triệu USD; 8 dự án đầu tư mở rộng (3 dự án trong nước, 5 dự án FDI) với số vốn đăng ký tăng thêm 139 tỷ đồng và 3,92 triệu USD; cấp giấy chứng nhận đăng ký mới thành lập cho 308 doanh nghiệp và 79 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại, phát triển mới 8 hợp tác xã.
Bà Phạm Thị Nở, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết: 9 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 13.046,7 tỷ đồng, tăng 6,54% so với cùng kỳ, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1.178,4 tỷ đồng, tăng 37,28% so với cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 12,75% so với cùng kỳ, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,98%. Thương mại, dịch vụ, du lịch tiếp tục phát triển và tăng trưởng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 52.021 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục ghi nhận tăng trưởng. Các thị trường xuất khẩu chủ lực được duy trì và đẩy mạnh tìm kiếm các thị trường xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt 738,7 triệu USD, tăng 37,82% so với cùng kỳ. Vĩnh Long tập trung nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch, tổng lượt khách đạt hơn 1,35 triệu lượt, đạt 107% kế hoạch. Trong đó khách quốc tế khoảng 33.000 lượt, doanh thu du lịch đạt 684 tỷ đồng, đạt 140% kế hoạch. “Tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, bảo hiểm, khoản vay đối với doanh nghiệp theo quy định. Tỉnh tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển mới doanh nghiệp, hợp tác xã”, bà Phạm Thị Nở nói.
Chủ động, quyết liệt và kịp thời
Đảm bảo mục tiêu tăng trưởng năm 2024 đạt kết quả cao nhất, UBND tỉnh Vĩnh Long tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động, quyết liệt và kịp thời tập trung các nhiệm vụ trọng tâm, hoàn thành đúng tiến độ và mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Tỉnh Vĩnh Long quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, đảm bảo đạt từ 95% trở lên, nhất là các công trình, dự án hạ tầng quan trọng; tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chủ động các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường hoạt động xúc tiến, mời gọi các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư các dự án phù hợp với quy hoạch và điều kiện phát triển của địa phương.
Tỉnh tập trung thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long tại Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 15/2/2024, trọng tâm là điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, tháo gỡ nhanh, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ triển khai các chương trình, dự án quan trọng, có tính lan tỏa tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội.
Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long khẳng định lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ nỗ lực, quyết tâm hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch. Tỉnh luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp và sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện thành công các dự án và phát triển bền vững.
Địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện thủ tục đầu tư các khu, cụm, tuyến công nghiệp; hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp để sẵn sàng tiếp nhận đầu tư, chú trọng thu hút đầu tư các ngành có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao, bền vững; hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư đối với Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp An Định, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long.
Tỉnh Vĩnh Long tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao kinh tế, vận động các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp nước ngoài, các hợp tác phát triển kinh tế, xã hội giữa Vĩnh Long với các tổ chức, địa phương trong và ngoài nước nhằm đưa quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, ổn định phát triển kinh tế bền vững để quảng bá hình ảnh, con người Vĩnh Long, tranh thủ các nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội.