VPBank Securities chiếm 'ngôi vương' vốn điều lệ từ SSI
CTCP Chứng khoán VPBank (VPBank Securities) vừa thông báo đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ từ 8.920 tỷ đồng lên 15.000 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất hiện nay.
Trước đó, tại Nghị quyết cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường ngày 14/10, công ty dự kiến chào bán 608 triệu cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 6.080 tỷ đồng. Tỷ lệ chào bán là 1:0,6816, tức cổ đông sở hữu mỗi 1 cổ phần sẽ được mua 0,6816 cổ phiếu.
VPBank Securities cho biết số tiền hơn 6.000 tỷ đồng thu về từ đợt chào bán sẽ được công ty sử dụng nhằm bổ sung vốn cho hoạt động cho vay ký quỹ (30%), hoạt động tự doanh (60%) và hoạt động khác (10%).
Với việc tăng vốn thành công, Chứng khoán VPBank đã trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, vượt qua SSI (14.911 tỷ đồng) và VND (12.178 tỷ đồng). Đến thời điểm hiện tại, đây là 3 công ty chứng khoán có quy mô vốn điều lệ trên 10.000 tỷ đồng, tương đương với quy mô một số ngân hàng tầm trung.
Mặc dù thị trường chứng khoán trải qua năm 2022 kém tích cực nhưng các công ty hoạt động trong ngành này vẫn không ngừng theo đuổi chiến lược tăng vốn điều lệ.
Hồi đầu năm, VNDirect hoàn tất việc thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng và phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu nhằm tăng vốn điều lệ từ 4.439 tỷ đồng lên 12.178 tỷ đồng. Theo đó, công ty chứng khoán này đã phát hành tổng cộng 782,9 triệu cổ phiếu, trong đó 434,9 triệu đơn vị là chào bán ra công chúng (tỷ lệ 1:1) và 348 triệu cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu (tỷ lệ 80%).
Không kém cạnh, đến tháng 8, Chứng khoán SSI cũng hoàn tất chào bán cổ phiếu ra công chúng, theo phương án được cổ đông thông qua tại đại hội thường niên 2022. Công ty đã phát hành hơn 496,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông với giá 15.000 đồng/cp, qua đó nâng vốn điều lệ từ 9.900 tỷ đồng lên 14.911 tỷ đồng.
Trong số các công ty chứng khoán dự kiến tăng vốn “khủng” còn có Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS). Hồi tháng 8/2022, công ty thông báo hoàn tất lấy kiến cổ đông bằng văn bản, quyết định thông qua phương án tăng vốn từ 1.126 tỷ đồng lên gần 9.250 tỷ đồng, bằng phương thức chào bán cổ phiếu riêng lẻ cùng loạt phương án chia cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Tăng vốn với các công ty chứng khoán là điều kiện tiên quyết để gia tăng thị phần, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Bởi đây là ngành thâm dụng vốn lớn, nếu tiềm lực tài chính mỏng sẽ bị bỏ lại phía sau. Theo quy định, tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ của một công ty chứng khoán không được vượt quá 200% vốn chủ sở hữu của công ty đó.
Về dài hạn, quy mô thị trường và số lượng nhà đầu tư tại Việt Nam vẫn được dự báo tăng trưởng mạnh, vì vậy cuộc đua tăng vốn của các công ty chức khoán chắc chắn chưa thể dừng lại.
VPBank Securities được đổi tên từ Chứng khoán ASC hồi đầu năm 2022, sau khi Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) mua lại ASC với vốn điều lệ chỉ 56 tỷ đồng. Từ một đơn vị ít được biết đến, công ty chứng khoán này liên tục tăng vốn và trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn hàng đầu trong toàn ngành chứng khoán.
Doanh thu hoạt động trong quý 3 vừa qua của VPBank Securities đạt gần 287 tỷ, gấp hơn 10 so với cùng kỳ năm trước do doanh thu từ trái phiếu, môi giới, cho vay margin và ứng trước, tư vấn trái phiếu không phát sinh trong quý 3 năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế gần 251 tỷ, gấp tới 78 lần số lãi hơn 3 tỷ của 9 tháng đầu năm 2021. Tại thời điểm 30/9/2022, dư nợ cho vay margin và ứng trước của VPBank Securities đạt hơn 3.590 tỷ đồng.