Vụ ám sát ứng viên tổng thống phủ bóng đen lên cuộc bầu cử Ecuador
Người dân Ecuador đã đi bỏ phiếu trong bối cảnh các vụ ám sát chính trị và bạo lực đang gây ra sự lo lắng ở đất nước này.
Gần 100.000 binh sĩ được điều động để đảm bảo trật tự và an toàn công cộng trên khắp Ecuador vào ngày bầu cử, theo Chính phủ Ecuador cho biết.
Tuy nhiên, trong thời điểm diễn ra bầu cử, Hội đồng bầu cử quốc gia (CNE) của đất nước cho biết nền tảng bỏ phiếu qua điện thoại của họ đã bị tấn công mạng. Diana Atamaint, chủ tịch của CNE, đã đảm bảo rằng các lá phiếu sẽ "được bảo vệ nguyên vẹn".
Cách đây hơn một tuần, ứng cử viên tổng thống Fernando Villavicencio, một cựu nhà báo nổi tiếng chuyên chống tham nhũng, đã bị ám sát trong một sự kiện vận động tranh cử.
Một số chính trị gia của Ecuador đã bị giết trong năm nay, nhưng cái chết của ông Villavicencio đã khiến cả thế giới quan tâm. Các cuộc điều tra sơ bộ cho thấy các nghi phạm bị bắt là thành viên của các nhóm tội phạm có tổ chức.
Vào đêm trước cuộc bỏ phiếu, một ứng cử viên khác, ông Otto Sonnenholzner, cho biết một vụ nổ súng đã xảy ra gần nơi ông và gia đình đang ăn sáng.
Chỉ một vài năm trước, Ecuador được coi là một nơi tương đối an toàn so với các nước láng giềng Colombia và Peru, hai trong số những nhà sản xuất cocain lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, bạo lực đã leo thang trong những năm gần đây khi các nhóm tội phạm có tổ chức đã lan sang Ecuador, tham gia vào các vụ hối lộ cấp cao, tống tiền các doanh nghiệp, chiếm nhà tù và sát hại bất cứ ai cản đường chúng.
Sự bất mãn lan rộng kèm theo tỷ lệ tội phạm tăng chóng mặt đã làm giảm uy tín của Tổng thống sắp mãn nhiệm Guillermo Lasso. Ông đã kêu gọi tổng tuyển cử sớm vào ngày 20/8, đồng thời không tham gia tranh cử.
Bà Luisa González từ đảng Movimiento Revolucíon Ciudadana (RC) hiện đang là người dẫn đầu và là người phụ nữ duy nhất tham gia tranh cử vào vị trí Tổng thống.
Bà González đã hứa sẽ tăng cường chi tiêu công và các chương trình xã hội, đồng thời muốn giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh bằng cách giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của bạo lực, chẳng hạn như nghèo đói và bất bình đẳng.
Các nhà phân tích cho biết bà González, cựu Bộ trưởng Du lịch và Lao động, cũng đã kêu gọi củng cố bộ máy tư pháp để giúp trấn áp các nhóm tội phạm.
Hoàng Nam (theo CNN, Reuters)