Vụ 9 người 'đi nhờ' chuyên cơ bỏ trốn: Cơ quan công an đang điều tra
Lãnh đạo Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, vụ việc 9 người 'đi nhờ' chuyên cơ bỏ trốn ở lại Hàn Quốc đang được cơ quan công an điều tra.
Cục đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) là đơn vị trực tiếp sàng lọc hồ sơ các doanh nghiệp được đi cùng với chuyên cơ của lãnh đạo Đảng, nhà nước và Quốc hội. Trong chuyến đi tháng 12/2018 cùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đơn vị này tuyển chọn các doanh nghiệp đi cùng. Trao đổi qua điện thoại với Tiền Phong, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng đầu tư nước ngoài cho biết, cơ quan công an đang làm việc về vụ việc này.
Khi phóng viên hỏi về quy trình rà soát, việc công bố danh tính những người trốn ở lại, ông Hoàng cho biết, cơ quan công an đang làm việc và từ chối bình luận thêm.
Trong vai một doanh nghiệp muốn liên hệ đăng ký đi cùng các đoàn xúc tiến đầu tư đi cùng chuyên cơ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phóng viên gọi điện đến số điện thoại cơ quan của Phòng Xúc tiến đầu tư (Cục Đầu tư nước ngoài). Đại diện Phòng Xúc tiến đầu tư cho biết, thông thường, lịch trình các đoàn đi cùng lãnh đạo chỉ biết trước khoảng 1 tháng. Khi có lịch, Cục Đầu tư nước ngoài sẽ thông báo rộng rãi để doanh nghiệp đăng ký.
“Từ giờ đến cuối năm, không còn lịch trình đi xúc tiến thương mại cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Khi nào có lịch trình, chúng tôi sẽ thông báo để doanh nghiệp đăng ký”, đại diện Phòng Xúc tiến đầu tư cho biết.
Theo Phòng Xúc tiến đầu tư, quá trình rà soát hồ sơ của doanh nghiệp tùy theo tiêu chí của từng đoàn và chưa có tiêu chí chung.
Trước đó, từ ngày 4 – 7/12/2018, đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam sang thăm và làm việc tại Hàn Quốc theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee-sang.
Theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, việc doanh nghiệp đi cùng đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội là chủ trương nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, địa phương xúc tiến đầu tư, tìm kiếm thị trường, thúc đẩy thương mại. Chủ trương đúng đắn này thực hiện trong 30 năm nay với kết quả tốt, giúp các địa phương tìm kiếm dự án, doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.
Đây là đoàn xúc tiến thương mại, Bộ KH&ĐT chuẩn bị nội dung, chương trình, ký kết, tiếp xúc, lắng nghe cơ chế chính sách. Bộ KH&ĐT làm về quản lý đầu tư. Việc ăn ở, đi lại, Bộ KH&ĐT giao cho một đơn vị làm tour du lịch thực hiện. Ông Dũng khẳng định: “Bộ không đi làm tour, thu tiền”. Thay vào đó, việc này được giao cho một doanh nghiệp làm du lịch.
Trước đó, các cơ quan báo chí Hàn Quốc đã đưa thông tin về việc có 9 người trong số các thành viên đi cùng phái đoàn công tác của Quốc hội Việt Nam vào tháng 12/2018 đã bỏ trốn ở lại trái pháp luật ở Hàn Quốc.
Trao đổi với phóng viên, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Văn phòng Quốc hội Việt Nam đang phối hợp với các bên liên quan để tiếp tục xác minh, xử lý vụ việc. Theo thông tin ban đầu thì đây là vụ việc liên quan đến những người tham gia Đoàn các doanh nghiệp Việt Nam dự Diễn đàn Đầu tư và Thương mại Việt Nam - Hàn Quốc do Bộ KH&ĐT Việt Nam, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc phối hợp tổ chức, không thuộc thành phần Đoàn công tác của Quốc hội Việt Nam.
Theo ông Phúc, số người này cũng được đồng ý cho đi nhờ chuyên cơ phục vụ đoàn chính thức. Còn việc chọn người ra sao, đi như thế nào đều do Bộ KH&ĐT phối hợp với phía bạn tổ chức thực hiện. Thị thực nhập cảnh cấp cho những người này là để đi dự Diễn đàn Đầu tư và Thương mại Việt Nam - Hàn Quốc chứ không phải thị thực ngoại giao, tham dự thành phần Đoàn công tác của Quốc hội Việt Nam. Để thuận tiện cho việc tham dự Diễn đàn, Đoàn doanh nghiệp này đã “đi nhờ chuyên cơ” của Đoàn công tác của Quốc hội Việt Nam. Trước khi Đoàn này về nước, các cơ quan hữu quan đã phát hiện có 9 người bỏ trốn, cố ý ở lại Hàn Quốc trái pháp luật. Đến nay đã đưa được 2 người về nước, các cơ quan đang tiếp tục phối hợp với phía Hàn Quốc để tìm những người còn lại và trục xuất về nước.