Vỡ con đập chiến lược - dấu hiệu leo thang căng thẳng Nga-Ukraine mới?
Ủy ban châu Âu, cơ quan hành pháp của EU, cho biết việc phá hủy đập Kakhovka phản ánh 'một dấu hiệu leo thang mới' trong cuộc chiến của Nga với Ukraine.
Các cuộc sơ tán khẩn cấp đang được tiến hành tại các khu vực ở Kherson, miền nam Ukraine khi một sự cố lớn xảy ra sau thiệt hại đối với con đập của Nhà máy Thủy điện Kakhovka.
Nguy cơ khủng hoảng nhân đạo
Ở nơi lẽ ra phải là một góc phố Kherson, Larysa Musian, một nhà thủy văn học, ngồi nhìn nước lũ dâng cao. Sông Dnipro từng cách đó 300-400m, nhưng sau khi đập Nova Kakhovka bị vỡ vào lúc 2h50 sáng thứ 6/6, nước đã tràn vào thành phố, làm ngập hai hoặc ba dãy nhà đầu tiên của khu vực thấp nhất.
Cứ sau nửa giờ, Musian đứng dậy khỏi ghế đẩu, mang theo một cây thước hình vuông màu xám than. Bà cho biết, nước đang dâng lên “6 đến 8cm sau nửa giờ” và cao hơn 3m so với trước khi đập bị vỡ. Bà gọi cho các đồng nghiệp ở trung tâm giám sát khu vực ở Mykolaiv gần đó.
“Khi mực nước dâng quay trở lại 5cm/giờ và giảm dần xuống 4cm, mới xác định là ổn định,” bà Musian nói. Nhưng không rõ khi nào điều đó sẽ xảy ra, bởi “không thể thống kê chắc chắn số lượng nước tràn qua con đập, nó được kiểm soát bởi Nga”.
Hình ảnh và video do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các quan chức khác đăng tải trên mạng xã hội cho thấy nước dâng cao tràn qua các khu vực bị hư hại, khiến hàng nghìn cư dân ở hạ lưu gặp nguy hiểm.
Ukraine cho biết con đập đã bị lực lượng Nga "cho nổ tung" hôm 6/6, với Bộ chỉ huy phía Nam của Lực lượng Vũ trang Ukraine nói rằng "quy mô của sự tàn phá, tốc độ và lượng nước, và các khu vực lũ lụt có thể xảy ra đang được làm rõ."
Giới chức Ukraine cảnh báo lũ lụt có khả năng tàn phá nặng nề ở vùng Kherson và cho biết khoảng 1.300 người đã được sơ tán cho đến nay.
Nga phủ nhận việc làm hư hại con đập, thay vào đó khẳng định Ukraine là bên đứng sau vụ phá hoại.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gọi cuộc tấn công vào đập Kakhovka là "quả bom sinh thái hủy diệt hàng loạt" trong bài phát biểu tối 6/6.
Ông Zelensky cũng nói rằng công tố viên trưởng của Ukraine "đã kháng cáo lên Văn phòng Công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế để công lý quốc tế tham gia vào cuộc điều tra vụ nổ đập."
"Dấu hiệu leo thang mới"
Công ty thủy điện quốc doanh Ukraine cho biết vụ nổ làm hư hỏng nặng đập Nova Kakhovka.
"Do buồng máy phát nổ từ bên trong, [nhà máy thủy điện] Kakhovka đã bị phá hủy hoàn toàn và không thể được khôi phục", công ty Ukrhydroenergo cho biết trong một tuyên bố.
Một nửa nhịp của đập Nova Kakhovka cũng đã bị phá hủy, theo hãng thông tấn Nga TASS. Hãng tin này cho biết các phần còn lại của con đập đang tiếp tục sụt lún và hư hại.
Vương quốc Anh, Estonia và Litva lên án hành động này là "tội ác chiến tranh", trong khi Latvia cảnh báo vụ nổ là một "thảm họa sinh thái".
Ủy ban châu Âu, cơ quan hành pháp của EU, cho biết việc phá hủy đập Kakhovka phản ánh "một dấu hiệu leo thang mới" trong cuộc chiến của Nga với Ukraine.
Peter Stano, phát ngôn viên chính sách đối ngoại của EU cho biết: "Liên minh châu Âu lên án mạnh mẽ cuộc tấn công khủng khiếp và man rợ này nhằm vào một cơ sở hạ tầng quan trọng với những hậu quả khủng khiếp về nhân đạo và môi trường".
"Rõ ràng điều này xảy ra trong bối cảnh Nga và Ukraine gây hấn," ông nói thêm.
Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết việc phá hủy đập Kakhovka gây nguy hiểm cho cuộc sống của hàng nghìn dân thường "và gây ra thiệt hại môi trường nghiêm trọng", cũng như là minh chứng cho sự tàn bạo của chiến sự tại Ukraine.
Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye.
Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi cho biết việc không có nước làm mát trong một thời gian dài tại nhà máy hạt nhân Zaporozhye sẽ khiến nhiên liệu tan chảy và các máy phát điện diesel khẩn cấp không hoạt động được.
“Tuy nhiên, đánh giá hiện tại là không có nguy cơ đe dọa ngay đối với nhà máy,” ông Grossi cho biết trong một tuyên bố.