Vpop nhìn từ 'Anh trai'

Mùa 'Anh trai' đầu tiên xem như đã kết thúc trọn vẹn khi cả hai chương trình truyền hình thực tế cùng có cái tên và nội dung liên quan đến các trai tài trong làng giải trí Việt đều đã có những gala mãn nhãn, thu hút hàng chục ngàn khán giả tới sân khấu bất chấp giá vé rất đắt và vé cũng khó mua.

Mỗi chương trình “anh trai” đều có nét hay, lạ riêng của nó và cũng còn có những điểm cần hoàn thiện để mùa sau tốt hơn mùa trước. Song, chúng ta hãy tạm không nhắc tới “Anh trai say hi!” và nhìn chỉ vào “Anh trai vượt ngàn chông gai” (ATVNCG) như một tham chiếu để mạnh dạn nhận định về một hướng đi tích cực cho Vpop trong tương lai gần.

Chương trình truyền hình thực tế Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai.

Chương trình truyền hình thực tế Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai.

Phải thừa nhận, giữa hai chương trình có định dạng giống nhau, cùng lên sóng trùng thời điểm với nhau, xuất phát điểm của “ATVNCG” có vẻ như hơi yếu hơn về khả năng tiếp cận thị trường so với “Anh trai say hi!”. Lý do để nhận định ấy từng được đưa ra chính là độ phủ tên tuổi, sức trẻ của nhân tố tham gia “Anh trai say hi!” được đánh giá cao hơn, đồng thời kinh nghiệm, tiềm lực của nhà sản xuất “Anh trai say hi!” cũng nổi trội hơn trong mấy năm qua. Nhưng, bất ngờ là “ATVNCG” lại không tỏ ra thua sút, thậm chí, có những lúc chương trình này tỏ ra trội hơn. Đặc biệt, điều thú vị là “ATVNCG” lại làm được điều đó cho dù nhạc mục của họ có vẻ cũ kỹ hơn so với đối thủ. Chính điểm thú vị này mới là cơ sở để chúng ta nói về một hướng đi lành mạnh và có chiều sâu hơn cho Vpop hôm nay.

Với những “Trống cơm”, “Chiếc khăn piêu”, “Áo mùa Đông”... và tiết mục gây bão ở gala là “Mẹ yêu con”, những nhà sản xuất “ATVNCG” khiến chúng ta phải nhìn nhận lại về thị hiếu và thị trường Vpop hôm nay. Lâu nay, chúng ta mặc định cho rằng khán giả trẻ sẽ chỉ chấp nhận nghe những thứ trẻ trung, thời thượng và do đó, có nhiều ca sĩ đã đi theo con đường thời thượng ấy. Từ lối hát của họ cũng ảnh hưởng cách hát của RnB Hàn Quốc, sự ảnh hưởng từng không khỏi làm nhiều người có chuyên môn âm nhạc khó chịu bởi cách nhả chữ không rõ ràng, cho tới cách sáng tác, chuyển soạn, phối khí hay xây dựng hình ảnh đậm chất Kpop. Chính vì định kiến đó, chúng ta đã dễ dàng phân chia ranh giới rõ rệt giữa nhạc trẻ đương đại Việt Nam với các làn sóng trước đó nhiều thập niên. Từ đó, chúng ta xây dựng các chương trình với chú tâm vào lớp khán giả riêng và dẫn tới nhiều người trẻ ít được cơ hội tiếp cận với những tác phẩm bất hủ của thế hệ cha, anh mình.

Nhưng, khi “ATVNCG” mang hơi thở hiện đại vào trong các tác phẩm được coi là cũ, với nhiều thủ thuật cao tay của đạo diễn, của biên đạo, của phục trang và đặc biệt là của giám đốc âm nhạc, rõ ràng sức sống trẻ trung đã khiến khán giả trẻ mê mệt với những ca khúc nổi danh một thời. Cơ bản, ca từ, giai điệu của những ca khúc ấy đã quá xuất sắc rồi và khi được thay lớp xống áo cũ của mình bằng một vẻ ngoài tươi tắn, thời đại hơn, lập tức sức nặng của các tác phẩm này đã được phát huy.

Điều đó đưa ra một hướng đi là thay vì chấp nhận đầu tư cho các ca khúc mới khá hời hợt, thiếu bản sắc và như một bản sao chép tinh vi của làn sóng ngoại lai, tại sao các nhà sản xuất chương trình không chắt lọc hơn, để các sáng tác mới xuất sắc song hành với các tác phẩm kinh điển của nhạc Việt trong diện mạo mới mẻ, dễ tiếp cận hơn với giới trẻ. Sức lan tỏa của “Mẹ yêu con” mà “ATVNCG” chứng minh không phải chỉ là một ngẫu nhiên mà nó là nối tiếp của các thành công trước đó với những “Trống cơm”, “Dạ cổ hoài lang”, “Đào liễu”, “Áo mùa đông”, “Chiếc khăn piêu”... Điều đó cho thấy “ATVNCG” đã chọn được một công thức đúng và công thức đó nên được sao chép thay vì vụng về sao chép những gì mà nước ngoài đã và vẫn làm để chiếm lĩnh thị trường giải trí Việt hôm nay.

Văn Đoàn

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/vpop-nhin-tu-anh-trai-i748837/