Vụ Asanzo, Khải Silk có đơn thuần là gian lận thương mại?
Đại biểu Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh liên quan đến việc hàng Trung Quốc đội lốt, nhái hàng Việt.
Kinh tế mở hay hở?
Mặc dù đã có một số đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh liên quan đến việc hàng Trung Quốc đội lốt, nhái hàng Việt, trong phần chất vấn của mình, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) vẫn tiếp tục “truy” Bộ trưởng Công thương về vấn đề này.
ĐB Sinh cho rằng Bộ trưởng Công thương chưa trả lời được, đó là lỗ hổng rất lớn về pháp luật, hàng rào kỹ thuật chưa đủ mạnh để kiểm soát tình hình, đặc biệt chưa thực hiện công khai minh bạch về quy định hàng Việt Nam là thế nào. Chính sự thiếu minh bạch này đã làm cho nhiều doanh nghiệp như kiểu Asanzo không biết mình có vi phạm không. Điều này đẩy người dân và doanh nghiệp đối mặt với rủi ro rất cao.
"Asanzo, Khải Silk có đơn thuần là gian lận thương mại hay không, đề nghị Bộ trưởng cần nói rõ. Kinh tế Việt Nam là kinh tế mở hay kinh tế hở? Doanh nghiệp Việt Nam chết ngay trên sân nhà là điều đang diễn ra, chúng ta sẽ có giải pháp gì để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hàng hóa của họ trong giai đoạn hiện nay?”, ĐB Sinh chất vấn.
Trả lời ĐB Sinh, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dẫn nhiều quy định của pháp luật liên quan tới điều chỉnh thương mại trong nước và quốc tế, công tác tuyên truyền, phổ biến với doanh nghiệp về hành vi gian lận thương mại, đề xuất doanh nghiệp chủ động hơn nữa trong bối cảnh nguy cơ gian lận hàng hóa tăng cao... đã được tăng cường.
“Trong một thời gian dài, đã diễn ra bước đầu những hành vi có dấu hiệu gian lận thương mại và xuất xứ lừa dối người tiêu dùng, chúng ta đã từng chứng kiến vụ Khải Silk, Asanzo”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh xác nhận và cho biết, Bộ Công thương đang nỗ lực giải quyết vấn đề này như đã đề xuất xây dựng pháp quy về ghi chứng nhận xuất xứ với hàng hóa Việt Nam sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, đây là việc khó, nên Bộ xin ý kiến các bộ ngành xây dựng một thông tư mở. Sau gần 1 năm xây dựng, cơ quan này đã hoàn thành dự thảo thông tư hướng dẫn chứng nhận xuất xứ hàng hóa sản xuất, lưu thông trong nước, hiện đang lấy ý kiến phản biện của nhân dân và các tổ chức.
Ngoài ra, hiện nay Bộ Công thương còn lồng ghép triển khai nhiều chương trình, đề án khác để hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực sản xuất, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và hội nhập quốc tế. "Trong thời gian tới, chắc chắn sẽ cần phải có sự tham gia phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành như tài chính, khoa học và công nghệ thông tin và truyền thông, ngân hàng”, Bộ trưởng nói.
Thương vụ “thâu tóm” Sabeco “nóng” lại trên nghị trường
Dẫn ví dụ vụ thâu tóm Sabeco, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nói: Mua bán và sáp nhập trong kinh tế thị trường (M&A) là tất yếu, tuy nhiên các thương hiệu trụ cột có khả năng dẫn dắt, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp lớn có vốn Nhà nước còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho nền kinh tế. Nếu không có tầm nhìn chiến lược phù hợp thì sẽ tạo hệ quả khó lường cho nền kinh tế.
Về câu hỏi M&A hiện nay liệu có thất thoát tài sản vốn Nhà nước khi thoái vốn cổ phần làm gia tăng tình trạng độc quyền thao túng thị trường, bị đồng hóa thành thương hiệu của nhà đầu tư ngoại, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng làn sóng M&A là một hiện tượng phổ biến trong kinh tế quốc tế hiện nay và cũng là một xu thế phát triển của các doanh nghiệp. Trên bình diện quốc tế, chúng ta đã hội nhập, chúng ta cũng tham gia những luật chơi chung có khung khổ pháp luật và điều chỉnh chấp nhận cho phép hoạt động nên đây sẽ là một hiện tượng có tác dụng và hiệu quả tích cực cho chúng ta, kể cả chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sau khi được M&A hoặc hoặc là tái cơ cấu lại.
Những câu chuyện để tài sản bị thất thoát thông qua quá trình cổ phần hóa do thực hiện không đúng quy định hoặc do việc chấp hành không nghiêm, thậm chí do những nguyên nhân không nắm vững cơ sở và quy định của luật pháp, thì đây cũng là bài học kinh nghiệm rút ra để triển khai trong thời gian tới.
Nói về Sabeco hay những doanh nghiệp có thương hiệu lớn mà chúng ta cần phải giữ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng đây là đúng và cũng rất cần tính đến, không phải là chỗ tiếp tục duy trì những thương hiệu của Việt Nam bằng cách duy trì vai trò của Nhà nước trong những doanh nghiệp này.
"Nhưng có lẽ chúng ta sẽ phải tính đến câu chuyện ưu tiên phát triển cho doanh nghiệp tư nhân như đã từng đề cập đến trong các nghị quyết Trung ương để coi như đây là một động lực cho phát triển của đất nước. Quốc hội thông qua những chương trình cổ phần hóa và thoái vốn, nhất là các M&A, nhưng phải trên cơ sở của công khai, minh bạch và phù hợp với quy định của luật pháp. Đây cũng là định hướng lớn mà chúng tôi cho rằng các các cơ quan tham mưu của Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, trong đó Bộ Công thương", ông Trần Tuấn Anh nói.