VNeID và kỳ vọng trở thành siêu ứng dụng chuyển đổi số quốc gia

Khởi nguồn là một ứng dụng khai báo y tế, đến nay, VNeID đã tích hợp 12 tiện ích dịch vụ công trực tuyến. VNeID được kỳ vọng sẽ trở thành siêu ứng dụng khi mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xác định lộ trình để đưa các tiện ích thiết yếu lên ứng dụng trước ngày 31/12/2024.

Sử dụng duy nhất VNeID trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Tháng 9/2021, giữa bối cảnh Covid-19 bùng phát diễn biến phức tạp, Bộ Công an đã ra mắt Ứng dụng VNeID với hai tính năng chính là khai báo y tế và di chuyển nội địa. VNeID (viết tắt của từ Viet Nam Electronic Identification) là một ứng dụng trên thiết bị di động, nhằm mục đích thay thế cho giấy tờ truyền thống và cung cấp các tiện ích phục vụ cho công dân số, chính phủ số và xã hội số.

VNeID không chỉ mang lợi ích thiết thực cho người dân mà còn giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với công tác quản lý nhà nước; giúp giảm thiểu sự lãng phí và sai sót trong việc sử dụng giấy tờ truyền thống, tiết kiệm chi phí và thời gian cho người dân và nhà nước.

Các tiện ích trên VNeID

Các tiện ích trên VNeID

Sau 3 năm ra mắt, Bộ Công an đã triển khai thêm 11 tiện ích vào VNeID, như: tích hợp thông tin cá nhân; sử dụng các dịch vụ công trực tuyến; nhận thông báo liên quan khai sinh, thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi, khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp và hỗ trợ chi phí mai táng; nhận cảnh báo hết hạn căn cước công dân; khai báo thông tin cư trú, lưu trú; tố giác tội phạm;… Bên cạnh đó, người dân còn được tích hợp các giấy tờ vào VNeID để thay cho bản cứng, như: căn cước công dân, giấy phép lái xe, sổ hộ khẩu, bảo hiểm y tế, giấy khai sinh, hộ chiếu và thông tin cá nhân khác.

Theo Đề án ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030( đề án 06), VNeID sẽ được mở rộng thêm các tiện ích khác như: thanh toán không dùng tiền mặt, ví điện tử, điện, nước, chứng khoán, chi trả lương hưu, trợ cấp an sinh xã hội, thất nghiệp, thiên tai, bệnh dịch...

Với việc sử dụng tích hợp nhiều tiện ích, tính năng một tài khoản VNeID để thực hiện dịch vụ công đã mang đến nhiều thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân cũng như cơ quan công quyền. Với nhiều thủ tục hành chính, người dân chỉ cần ngồi ở nhà thao tác trên điện thoại là xử lý được một cách nhanh gọn, chính xác.

Theo Bộ Công an, tổng số lượt sử dụng tài khoản định danh điện tử trên các Cổng dịch vụ công đến nay là hơn 29.375.000 lượt; đăng nhập trên ứng dụng Etax của Tổng Cục thuế là 2.096.499 lượt; Hơn 10.400.000 lượt đăng nhập trên ứng dụng VssID của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Tổng số tiền tiết kiệm được cho nhà nước ước tính 469 tỷ đồng. Bộ Công an đã hoàn thành vượt chỉ tiêu triển khai 12 tiện ích trên VneID, với hơn 1,5 triệu lượt truy cập, sử dụng các tiện ích VneID hằng ngày.

Thống nhất sử dụng 1 tài khoản duy nhất là VNeID trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến từ ngày 1/7/2024

Thống nhất sử dụng 1 tài khoản duy nhất là VNeID trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến từ ngày 1/7/2024

Tại phiên họp lần thứ tư của Tổ công tác về cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, diễn ra ngày 3/5/2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị để thống nhất sử dụng một tài khoản duy nhất là VNeID trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến từ ngày 1/7/2024 để tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và nhà nước. Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền sinh động, dể hiểu, dễ nhớ trên các phương tiện thông tin đại chúng và các nền tảng mạng xã hội, để người dân hiểu rõ tiện ích cũng như cách thức sử dụng tài khoản VNeID.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng làm sạch dữ liệu thuê bao di động, bảo đảm 100% SIM điện thoại phải có chính chủ; đồng thời nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật.

