Với sự nỗ lực, Việt Nam đã đưa hơn 21.000 công dân về nước
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với nỗ lực cao nhất của các cơ quan chức năng trong nước và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, trên cơ sở nguyện vọng của công dân và năng lực cách ly trong nước, thời gian qua đã tổ chức hơn 80 chuyến bay, đưa về nước hơn 21.000 công dân từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, đảm bảo an toàn về phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Ngày 6-8, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi đề nghị cho biết thông tin thời điểm tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM-53) và các hội nghị liên quan, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:
Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đang hoàn tất công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 và các Hội nghị liên quan vào nửa đầu tháng 9-2020. Thông tin cụ thể về việc tổ chức các hội nghị nói trên sẽ được tiếp tục cập nhật trong thời gian tới.
Liên quan tới kế hoạch đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước trong bối cảnh xuất hiện những ca nhiễm mới ở trong nước, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với nỗ lực cao nhất của các cơ quan chức năng trong nước và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, trên cơ sở nguyện vọng của công dân và năng lực cách ly trong nước, thời gian qua đã tổ chức hơn 80 chuyến bay, đưa về nước hơn 21.000 công dân từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, đảm bảo an toàn về phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Thời gian tới, việc đưa công dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nước sẽ được sắp xếp theo nguyện vọng của công dân, phù hợp với tình hình dịch bệnh và năng lực cách ly trong nước.
Trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc đưa khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào trong Quy tắc kiểm tra kỹ thuật tàu biển nội địa theo luật định 2020, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định:
Việc Trung Quốc đưa khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào trong Quy tắc kiểm tra kỹ thuật tàu biển nội địa theo luật định 2020 đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.
Lập trường nhất quán của Việt Nam là mọi hoạt động liên quan đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là hành vi vi phạm chủ quyền của Việt Nam và vô giá trị.