VPBank lãi hơn 13.000 tỷ đồng

Với hơn 13.000 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất năm 2020, VPBank đã hoàn thành 127,5% kế hoạch đề ra từ đầu năm và tăng 26,1% so với năm 2019.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (VPB) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2020 với tăng trưởng mạnh ở cả tổng doanh thu và lợi nhuận hợp nhất ngân hàng.

Theo lãnh đạo nhà băng, tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của VPBank đạt hơn 419.000 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cuối năm 2019. Cũng tại ngày 31/12/2020, tổng dư nợ cho vay khách hàng hợp nhất của nhà băng này đạt hơn 320.000 tỷ, tăng 19% (riêng ngân hàng mẹ tăng 21,8%).

Ở chiều ngược lại, tổng huy động khách hàng và phát hành giấy tờ có giá hợp nhất đạt hơn 296.000 tỷ, tăng 9,1%. Tỷ lệ cho vay so với huy động (LDR) tại ngân hàng riêng lẻ ở mức 73,1%, thấp hơn so với giới hạn 85% Ngân hàng Nhà nước quy định.

Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ngân hàng mẹ VPBank duy trì ở mức 15% trong cả năm 2020, cao hơn so với mức 13% cuối 2019.

Cũng theo nhà băng này, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất (theo Thông tư 02) vẫn được kiểm soát ở mức 2,9%, trong đó tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tại ngân hàng mẹ là dưới 2%. Nhà băng này cũng trích quỹ dự phòng rủi ro tín dụng tăng 15,2% so với năm 2019 (đã loại trừ khoản chi phí dự phòng cho VAMC của năm 2019).

Với các chỉ tiêu tài chính trên, VPBank ghi nhận doanh thu hợp nhất cả năm 2020 đạt hơn 39.000 tỷ đồng, tăng 7,4%. Trong đó, riêng ngân hàng mẹ đạt gần 21.000 tỷ, tăng 18,6%.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2020 nhà băng này thu về cũng ghi nhận mức tăng 26,1% so với năm trước, đạt hơn 13.000 tỷ và vượt 27,5% kế hoạch đề ra đầu năm. Đóng góp chính vào số lợi nhuận này là ngân hàng mẹ với tỷ lệ 71%.

Với kết quả lợi nhuận kể trên, VPBank trở thành nhà băng có lợi nhuận trước thuế cao thứ 3 thị trường hiện tại, xếp sau Vietcombank (hơn 23.000 tỷ) và VietinBank (hơn 16.450 tỷ). Mức lợi nhuận của ngân hàng tư nhân này hiện cao hơn cả Agribank (12.869 tỷ); MBBank (10.688 tỷ); và BIDV (9.017 tỷ)…

Chỉ số tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) của riêng ngân hàng mẹ VPBank vẫn nằm trong nhóm hiệu quả hàng đầu thị trường, lần lượt đạt 24,6% và 2,2%.

Nguyên nhân chính giúp lợi nhuận của VPBank vẫn tăng trưởng bất chấp dịch bệnh nhờ thu nhập ngoài lãi (gồm thu từ dịch vụ và kinh doanh ngoại hối, chứng khoán), tăng hơn 27%. Tỷ trọng thu nhập ngoài lãi/tổng thu nhập hoạt động theo đó tăng từ 19% lên 21%.

Lãnh đạo ngân hàng này cho biết thêm năm 2020 vừa qua, thực hiện theo Thông tư 01 của NHNN nhằm tháo gỡ khó khăn đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, VPBank đã hạ lãi suất (0,05-4,7%) cho gần 110.000 khách hàng với tổng dư nợ gần 52.000 tỷ.

Quang Thắng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vpbank-lai-hon-13000-ty-dong-post1175347.html