Cùng đó, các Bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, hoàn thiện cơ sở pháp lý, kết nối cơ sở dữ liệu và hạ tầng để bảo đảm việc sử dụng tài khoản VNeID được thông suốt; thiết lập kênh thông tin để trao đổi, phản hồi những khó khăn, vướng mắc nảy sinh.

Kỳ vọng siêu ứng dụng

Ngày 9/8/2024, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 369/TB-VPCP thông báo kết luận Hội nghị thường trực Chính phủ về chuyển đổi số với các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Theo thông báo, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp mạnh dạn "tăng tốc", "bứt phá" trong chuyển đổi số với khí thế tiến công mạnh mẽ, phát huy tinh thần 5 "đẩy mạnh", 5 "bảo đảm" gắn với 5 "không".

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tập trung triển khai phấn đấu đến hết năm 2024 đạt 80% dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 40% dân số trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến, 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính. Năm 2025 đạt 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được gắn định danh cá nhân.

Về triển khai Đề án 06, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành rà soát các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, phối hợp với Bộ Công an triển khai phương án sử dụng hạ tầng của Trung tâm dữ liệu quốc gia, bảo đảm tập trung, an ninh, an toàn và kết nối, chia sẻ phục vụ các nhiệm vụ chung của Chính phủ về chuyển đổi số, phát triển kinh tế - xã hội.

Các địa phương khẩn trương thực hiện điều chỉnh Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính để kết nối với phần mềm cung cấp dịch vụ công liên thông theo Nghị định số 63/2024/NĐ-CP ngày 10/6/2024 của Chính phủ.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an khẩn trương xây dựng dự án Luật Dữ liệu để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 và dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xác định lộ trình để đưa các tiện ích thiết yếu lên ứng dụng VNeID, nhất là hoàn thành lý lịch tư pháp, sổ sức khỏe điện tử, giấy khai sinh, kết hôn... để người dân trên cả nước được sử dụng, thụ hưởng, hoàn thành trước ngày 31/12/2024.

Với tinh thần đó, VneID được kỳ vọng là một siêu ứng dụng chuyển đổi số quốc gia mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và nhà nước. Tinh thần này nhanh chóng được các bộ, ngành hưởng ứng triển khai.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến triển khai mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VneID trên toàn quốc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến triển khai mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VneID trên toàn quốc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 1332/QĐ-BYT về việc ban hành Sổ sức khỏe điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID và Quyết định số 2733/QĐ-BYT ngày 17/9/2024 Hướng dẫn thí điểm thực hiện Sổ sức khỏe điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID (Sổ sức khỏe điện tử VNeID).

Theo đó, Sổ sức khỏe điện tử VNeID được sử dụng cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh công lập và tư nhân, cả loại hình khám chữa bệnh ngoại trú, nội trú, khám chữa bệnh từ xa. Bộ Y tế cho biết, Cục Quản lý Khám chữa bệnh sẽ cập nhật các nội dung liên quan đến chuyên môn khám chữa bệnh trong Sổ sức khỏe điện tử VNeID thay thế sổ giấy; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện liên thông dữ liệu và sử dụng Sổ sức khỏe điện tử VNeID.

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai mở rộng thí điểm Sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VneID trên toàn quốc, diễn ra ngày 2/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo triển khai Đề án 06 và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, triển khai tích cực, mang lại hiệu quả cho người dân. Trong đó, giao 2 địa phương là Hà Nội và Thừa Thiên Huế thực hiện thí điểm 2 tiện ích về sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID theo các nghị quyết của Chính phủ. Đây là 2 dịch vụ liên quan nhiều, liên quan trực tiếp tới người dân.

CTV Huệ Linh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/cong-nghe/chuyen-doi-so/vneid-va-ky-vong-tro-thanh-sieu-ung-dung-chuyen-doi-so-quoc-gia-post1130518.vov