Vụ án bệnh viện Bạch Mai có thiết bị y tế 40 tỉ bị kê biên sau đó bỏ không

Các ĐBQH cho hay hiện nay vấn đề xử lý vật chứng trong các vụ án rất bất cập, có tài sản trị giá hàng chục tỉ không thanh lý được, để vài năm thành đống sắt vụn...

Sáng ngày 30-10, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.

Tại phiên thảo luận nhiều đại biểu (ĐB) tán thành phải có dự thảo nghị quyết này để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong xử lý vật chứng là tài sản trong các vụ án, tránh tình trạng lãng phí, tránh thiệt hại cho các bị hại và xã hội.

Phát biểu tại tổ, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội, dẫn thực tế nhiều năm qua Công an TP Hà Nội “hàng ngày, hàng giờ” đang phải quản lý, xử lý vật chứng trong các vụ án.

 Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Hải Trung.

Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Hải Trung.

“Thực tế có nhiều vướng mắc, vô cùng lãng phí. Có những tài sản để lâu quá rồi, mất giá trị thực, chủ phương tiện người ta cũng không thèm để ý đến nhận. Báo cáo các đồng chí là thanh lý thì không thanh lý được, hủy thì không hủy được, cứ phải ngồi giữ khư khư” – ông Trung nói.

Tiếp nữa để giữ các tài sản này phải có kho, bãi chứa vật chứng, hiện nay không có đất để xây dựng các kho, bãi chứa vật chứng theo đúng tiêu chuẩn. Rồi còn phải bố trí nhân lực để trông coi…

Theo đó, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho rằng việc ban hành Nghị quyết thí điểm là rất cần thiết, tuy nhiên phạm vi điều chỉnh nghị quyết vẫn còn “quá hẹp”. Hẹp ở chỗ chỉ thí điểm một số vụ án của ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương, chứ không phải tất cả các vụ án.

Ông Trung cho rằng sau khi triển khai thí điểm thì phải tính toán mở rộng, thậm chí cần ban hành luật chứ không chỉ là nghị quyết.

“Do vậy, tôi đề nghị phải mở rộng phạm vị điều chỉnh, và không nên chỉ chờ 3 năm. Vì đây là điểm nghẽn của điểm nghẽn mà, để 3 năm sau mới tháo gỡ thì chết” – ông Trung nói và đề nghị vừa làm vừa tổng kết kinh nghiệm, sửa đổi để rút ngắn thời gian tháo gỡ vướng mắc này.

 ĐBQH Nguyễn Hữu Chính, nguyên Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội.

ĐBQH Nguyễn Hữu Chính, nguyên Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội.

Về nội dung này, ĐB Nguyễn Hữu Chính, nguyên Chánh án TAND TP Hà Nội, đề xuất sớm ban hành nghị quyết, bởi quy định hiện hành vô cùng bất cập, gây bất lợi cho bị cáo, bị hại.

Theo quy định, khi khởi tố vụ án, cơ quan điều tra có quyền phong tỏa, kê biên tài sản. Song, cơ quan cuối cùng giải quyết số tài sản này lại là do tòa án, thời gian rất lâu, thông thường kéo dài 1 - 2 năm gây hư hỏng vật chứng.

Ông Chính dẫn chứng vụ án có liên quan đến cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh, trong đó có thiết bị y tế 40 tỉ đồng bị phong tỏa kê biên. Nhưng sau xử lý vụ án, điều chuyển cho bệnh viện khác cũng không ai dám nhận phải bỏ không. “Có những vụ án máy móc để vài năm thành sắt vụn", ông Chính nói và cho rằng không chỉ giới hạn xử lý ở các vụ án tham nhũng mà nên mở rộng phạm vi.

 ĐBQH Nguyễn Phương Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

ĐBQH Nguyễn Phương Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Phương Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng chưa nên mở rộng phạm vi thí điểm mà chỉ nên tập trung vào các vụ án Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

“Cần áp dụng thận trọng và bổ sung quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân. Thời gian thí điểm có thể quy định linh hoạt, không nhất thiết phải 3 năm, vừa làm vừa đánh giá và kết hợp với việc sửa các luật khác”- ĐB Thủy nói.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/vu-an-benh-vien-bach-mai-co-thiet-bi-y-te-40-ti-bi-ke-bien-sau-do-bo-khong-post817427.html