Vốn tín dụng chính sách: 'Tiếp sức' phát triển sản phẩm chủ lực khu vực nông thôn

Những năm gần đây, cùng với thực hiện hiệu quả nhiều chương trình tín dụng chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh còn tích cực hỗ trợ khách hàng vay vốn để đẩy mạnh Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh. Qua đó góp phần giúp các hộ duy trì, phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh sản phẩm truyền thống, đặc trưng ở địa phương, tăng thu nhập.

Nhiều mô hình phát huy hiệu quả

Ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020, trong đó trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Mục đích nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng khơi thông nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao tiêu chí thu nhập cho người dân trong xây dựng nông thôn mới.

 Người dân xã Hương Sơn (Lạng Giang) thu hoạch dứa.

Người dân xã Hương Sơn (Lạng Giang) thu hoạch dứa.

Để thực hiện tốt chương trình trên, tháng 6/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 975/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Chương trình OCOP tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu phát triển, tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm làng nghề, nông nghiệp hiện có, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc trưng; phát triển hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất sản phẩm truyền thống có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh… Phấn đấu đạt mục tiêu này, tỉnh đã giao nhiệm vụ thực hiện cho ngành chức năng, các địa phương đăng ký sản phẩm tham gia. Đặc biệt, để tạo điều kiện giúp các hộ phát triển sản phẩm đặc trưng, ngay từ khi triển khai chương trình, Ngân hàng CSXH tỉnh đã cho các hộ vay vốn với lãi suất ưu đãi.

Ông Trịnh Hữu Ngọc Nam, Trưởng Phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng (Ngân hàng CSXH tỉnh) cho biết: “Các hộ được vay vốn là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ liên kết sản xuất theo tổ hợp tác, hợp tác xã… Lãi suất cho vay hộ nghèo 6,6%/năm; hộ cận nghèo 7,92%/năm; hộ mới thoát nghèo 8,25%/năm… Mức vay tối đa là 100 triệu đồng/hộ với thời gian vay tối đa 10 năm tùy theo từng đối tượng đầu tư”.

Khảo sát thực tế, nhiều khách hàng được vay vốn đã có thêm nguồn lực đầu tư phát triển sản phẩm OCOP mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như mô hình sản xuất “dứa sạch Hương Sơn” của gia đình bà Lý Thị Chéng, thôn Đồng Thủy, xã Hương Sơn (Lạng Giang). Là hộ nghèo, năm 2023, gia đình bà Chéng được Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cho vay 100 triệu đồng với lãi suất 6,6%/năm trong 5 năm để phát triển mô hình trồng dứa.

Bà Chéng chia sẻ: “Khi chưa được vay vốn ưu đãi, gia đình thường bị thiếu kinh phí mua cây giống, phân bón nên có thời điểm phải mua theo hình thức trả chậm, giá cao. Kể từ khi được vay vốn ưu đãi, gia đình chủ động tiền mua cây giống, vật tư phục vụ sản xuất nên hiệu quả kinh tế mang lại cao”. Vụ dứa năm ngoái, trên diện tích 1 ha, bà thu 35 tấn dứa thương phẩm, trừ chi phí thu lãi khoảng 240 triệu đồng; vụ dứa năm nay, bà thu lãi hơn 250 triệu đồng.

Ở xã Hương Sơn có 40 hộ dân được vay vốn ưu đãi như hộ bà Chéng (với tổng dư nợ 4 tỷ đồng) để phát triển mô hình “dứa sạch Hương Sơn” mang lại thu nhập cao. Ngoài ra, trong xã còn có 16 hộ dân khác đang vay vốn tín dụng ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất sản phẩm OCOP là xôi sắc màu Hương Sơn, có thu nhập từ 50 triệu đồng đến vài trăm triệu đồng/hộ/năm.

Tương tự, tại huyện Lục Nam có hộ các ông: Lâm Văn Sùng, thôn Dăm, xã Vũ Xá được vay 100 triệu đồng trong 3 năm để chăn nuôi gà thịt; Hoàng Đăng Bình, thôn Tân Thành, xã Trường Sơn được vay 100 triệu đồng trong 5 năm để trồng bưởi Diễn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Theo lãnh đạo Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lục Nam, toàn huyện hiện có 110 lao động đang được vay vốn thực hiện Chương trình OCOP với tổng dư nợ hơn 10,2 tỷ đồng. Nguồn vốn vay được các hộ đầu tư phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương như: Na dai Nghĩa Phương; trà hoa vàng túi lọc xã Trường Sơn; long nhãn Đan Hội…

Tạo thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn vay

Thông tin từ Ngân hàng CSXH tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 3.269 khách hàng đang vay vốn tín dụng chính sách với tổng dư nợ 242 tỷ đồng. Các trường hợp vay vốn đều sử dụng để đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP tại địa phương như: Vải thiều Lục Ngạn Hồng Xuân, mỳ gạo Chũ Thủ Dương, cam lòng vàng Tân Mộc (Lục Ngạn); chả gà, giò gà, xúc xích gà, gà đồi (Yên Thế); vải sớm Phúc Hòa, nem nướng Liên Chung, vú sữa Hợp Đức, sâm Nam núi Dành khô (Tân Yên); rượu nếp cái hoa vàng (thị xã Việt Yên)…

 Sản phẩm OCOP mỳ gạo Chũ của Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ mỳ Chũ Nam Thể, xã Nam Dương (Lục Ngạn).

Sản phẩm OCOP mỳ gạo Chũ của Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ mỳ Chũ Nam Thể, xã Nam Dương (Lục Ngạn).

Theo ngành chức năng, toàn tỉnh hiện có 329 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia, còn lại đạt từ 3 sao trở lên. Các sản phẩm được công nhận OCOP cơ bản mang tính đặc trưng, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương; có đầy đủ hồ sơ về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm; nhiều sản phẩm áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến. Đối tượng vay vốn thực hiện Chương trình OCOP khá rộng, nằm ở tất cả các huyện, thị xã, TP.

Theo Ngân hàng CSXH tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 3.269 khách hàng đang vay vốn tín dụng chính sách với dư nợ 242 tỷ đồng để thực hiện Chương trình OCOP. Hầu hết các hộ vay vốn đều phát huy hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.

Để nguồn vốn vay phát huy hiệu quả, trước khi giải ngân, Ngân hàng CSXH tỉnh đã chỉ đạo phòng giao dịch ngân hàng CSXH các địa phương phối hợp chặt chẽ với tổ chức hội nhận ủy thác ở cơ sở tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi. Đồng thời thực hiện nghiêm việc rà soát, thẩm định hồ sơ khách hàng có nhu cầu vay vốn để giải ngân kịp thời, đúng đối tượng. Đặc biệt là lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách gắn với hỗ trợ kỹ thuật sản xuất.

Theo ông Nguyễn Văn Cảnh, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh, trong vòng một tháng sau khi giải ngân, ngân hàng yêu cầu các tổ chức hội kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các trường hợp thụ hưởng sử dụng vốn đúng mục đích. Phân công cán bộ định kỳ kiểm tra, đôn đốc các đơn vị ủy thác thu tiền lãi theo quy định. Bằng cách làm đó, đến nay, hầu hết các hộ vay vốn thực hiện Chương trình OCOP trong tỉnh đều phát huy hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.

Minh Linh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/von-tin-dung-chinh-sach-tiep-suc-phat-trien-san-pham-chu-luc-khu-vuc-nong-thon-091944.bbg