Vòng luẩn quẩn ngăn doanh nghiệp Việt bước vào chuỗi cung ứng
Điều quan trọng để có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu là doanh nghiệp Việt phải có cơ hội được kết nối và hiểu về yêu cầu cũng như quy trình lựa chọn đối tác của doanh nghiệp nước ngoài.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thời gian qua liên tục đổ vào Việt Nam và gia tăng theo mỗi năm với sự hiện diện lớn của cácnhà đầu tư Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Singapore.
Những doanh nghiệp FDI có vai trò quan trọng trong nền kinh tế khi đóng góp tỷ trọng lớn kim ngạch xuất khẩu, chiếm tới gần 70% trong 8 tháng đầu 2019 theo số liệu của Tổng cục Hải quan.
Tuy nhiên, mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) còn yếu, khiến Việt Nam chưa thể thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chia sẻ tại lễ khởi động dự án “Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của DNNVV” (LinkSME), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, mối quan hệ kết nối kia đang đứng trước bài toán “con gà và quả trứng”.
“Tôi hỏi các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại sao không hợp tác được với các doanh nghiệp trong nước thì họ bảo rằng doanh nghiệp Việt Nam không có đủ chất lượng sản phẩm, đủ tiêu chuẩn để có thể tham gia vào chuỗi giá trị”.
Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước lại không dám đầu tư nâng cao năng lực vì lo sợ không tham gia được vào chuỗi giá trị, sợ rằng “đầu tư mà không tham gia được thì chết”.
Vấn đề đặt ra hiện nay là doanh nghiệp trong nước làm thế nào để vươn lên, nâng cao năng lực, có sức cạnh tranh, có những quy chuẩn về hàng hóa để tham gia vào chuỗi cung ứng.
Cùng với đó, câu hỏi cũng được đặt ra về việc làm thế nào để doanh nghiệp FDI chia sẻ thị phần để tham gia vào chuỗi cung ứng của Việt Nam trong bối cảnh phần lớn doanh nghiệp vào Việt Nam thường sẵn có hệ sinh thái, hệ các nhà cung cấp.
Đây cũng là vấn đề được ông Ron Ashkin, Giám đốc dự án USAID LinkSME chia sẻ khi nhận định về sự khó khăn của DNVVN Việt Nam trong việc bước chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông cho biết mặc dù chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu, các doanh nghiệp FDI có xu hướng tiếp tục hợp tác với các nhà cung cấp nước ngoài.
Tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam còn thấp theo tiêu chuẩn khu vực và toàn cầu do áp dụng công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, trình độ quản lý còn kém, rào cản về ngôn ngữ hay độ tin cậy còn thấp.
Việt Nam sẽ có tiềm năng tăng trưởng tương ứng 58 tỷ USD thông qua việc tăng cường chuỗi cung ứng trong nước, ông Ron Ashkin cho biết.
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Phó giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần dụng cụ cơ khí xuất khẩu (EMC), doanh nghiệp có mảng chính là phụ tùng ô tô, xe máy với các khách hàng như Honda, Yamaha, Toyota, cho biết có rất nhiều khó khăn khi bước vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI.
Theo ông Hiếu, các doanh nghiệp FDI lớn như Honda không chỉ đặt ra yêu cầu về chất lượng sản phẩm, quy trình quản lý sản phẩm mà còn yêu cầu chứng chỉ quốc tế, trách nhiệm xã hội. Bên cạnh đó, doanh nghiệp không chỉ phải đảm bảo chất lượng mà còn phải đưa ra mức giá cạnh tranh.
“EMC phải trực tiếp cạnh tranh với những doanh nghiệp Trung Quốc. Các doanh nghiệp nước ngoài mong muốn tìm nhà cung cấp từ Việt Nam để thay đổi chuỗi cung ứng hiện tại nhưng họ không muốn mức giá cao hơn giá của các doanh nghiệp Trung Quốc mà họ đang nhập chủ yếu vì giá bán lẻ không thể thay đổi”, ông Hiếu cho hay.
Ngoài yêu cầu về giá, doanh nghiệp còn gặp khó khăn về tiến độ sản xuất khi nguồn lực nhiều khi chưa thể đáp ứng kịp các đơn hàng khi phát triển quá nóng.
Ông Hiếu lưu ý rằng với doanh nghiệp mới tham gia vào chuỗi cung ứng, nhất thiết phải có các chứng chỉ. “Khi không có chứng chỉ, ví dụ chứng chỉ về trách nhiệm xã hội, an toàn nhà xưởng, quản lý sản xuất, thì họ sẽ không nói chuyện tiếp với mình”.
Một phần yếu của EMC và nhiều bên khác được ông nhận định chính là kết nối theo hình thức doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) với các khách hàng lớn, khách hàng FDI.
Ông cho biết với các chương trình hỗ trợ như LinkSME, ngoài việc doanh nghiệp được hỗ trợ về năng lực quản lý, kỹ thuật, điều quan trọng nhất là được kết nối với đầu chuỗi cung ứng.
Giám đốc Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Michael Greene nhận định các công ty nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam cũng như thời gian tới sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam rất mong muốn được kết nối với các doanh nghiệp địa phương để có thể tìm được những nguồn cung, giúp họ giảm chi phí sản xuất, kinh doanh.
Điều quan trọng nhất là hiểu được yêu cầu, nhu cầu của chuỗi cung ứng, từ đó doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực phù hợp và tham gia sâu rộng hơn.
Ông đánh giá đây là thời khắc hết sức quan trọng đối với Việt Nam khi có thể tận dụng được những cơ hội từ việc công nghiệp hóa nhanh chóng, từ việc phát triển lĩnh vực tiêu dùng cũng như sự thay đổi về công nghệ, thúc đẩy việc tham gia vào các chuỗi giá trị để có thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Trong tương lai, việc tăng trưởng kinh tế do khu vực tư nhân dẫn dắt sẽ là yếu tố rất quan trọng và Việt Nam có thể tận dụng những cơ hội này để phát triển hơn nữa.