'Vốn quý' của Xoan

Hơn 70 năm tuổi đời, nhưng có tới 70 năm 'theo' Xoan - nghệ nhân Hát Xoan Nguyễn Xuân Hội, ông Trùm phường Xoan cổ Phù Đức (xã Kim Đức, thành phố Việt Trì) là một trong những người am hiểu về Xoan cổ bậc nhất Phú Thọ.

Trùm phường Xoan Phù Đức Nguyễn Xuân Hội cùng các nghệ nhân cao niên truyền dạy Hát Xoan cho các đào Xoan “nhí”.
(baophutho.vn) - Hơn 70 năm tuổi đời, nhưng có tới 70 năm “theo” Xoan - nghệ nhân Hát Xoan Nguyễn Xuân Hội, ông Trùm phường Xoan cổ Phù Đức (xã Kim Đức, thành phố Việt Trì) là một trong những người am hiểu về Xoan cổ bậc nhất Phú Thọ. Từ nhỏ lớn lên trong vùng đất được mệnh danh là “chiếc nôi” của Hát Xoan, ông Hội đã học hỏi và yêu thích Hát Xoan giống như bao thế hệ cha anh trước đó. 14 quả cách Xoan cổ sớm được ông thuộc nằm lòng cùng với cách trình diễn bài bản của từng nghi lễ.
Nghĩ lại những năm tháng còn trẻ, ông Trùm phường Xoan Phù Đức vẫn nhớ như in: Mỗi tuần tôi lại theo cha, ông đốt đèn lội ruộng ra đình Hát Xoan. Thời ấy không có đèn điện, đường sá vẫn là đường đất rất khó đi, thế nhưng người dân vẫn đi rất đông đủ để tập luyện. Hát Xoan ngấm vào máu thịt, trở thành bản sắc văn hóa độc đáo của quê hương mà chúng tôi được dặn dò phải gìn giữ. Tâm niệm điều đó, ông Hội tỉ mỉ truyền dạy những kiến thức của mình cho các thế hệ nghệ nhân kế cận. Từng câu hát, cách nhả chữ, kỹ năng múa, gõ phách, đánh trống… đều được ông cẩn thận rèn giũa theo đúng phương pháp truyền thống. Không chỉ vậy, ông Hội còn đóng góp nhiều ý kiến cho lãnh đạo địa phương để tu bổ, giữ gìn các không gian biểu diễn Hát Xoan và biện pháp bảo tồn Hát Xoan hiệu quả. Ông Hội cùng với các nghệ nhân cao niên khác được công nhận là nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú… đã làm “sống dậy” những làn điệu Xoan cổ xa xưa, góp phần đưa Hát Xoan ra khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp để trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Các nghệ nhân phường Xoan An Thái tập luyện trình diễn Hát Xoan cổ.
Bà Trùm phường Xoan cổ An Thái (xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì) Nguyễn Thị Lịch là nghệ nhân có tư duy độc đáo trong việc trình diễn và bảo tồn Hát Xoan. Là nghệ nhân nhân dân dày dạn kinh nghiệm, đã thuộc làu 14 quả cách từ những canh hát thâu đêm suốt sáng cùng cha ông từ tấm bé, bà Trùm Lịch là người luôn say mê truyền dạy, đào tạo thế hệ kế cận mình. Bà chia sẻ: Hiện nay tôi cùng các nghệ nhân cao niên khác chủ yếu truyền dạy cho các lớp nghệ nhân kế cận bằng phương pháp truyền khẩu. Mỗi quả cách được tập đi tập lại cho nhuần nhuyễn. Các nghệ nhân cao niên sẽ hát và làm mẫu cụ thể để những thành viên trong phường tập theo. Ngay cả các cháu thiếu nhi được chúng tôi gọi là các đào Xoan “nhí” cũng rất say mê, miệt mài tập luyện.
Vừa rèn các làn điệu Xoan cổ, Trùm Lịch còn sáng tạo ra các lời mới dựa trên giai điệu làn Xoan cổ để cho các thành viên trong phường học hát. Những chủ đề bình dị của đời sống hiện đại được Trùm Lịch khéo léo lồng ghép vào giai điệu Xoan. Hát Xoan vì thế càng trở nên gần gũi, thấm đượm hơi thở cuộc sống và được mọi người đón nhận.

Tỉnh Phú Thọ có 66 nghệ nhân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hát Xoan Phú Thọ”, trong đó có 17 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.
Không chỉ là những kho kiến thức khổng lồ về Hát Xoan, những nghệ nhân cao niên của các phường Xoan cổ còn là những “sợi dây tinh thần” gắn kết hoạt động của cả phường Xoan, là những cây đa, cây đề cho thế hệ đào Xoan, kép trống kế cận học hỏi và noi gương. Những nghệ nhân Hát Xoan cao niên cũng chính là cầu nối giữa các thế hệ cha ông xa xưa với lớp con cháu ngày nay, là “vốn quý” cần được giữ gìn như những tài sản tinh thần không gì thay thế được. Nhờ đó, những điệu Xoan cổ lưu truyền từ xa xưa sẽ ngân vang mãi nhờ sự kế thừa và tiếp nối của biết bao thế hệ con Rồng cháu Tiên.

Trà My

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-hoc-nghe-thuat/hat-xoan-phu-tho/202202/%E2%80%9Cvon-quy%E2%80%9D-cua-xoan-182661