Vốn đầu tư công không bao gồm vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)
Chiều 11-1, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 52, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận báo cáo của Chính phủ về việc áp dụng khoản 22, Điều 4 của Luật Đầu tư công.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng.
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, định nghĩa vốn đầu tư công được quy định tại khoản 22, Điều 4, Luật Đầu tư công năm 2019, nêu: Vốn đầu tư công quy định tại Luật này bao gồm vốn ngân sách nhà nước; vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật. “Định nghĩa vốn đầu tư công gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện do còn có cách hiểu khác nhau giữa các cơ quan”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Trong khi đó, nội dung quy định tại Luật cũng như các nghị định chưa xác định rõ thẩm quyền, quy trình, thủ tục đối với các dự án sử dụng nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài cho doanh nghiệp nhà nước vay lại 100%.
Do đó, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết giải thích khoản 22, Điều 4, Luật Đầu tư công năm 2019 có bao gồm vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài cho doanh nghiệp vay lại 100% hay không để sớm tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai thực hiện Luật Đầu tư công.
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày lại cho rằng, quy định tại khoản 22, Điều 4, Luật Đầu tư công đã rõ ràng, theo đó, các khoản vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cho doanh nghiệp vay lại 100% không phải là vốn đầu tư công. Luật Đầu tư công năm 2019 không quy định khoản vốn nêu trên thuộc vốn đầu tư công để phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước và bảo đảm đúng bản chất kinh tế của đầu tư công là hoạt động đầu tư bằng nguồn ngân sách, khác với đầu tư của doanh nghiệp (bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động của doanh nghiệp theo nguyên tắc thị trường). Từ đó, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị không cần thiết ban hành Nghị quyết giải thích lại quy định trên.
Thảo luận về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài cho doanh nghiệp vay lại 100% có phải vốn đầu tư công hay không cần căn cứ theo Luật Ngân sách nhà nước.
Toàn cảnh phiên họp.
Đối với khái niệm vốn ngân sách nhà nước, theo quy định tại Điều 5, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, phạm vi ngân sách nhà nước bao gồm: Thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách nhà nước; bội chi ngân sách nhà nước; tổng mức vay của ngân sách nhà nước, bao gồm vay bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của ngân sách nhà nước. Đồng thời, Điểm b, Khoản 4, Điều 7, Luật Ngân sách nhà nước quy định bội chi ngân sách trung ương được bù đắp bằng nguồn vay nước ngoài từ các khoản vay của Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế và phát hành trái phiếu chính phủ ra thị trường quốc tế, không bao gồm các khoản vay về cho vay lại.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nếu đưa vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài cho doanh nghiệp vay lại 100% quản lý tại Luật Đầu tư công sẽ phát sinh nhiều thủ tục, gây chậm trễ cho công tác giải ngân các khoản vay.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất quy định tại khoản 22, Điều 4 của Luật Đầu tư công đã rõ ràng, không cần thiết ban hành Nghị quyết giải thích lại quy định trên. Đối với việc quản lý các dự án ODA, vay ưu đãi nước ngoài cho doanh nghiệp vay lại 100%, Chính phủ cần rà soát các quy định pháp luật liên quan để thực hiện.