VKSND tỉnh Hậu Giang sơ kết 3 năm triển khai thực hiện công tác số hóa hồ sơ

Vừa qua, VKSND tỉnh Hậu Giang đã tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện công tác số hóa hồ sơ (2020-2022).

Nhằm phấn đấu thực hiện đạt chất lượng năm công tác đột phá về ứng dụng công nghệ thông tin theo tinh thần chỉ đạo tại Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 02/12/2022 của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2023; đánh giá kết quả triển khai, thực hiện công tác số hóa hồ sơ vụ án tại các đơn vị VKSND hai cấp, qua đó phát huy những mặt làm được, làm rõ những hạn chế, vướng mắc, tìm ra nguyên nhân, đề ra giải pháp để nâng chất lượng công tác số hóa hồ sơ vụ án trong thời gian tới.

 Đồng chí Lê Văn Meo, Chánh văn phòng VKSND tỉnh thông qua dự thảo báo cáo sơ kết

Đồng chí Lê Văn Meo, Chánh văn phòng VKSND tỉnh thông qua dự thảo báo cáo sơ kết

VKSND tỉnh đã có nhiều quan tâm, chỉ đạo từng bước thực hiện có hiệu quả khâu công tác này như: Chủ động rà soát, đánh giá thực trạng hạ tầng công nghệ thông tin để đầu tư mua sắm trang thiết bị cho các đơn vị VKSND hai cấp trên cơ sở nguồn kinh phí do VKSND tối cao cấp và Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ.

Chỉ đạo tổ chức 2 cuộc tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng của công chức, Kiểm sát viên VKSND hai cấp trong công tác số hóa hồ sơ; ban hành Quy chế về việc số hóa hồ sơ vụ án hình sự; vụ án hành chính, vụ việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật và và nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc số hóa hồ sơ và khai thác, lưu trữ hồ sơ, đảm bảo an toàn, hiệu quả; đề ra chỉ tiêu thực hiện tăng dần hàng năm để các đơn vị phấn đấu thực hiện, từng bước thay đổi thói quen làm việc.

Qua đó, kết quả thực hiện từng bước được nâng cao, cụ thể: VKSND hai cấp đã thực hiện 2025/3447 hồ sơ vụ án hình sự, vụ việc dân sự, hành chính, đạt 58,7%; Kiểm sát viên từng bước nâng cao kỹ năng khai thác, sử dụng hồ sơ đã số hóa để nghiên cứu, tra cứu thông tin nhanh chóng, góp phần nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa, tiết kiệm kinh phí.

 Đồng chí Nguyễn Thanh Liêm, Phó bí thư Ban Cán sự đảng, Phó viện trưởng VKSND tỉnh phát biểu đánh giá, chỉ đạo

Đồng chí Nguyễn Thanh Liêm, Phó bí thư Ban Cán sự đảng, Phó viện trưởng VKSND tỉnh phát biểu đánh giá, chỉ đạo

Sau khi nghe dự thảo báo cáo và các ý kiến tham luận, đồng chí Nguyễn Thanh Liêm, Phó Bí thư Ban Cán sự đảng, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh đánh giá công tác số hóa hồ sơ từng bước được xây dựng, phát triển và có hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế về số lượng, chất lượng và hiệu quả sử dụng. Mặc dù, trong đó có nhiều nguyên nhân khách quan như: Tình hình hạ tầng thiết bị chưa đảm bảo; nhiều nhiệm vụ tăng thêm dẫn đến hạn chế về thời gian nghiên cứu thực hiện. Các đơn vị cần phải đánh giá và khắc phục ngay về tinh thần trách nhiệm trong tổ chức thực hiện, đặc biệt, trước định hướng chuyển đổi số hiện nay.

Bên cạnh đó, đồng chí yêu cầu các đơn vị nghiêm túc khai thác sử dụng hồ sơ số hóa phục vụ yêu cầu công tác song song với việc thực hiện các quy trình lập hồ sơ kiểm sát theo đúng quy định của Ngành.

 Đồng chí Trần Quang Khải, Bí thư Ban Cán sự đảng,Viện trưởng VKSND tỉnh phát biểu kết luận

Đồng chí Trần Quang Khải, Bí thư Ban Cán sự đảng,Viện trưởng VKSND tỉnh phát biểu kết luận

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn nghiệp vụ là nội dung mới theo định hướng phát triển chung của Ngành, đòi hỏi công chức, Kiểm sát viên phải rèn luyện, nắm vững các kỹ năng sử dụng từ đó vận dụng có hiệu quả vào công tác.

Đồng thời, đồng chí đánh giá cao các tham luận đã trình bày, các đồng chí đã phân tích rõ các mặc hạn chế, những vướng mắc gặp phải và đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để thực hiện trong thời gian tới; thống nhất cao với ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó viện trưởng VKSND tỉnh.

Tiếp tục tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư, mua sắm trang thiết bị công nghệ thông tin để phục vụ công tác số hóa; gắn công tác số hóa với việc triển khai thực hiện Thông tư liên tịch 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP ngày 01/02/2018 của Liên ngành Trung ương hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Chú trọng công tác tự đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức, Kiểm sát viên VKSND hai cấp về kiến thức tin học, kỹ năng ứng dụng các phần mềm nhằm tận dụng triệt để nguồn tài liệu số hóa hồ sơ một cách có hiệu quả hơn, giúp nâng cao trình độ, chuyên môn của công chức, Kiểm sát viên, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

 Quang cảnh buổi tập huấn

Quang cảnh buổi tập huấn

Nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả mỗi công chức, Kiểm sát viên tham dự được yêu cầu thực hành các kỹ năng sử dụng công cụ quản lý như: Tách, chèn, lưu trữ, tạo danh mục liên kết quản lý hồ sơ; các công cụ phục vụ khai thác hồ sơ số hóa như: tìm kiếm nhanh, đánh dấu, đính kèm thông tin, chèn các nội dung ghi chú.

 Ảnh buổi tập huấn

Ảnh buổi tập huấn

Qua tập huấn, công chức, Kiểm sát viên đã được hướng dẫn, giải đáp kịp thời các vướng mắc, từ đó nắm vững kỹ năng thực hiện có hiệu quả công tác trong thời gian tới.

Công chức, Kiểm sát viên đang tập huấn

Công chức, Kiểm sát viên đang tập huấn

Hoàng Anh - Trúc Hà

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/ban-tin-kiem-sat/vksnd-tinh-hau-giang-so-ket-3-nam-trien-khai-thuc-hien-cong-tac-so-hoa-ho-so-136217.html