Vợ cố nhạc sĩ 'Hoa sứ nhà nàng' kể chuyện đi cào nghêu, chạy xe ôm 20 năm nuôi chồng viết nhạc

Những câu chuyện ít biết về cố nhạc sĩ Hoàng Phương trong những năm tháng bần hàn được đã người bạn đời của ông là Mộng Vân tiết lộ trong một chương trình mới đây.

Xuất hiện trong chương trình Người kể chuyện tình Mộng Vân đã có dịp chia sẻ những câu chuyện và kỷ niệm xúc động về người chồng quá cố là nhạc sĩ Hoàng Phương. Bà mang theo cây đàn guitar, kỷ vật của “Ông hoàng nhạc Gò Công” và cho biết đây là món quà do một người bạn ở Mỹ Tho tặng. Ngoài ra, còn có những ca khúc viết tay kể cả những ca khúc chưa phát hành của cố nhạc sĩ tài hoa.

Vợ nhạc sĩ Hoàng Phương trong chương trình.

Vợ nhạc sĩ Hoàng Phương trong chương trình.

Theo lời Mộng Vân cuộc đời cố nhạc sĩ Hoàng Phương đã trải qua đủ cả hai kiếp sống. Đó là lúc giàu sang và khi khốn khó. Ông từng sở hữu tới 2 tiệm vàng, 1 tiệm sửa đồng hồ, 3 căn nhà phố nhưng vì đam mê nghệ thuật và phóng khoáng trong giao tiếp nên tài sản cứ thế mà tiêu tan.

Được biết nhạc sĩ Hoàng Phương (1943 – 2002), tên thật là Nguyễn Kim Hoàng, sinh ra trong một gia đình khá giả tại xóm Cầu Muống, xã Tân Thành, cách thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang) khoảng 17km. Gia đình nhạc sĩ vốn không ủng hộ ông theo nghiệp cầm ca mà hướng con trai theo con đường thương nghiệp. Thế nhưng niềm đam mê âm nhạc đã thể hiện ngay từ khi ông còn ngồi trên ghế nhà trường. Hoàng Phương say đắm các nhạc khúc viết về vùng biển Gò Công. Một ngày trên đường từ trường về nhà sau buổi học thêm, ông vô tình nghe được tiếng đàn violon chơi bài Con thuyền không bến của Đặng Thế Phong. Những nốt nhạc trầm bổng đó càng thôi thúc ông tiến gần hơn đến con đường âm nhạc. Năm 12 tuổi ông dành dụm tiền để mua cho được 1 cây violon và theo học nhạc sĩ Lê Dinh, lúc đó là thầy dạy nhạc ở trường nam Tiểu học Gò Công. Hết lớp đệ nhị (nay là lớp 11), ông ôm đàn về nhà, bỏ học.

Cố nhạc sĩ Hoàng Phương.

Cố nhạc sĩ Hoàng Phương.

Một thời gian sau ông làm quen với guitar. Trong những buổi trình diễn hay trong những lần cắm trại, hình ảnh nhạc sĩ Hoàng Phương bên cây đàn guitar mang dáng dấp của một gã du ca lãng tử. Năm 1968 ông cho ra mắt tác phẩm đầu tay Hoa sứ nhà nàng, nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của công chúng.

Sau này, ông tiếp tục làm sôi động đời sống âm nhạc không chỉ miền Nam mà cả miền Bắc với dòng nhạc mang tên quê hương ông - dòng nhạc Gò Công. Suốt những năm 1980, dòng nhạc này tỏa sáng trong làng âm nhạc Việt như một hiện tượng mà người có công khai phá và duy nhất tỏa sáng với dòng nhạc này là nhạc sĩ Hoàng Phương.

Có thời gian ông bỏ hết công việc lao vào sáng tác. Các nhạc phẩm của ông chủ yếu viết về quê hương Tiền Giang: Chung một dòng sông, Gò Công hồng trang sử, Biển thức, Về nông trường Phú Đông, Tiếng chim mùa xuân, Biển Gò Công khi em đến… Ông chính là nhạc sĩ đầu tiên ở Tiền Giang dám bỏ tiền sản xuất băng cassette gồm những ca khúc về tình yêu và mảnh đất Gò Công. Những nhạc phẩm này nhận được sự đón nhận hồ hởi của người dân lúc bấy giờ.

Về cuối đời, cuộc sống ngày càng cơ cực, ông lên Sài Gòn tìm đến các trung tâm băng nhạc để kiếm sống nhưng cũng không vực dậy được kinh tế. Năm 2002, ông lâm trọng bệnh nên gia cảnh đã nghèo lại càng nghèo. Nam nhạc sĩ cùng vợ con sống trong căn nhà chật chội nằm ngay trước mảnh đất của cha mẹ ông.

Nhớ về những ngày tháng khó khăn bị cái nghèo đeo bám suốt nhiều năm Mộng Vân cho hay: “Khi ấy, chúng tôi nghèo lắm. Tôi đi cào nghêu, làm cỏ để lấy tiền nuôi chồng nuôi con. Sau đó, tôi được bà con cho tiền mua một chiếc xe để chạy xe ôm. Tôi chạy trong 20 năm, để chồng có thể yên tâm sáng tác. Người kể chuyện tình khơi lại những kỷ niệm, đúng là hoàn cảnh của tôi năm xưa tuy nghèo nhưng cố gắng lo cho chồng con. Đôi lúc, tôi cảm thấy tủi thân vì còn trẻ nhưng lại sống khổ cực nhưng tôi tự hào người chồng là một nhạc sĩ có nhiều bài hát nổi tiếng, được công chúng đón nhận và sống mãi với thời gian”.

Thật trớ trêu chính trong thời gian này cảm xúc của của nhạc sĩ Hoàng Phương lại dạt dào, thăng hoa. Bên cây đàn guitar cũ kỹ, thậm chí thiếu cả dây nhưng ông vẫn cho ra những bài hát để đời: Thuyền giấy chiều mưa, Chung vầng trăng đợi, Nhớ biển Gò Công, Hẹn em bên cửa sông Tiền…

Sau khi nhạc sĩ Hoàng Phương qua đời, nhờ sự giúp đỡ của anh em nghệ sĩ, cuộc sống của gia đình Mộng Vân đã cải thiện hơn nhiều, bà không còn phải chạy xe ôm thay vào đó mở một quán nhỏ để kiếm sống. Nghĩ lại cảnh cơ cực ngày xưa, bà nuối tiếc, ước mong chồng được sống đến giờ để tận hưởng chút thảnh thơi cuối đời.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vo-co-nhac-si-hoa-su-nha-nang-ke-chuyen-di-cao-ngheu-chay-xe-om-20-nam-nuoi-chong-viet-nhac-a489170.html