Vụ 2 thiếu niên bị đánh: Bảo vệ dân phố lạm quyền!

Nhiều bạn đọc cho rằng vai trò của lực lượng bảo vệ dân phố rất cần thiết trong việc tuần tra bảo vệ an ninh nhưng không được lạm quyền như người đã đánh hai thiếu niên.

Hai ngày qua, những dòng thông tin về việc bảo vệ dân phố đánh hai thiếu niên tại Trường THCS Nguyễn Văn Tố, quận 10, TP.HCM vì nghi trộm cắp vặt khiến dư luận phẫn nộ.

Nhiều bạn đọc rất bức xúc trước hành động đấm, đá dã man của bảo vệ dân phố đối với hai thiếu niên nhỏ tuổi.

Các thiếu niên bị bảo vệ dân phố đánh rất nhẫn tâm. Ảnh cắt từ clip

Các thiếu niên bị bảo vệ dân phố đánh rất nhẫn tâm. Ảnh cắt từ clip

Ai cũng bất bình

Bạn đọc Thành An có ý kiến: “Thay vì bắt quả tang và dẫn về trụ sở công an để công an lập biên bản thì các bảo vệ dân phố lại hành xử như côn đồ, đánh, đá túi bụi ngay tại trường học. Lại còn có những người chứng kiến mà không can ngăn. Chuyện này không thể chấp nhận được. Cần phải có biện pháp chấn chỉnh ngay”.

“Cái bất bình ở đây là người biết luật lại đi vi phạm pháp luật. Ai phạm tội hãy để pháp luật xử lý, nhân danh pháp luật để dùng bạo lực xử lý thì chỉ gây thêm bạo lực. Hơn nữa, các đối tượng bị tình nghi là các em còn quá nhỏ, chưa thể hình thành đầy đủ nhân cách thì tuyệt đối không thể dùng bạo lực để áp chế” - bạn đọc Trần Hà bình luận.

Bạn đọc Thanh Hải đề xuất: “Tôi bị ám ảnh những cú đấm, đá liên tục của người bảo vệ dân phố mặc cho các em van xin. Tôi nghĩ vụ này không cần thiết người bị đánh phải đủ thương tích 11% mới khởi tố mà phải khởi tố ngay bởi người bị đánh là trẻ em cần được pháp luật bảo vệ hơn. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo để các lực lượng này cần xem lại vai trò, quyền hạn của mình ở vị trí nào”.

Quyền hạn bảo vệ dân phố đến đâu?

Nhiều bạn đọc thắc mắc quyền hạn, nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ dân phố ở các quận, huyện được thực hiện như thế nào?

Liên quan đến câu hỏi trên, một lãnh đạo công an phường của một quận tại TP.HCM cho biết: Tại Nghị định 38/2006 có quy định rất rõ về quyền hạn và nhiệm vụ của bảo vệ dân phố. Về nguyên tắc hoạt động thì bảo vệ dân phố chịu sự quản lý điều hành của UBND phường và sự chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp của công an phường.

Ngoài ra, luật nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng danh nghĩa của bảo vệ dân phố để thực hiện hành vi trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Về nhiệm vụ thì bảo vệ dân phố có nhiệm vụ nắm tình hình an ninh trật tự và phản ánh cho cơ quan công an, UBND phường để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn những hậu quả xấu xảy ra. Bảo vệ dân phố sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn để bảo vệ an ninh trật tự…

Bảo vệ dân phố chỉ có quyền bắt, tước hung khí và áp giải người phạm tội quả tang đến trụ sở công an phường theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, bảo vệ dân phố có quyền yêu cầu người vi phạm chấm dứt ngay hành vi vi phạm và báo cáo các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý. Bảo vệ dân phố còn tham gia cùng lực lượng chức năng để kiểm tra tạm trú, tạm vắng của những người tạm trú, người có nghi vấn đến địa bàn khu phố được phân công phụ trách…

Tại phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, ông Nguyễn Thanh Duy Tân, Chủ tịch UBND phường, thông tin: Hiện nay quận giao cho phường là 65 bảo vệ khu phố. Người dân nào có nhu cầu tham gia vào lực lượng dân phố sẽ nộp hồ sơ tại phường. Tuy nhiên, vì mức lương hiện nay của bảo vệ dân phố không cao nên đa phần là những người có tinh thần trách nhiệm với xã hội và được khu phố động viên làm việc. Do lực lượng công an còn thiếu nên rất cần các lực lượng như bảo vệ dân phố hỗ trợ tuần tra để bảo vệ an ninh trật tự trong khu vực.

Nhiều bạn đọc cho rằng lực lượng bảo vệ dân phố thời gian qua đã góp phần bảo vệ trật tự, an ninh trên địa bàn. Đây chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Cá nhân nào sai phạm thì cần phải xử lý nghiêm để ngăn chặn tình trạng lạm quyền trong lực lượng này.

Hai thiếu niên bị đánh sẽ được bảo vệ quyền lợi

Vụ việc này chưa bàn tới đúng hay sai, hành vi đó có vi phạm pháp luật hay không và vi phạm tới mức nào... thì một nguyên tắc tối thượng trong việc xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật là phải luôn quan tâm, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho các em.

Việc xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật phải đáp ứng được mục đích chính là giáo dục, giúp đỡ các em sửa chữa sai lầm và trở thành người có ích cho xã hội. Mọi hành vi đánh đập, hành hạ, ngược đãi đối với trẻ em và người chưa thành niên hoàn toàn không phải là biện pháp giáo dục, đó là hành vi phản giáo dục và vi phạm quyền trẻ em. Hành vi đánh hai thiếu niên của bảo vệ dân phố cần phải được xử lý thích đáng, nhanh chóng và kịp thời.

Về phía Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP, sau khi tiếp nhận thông tin vụ việc, chúng tôi đã giao trực tiếp cho luật sư Trần Thị Ngọc Nữ và các luật sư thuộc Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em tham gia trợ giúp pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em. Chắc chắn chúng tôi sẽ theo vụ việc này tới cùng khi vấn đề được giải quyết.

Ông PHẠM ĐÌNH NGHINH, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM

NGUYỄN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/vu-2-thieu-nien-bi-danh-bao-ve-dan-pho-lam-quyen-976551.html