Vỡ mộng lọc hóa dầu

(ĐTTCO) - Đánh giá tác động liên quan đến thu ngân sách nhà nước (NSNN) khi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (NSRP) đi vào hoạt động, Vụ NSNN (Bộ Tài chính) cho biết kịch bản NSRP đi vào hoạt động với giá dầu thô nhập khẩu 45USD/thùng, năm 2017 sẽ tác động đến giảm thu NSNN khoảng 1.377 tỷ đồng, 2018 giảm 10.929 tỷ đồng, 2019 giảm 10.632 tỷ đồng và năm 2020 giảm 14.110 tỷ đồng. Để thực hiện ưu đãi bao tiêu sản phẩm cho NSRP trong 10 năm đầu hoạt động, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) sẽ phải bù lỗ cho NSRP 1,54 tỷ USD/10 năm, tương đương 3.500 tỷ đồng/năm. Đồng thời, PVN phải bỏ ra 3.833 tỷ đồng để đầu tư các hạng mục công trình đê chắn sóng, đường nội bộ, hệ thống chiếu sáng bên trong NSRP. Có thể nói NSRP chỉ là một điển hình về sự bất cập trong thu hút đầu tư các dự án lọc hóa dầu những năm qua.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được vận hành thương mại từ năm 2010, nhưng theo số liệu của PVN, từ đó đến nay nhà máy này liên tục rơi vào tình trạng thua lỗ. Cụ thể, nếu không nhận được các ưu đãi về thuế, ưu đãi bao tiêu sản phẩm, năm 2010 nhà máy lỗ 3.200 tỷ đồng, 2011 lỗ 4.800 tỷ đồng, 2012 lỗ 6.400 tỷ đồng, 2013 lỗ 6.000 tỷ và năm 2014 lỗ 7.136 tỷ đồng.

Lũy kế lỗ của nhà máy nếu không nhận được ưu đãi trong 5 năm lên đến 27.000 tỷ đồng. Tuy nhiên nhờ các ưu đãi thuế, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lỗ 1.300 tỷ đồng năm 2011, lỗ 3.000 tỷ đồng năm 2012 và lãi khoảng 3.000 tỷ đồng năm 2013, năm 2014 chỉ lãi 150 tỷ đồng do giá dầu lao dốc. Đến năm 2015 nhà máy này lãi khoảng 6.000 tỷ đồng, số lãi này phần lớn do được hưởng các ưu đãi thuế đặc biệt. Theo đánh giá của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, đơn vị vận hành nhà máy, nếu không được hưởng thêm các ưu đãi thuế trong thời gian tới, nhà máy sẽ đứng trước nguy cơ đóng cửa.

Nhưng dường như các ưu đãi cho các dự án lọc hóa dầu tại các địa phương đã không thể phát huy hiệu quả kinh tế của các dự án này, không thể níu chân nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư FDI đã tháo chạy khỏi các dự án lọc hóa dầu quy mô hàng tỷ USD thời gian qua. Điển hình là Liên danh nhà đầu tư Tập đoàn Dầu khí Thái Lan - Saudi Aramco đã tháo chạy khỏi dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội vốn đăng ký đầu tư lên đến 22 tỷ USD tại Bình Định, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Qatar (QP) cũng xin rút khỏi dự án Lọc hóa dầu Long Sơn vốn đăng ký đầu tư lên tới 4,5 tỷ USD, hay Tập đoàn Technostar Management Limitted trì hoãn không khởi công xây dựng nhà máy Lọc dầu Vũng Rô sau 10 năm cấp phép đầu tư. Điều đáng nói, những nhà đầu tư này tháo chạy khỏi dự án sau khi Nhà nước đồng ý cho hưởng hàng loạt các ưu đãi đầu tư. Thực tế này cho thấy các ưu đãi đầu tư dù lớn đến đâu cũng không thể giữ chân được nhà đầu tư nếu các dự án lọc hóa dầu không phát huy được hiệu quả kinh tế.

Với những tính toán về con số giảm thu NSNN và con số bù lỗ của PVN cho 2 dự án lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn, thật khó để tiếp tục cấp thêm ưu đãi cho các dự án lọc dầu khác. Đó cũng là lý do khiến các nhà đầu tư tháo chạy khỏi các dự án lọc dầu trong nước thời gian qua. Chẳng hạn với dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội, các đề xuất ưu đãi của Tập đoàn PTT và Công ty Saudi Aramco đưa ra đã bị từ chối. Hơn nữa, việc cấp phép quá nhiều dự án lọc dầu quy mô hàng tỷ USD thời gian qua đã phá vỡ quy hoạch phát triển ngành dầu khí đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025. Quy hoạch này dự báo, nhu cầu các sản phẩm xăng dầu trong nước vào năm 2025 khoảng 41 triệu tấn, nhưng sau khi bổ sung Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội vào quy hoạch, nguồn cung xăng dầu trong nước dự báo đạt 52 triệu tấn/năm, dư thừa khoảng 11 triệu tấn xăng dầu.

Thực tế trên cho thấy, xu hướng thu hút đầu tư vào lĩnh vực lọc hóa dầu và thu hút đầu tư nói chung nếu chỉ dựa vào ưu đãi sớm muộn sẽ thất bại. Việc cấp phép và triển khai các dự án lọc hóa dầu cần được tính toán kỹ về hiệu quả kinh tế. Bởi sự thất bại của các dự án lọc hóa dầu quy mô hàng tỷ USD sẽ để lại nhiều nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, không chỉ là sự thất thu ngân sách, mà còn kéo gánh nặng bù lỗ hàng tỷ USD khi đưa các nhà máy lọc dầu vào vận hành.

ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20160817/vo-mong-loc-hoa-dau.aspx