Virus Marburg nguy hiểm thế nào?

Theo WHO, Virus Marburg là bệnh có độc lực cao, gây sốt xuất huyết nguy hiểm và tỷ lệ tử vong lên tới 88%. Hiện chưa có vaccine hoặc phương pháp điều trị bằng thuốc kháng virus đặc hiệu để điều trị bệnh này.

Tỷ lệ tử vong lên đến 88%

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh do virus Marburg là bệnh có độc lực cao, gây sốt xuất huyết nguy hiểm. Đây là virus cùng họ với virus Ebola, tỷ lệ tử vong lên tới 88%.

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi, virus này có thể lây truyền sang người từ dơi và lây lan giữa người với người thông qua tiếp xúc trực tiếp chất dịch cơ thể của người, bề mặt và vật liệu bị nhiễm mầm bệnh.

WHO cũng cho biết, tỷ lệ tử vong do nhiễm virus Marburg dao động từ 24% đến 88% trong các đợt bùng phát trước đây, tùy thuộc vào chủng virus và cách kiểm soát bệnh. Hiện chưa có vaccine hoặc phương pháp điều trị bằng thuốc kháng virus, nhưng các phương pháp điều trị tiềm năng, bao gồm các chế phẩm từ máu, liệu pháp miễn dịch và điều trị bằng thuốc, cũng như các loại vaccine thử nghiệm ban đầu đang được đánh giá.

Theo các chuyên gia, bệnh do virus Marburg gây ra có biểu hiện ban đầu giống như sốt virus thông thường như cơ thể sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, mỏi cơ khớp, buồn nôn…

 Virus Marburg là bệnh có độc lực cao, gây sốt xuất huyết nguy hiểm và tỷ lệ tử vong lên tới 88%.

Virus Marburg là bệnh có độc lực cao, gây sốt xuất huyết nguy hiểm và tỷ lệ tử vong lên tới 88%.

Sau đó, bệnh nhân có thể bị rối loạn đông máu, suy đa phủ tạng, tử vong tương đối nhanh chóng trong vòng 7 ngày, tương tự virus Ebola.

Đợt bùng phát bệnh Marburg xảy ra ở khu vực Kagera, phía tây bắc Tanzania (châu Phi). Trước đó, các cơ quan y tế nước này đã tiến hành xem xét một căn bệnh lạ khiến 8 người nhập viện. Kết quả cho thấy họ nhiễm virus Marburg. Các bệnh nhân đã xuất hiện những triệu chứng bao gồm sốt, nôn mửa, chảy máu và suy thận.

"5 trong số 8 trường hợp, bao gồm một nhân viên y tế, đã tử vong. Ba người còn lại đang được điều trị,” WHO cho biết. Hiện cơ quan chức năng theo dõi 161 người có tiếp xúc với các bệnh nhân.

Trước đó, 11 người đã tử vong trong một đợt bùng phát đầu tiên của virus này ở Guinea-Bissau vào ngày 7/1.

Ngày 15/2, Bộ Y tế và các vấn đề xã hội Guinea Xích Đạo báo cáo một đợt bùng phát bệnh do virus Marburg đã được xác nhận tại tỉnh Kie-Ntem ở phía Đông Bắc nước này. CDC Châu Phi nhấn mạnh, đợt bùng phát này là lần đầu tiên được ghi nhận ở Guinea Xích Đạo và cho biết thêm rằng nguồn gốc của đợt bùng phát vẫn chưa được xác định rõ ràng cũng như kết quả giải trình tự bộ gen vẫn đang bị trì hoãn.

Bộ Y tế chỉ đạo khẩn

Trước diễn biến phức tạp của bệnh do virus Marburg tại các nước Châu Phi, Bộ Y tế đã ra công văn số 1452 yêu cầu các địa phương trên cả nước có biện pháp tăng cường giám sát, phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế ra văn bản chính thức đề nghị giám sát người nhập cảnh đi về từ vùng dịch tễ kể từ sau đại dịch Covid-19.

Theo đó, hành khách nhập cảnh từ các nước châu Phi có dịch Marburg sẽ phải giám sát y tế trong vòng 21 ngày. Bộ Y tế cũng yêu cầu nhân viên y tế và người tiếp xúc với trường hợp nghi ngờ/mắc bệnh cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân, không để bệnh lây lan trong cộng đồng.

Để tăng cường giám sát, phòng chống dịch Marburg - căn bệnh truyền nhiễm chết người đang lan truyền tại một số quốc gia châu Phi - các Sở Y tế cần chủ động xây dựng kế hoạch theo tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra tại địa phương, không để bị động.

Bác sĩ Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, bệnh do virus Marburg được xếp loại nhóm A trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ngay từ tháng 2/2023, sau khi nhận được cảnh báo từ Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM cũng đã lên phương án tổ chức giám sát, phát hiện sớm, chuẩn bị nhân lực, vật lực sẵn sàng tiếp nhận, điều trị như: thường xuyên giám sát các chuyến bay đến từ các quốc gia có ghi nhận ca mắc bệnh do virus Marburg, phát thông báo sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm cho các bệnh viện, tập huấn nhân viên y tế và truyền tải thông điệp phòng bệnh cho người dân….

Ngay sau đề nghị của Bộ Y tế, Bệnh viện Chợ Rẫy, cơ sở y tế tuyến Trung ương lớn nhất phía nam, đã ban hành quy trình giám sát, phát hiện và cách ly người nghi ngờ mắc virus Marburg tại bệnh viện này.

Liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ, Bác sĩ Phùng Mạnh Thắng, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, virus Marburg là 1 trong 6 dòng họ của virus Ebola, hiện vẫn chưa có vaccine để dự phòng và thuốc điều trị đặc hiệu. Đa phần người bệnh chỉ được hỗ trợ nâng đỡ, bù điện giải hoặc truyền máu khi bệnh nhân có tình trạng xuất huyết.

Để phòng tránh, Bác sĩ Phùng Mạnh Thắng khuyến cáo, người dân cần phát hiện sớm, tránh tiếp xúc với các loài động vật hoang dã có khả năng nguy cơ mang mầm bệnh, đặc biệt là dơi ăn quả, tránh ăn sống động vật hoang dã, thực hiện ăn chín, uống sôi, vệ sinh tay thường xuyên. Người dân cũng tránh tiếp xúc với những người nghi ngờ mắc bệnh, người đi từ các nước Tây Phi về. Nếu nghi ngờ nhiễm virus, cần đến cơ sở y tế sớm để khám và chẩn đoán, điều trị kịp thời, tránh nguy hiểm đến tính mạng và hạn chế lây lan ra cộng đồng.

Lan Anh

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/virus-marburg-nguy-hiem-the-nao-76268.html