Vụ buôn lậu vàng 'gây bão' Ấn Độ
Lực lượng hải quan tại sân bay quốc tế ở bang Kerala Ấn Độ đã phát hiện hơn 30 kg vàng giấu trong một kiện hành lý ngoại giao, vốn được hưởng miễn trừ kiểm tra hải quan thông thường.
Lực lượng hải quan tại sân bay quốc tế ở bang Kerala Ấn Độ đã phát hiện hơn 30 kg vàng giấu trong một kiện hành lý ngoại giao, vốn được hưởng miễn trừ kiểm tra hải quan thông thường.
Vàng giấu trong hàng hóa ngoại giao
Số vàng này là một phần của số hàng hóa ngoại giao được gửi từ Dubai đến sân bay quốc tế Thiruvananthapuram vào tuần trước. Số hàng hóa này có địa chỉ gửi tới Lãnh sự quán Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tại thành phố Thiruvananthapuram. Theo Công ước Vienna về Ngoại giao, giới chức tại nước sở tại không được mở hành lý ngoại giao ngay cả khi nghi ngờ về thành phần bên trong. Hành lý này chỉ được mở khi có sự hiện diện của quan chức ngoại giao nước gửi đến. Hàng hóa ngoại giao không bị kiểm tra hải quan và được thông quan càng sớm càng tốt. Số hàng hóa được liệt kê gồm phụ kiện phòng tắm, mì, bánh quy được gửi từ Al Zatar Spices có trụ sở tại Sharjah. Nhưng Hải quan tại sân bay quốc tế bang Kerala đã nắm được thông tin về việc giấu vàng bên trong.
Bắt giữ một cựu nhân viên người Ấn Độ UAE đã phủ nhận liên quan đến hành lý chứa vàng này và cho biết một cựu nhân viên người Ấn Độ tại Lãnh sự quán đã bị bắt giữ. Theo đó, Sarith Kumar, người từng làm việc cho văn phòng Lãnh sự quán UAE tại Thiruvananthapuram, đã đến sân bay với giấy tờ tùy thân giả danh nhân viên của Lãnh sự quán để nhận số hàng hóa này. Tuy nhiên, trước đó, Lãnh sự quán UAE đã thông báo cho Hải quan Kerala rằng, Kumar đã bị sa thải 1 năm trước và không được chỉ định nhận hàng hóa ngoại giao. Hải quan Kerala không cho Kumar nhận và quyết định bắt giữ nghi phạm này. Sau đó, họ đã mở lô hàng với sự chứng kiến của các quan chức của Lãnh sự quán UAE.
Kumar từng làm việc cho Lãnh sự quán UAE từ năm 2016 cho đến một năm trước. Trước đó Kumar từng làm việc tại Dubai với tư cách là một nhân viên tài sản tại Ngân hàng thương mại quốc tế. Y cũng đã làm việc với Tập đoàn Tương lai Ấn Độ trong một thời gian ngắn. Kumar đã khai ra đồng phạm là Swapna Suresh, người cũng từng làm thư ký tại Lãnh sự quán UAE cách đây 7 tháng. Suresh đã bỏ trốn một ngày trước khi Hải quan Kerala quyết định mở số hàng hóa ngoại giao. Suresh cũng từng sống ở Dubai, nơi cha cô kinh doanh và trở nên giàu có. Năm 2013, Suresh từng là Giám đốc nhân sự của AISATS, một Cty dịch vụ sân bay tại Thiruvananthapuram. Sau đó, cô đã âm mưu hãm hại một giám đốc điều hành cấp cao khác tại công ty bằng cách giả mạo những khiếu nại về việc người này lạm dụng tình dục nhân viên sân bay. Vị giám đốc này đã yêu cầu cảnh sát cuộc điều tra về âm mưu này. Suresh được liệt kê là một bị cáo, nhưng vụ việc sau đó lắng xuống.
Năm 2016, Suresh được nhận vào làm tại Văn phòng Tổng lãnh sự quán UAE khi cơ quan ngoại giao này được thành lập do khả năng nói lưu loát tiếng Arab. Khi chính quyền bang Kerala xây dựng mối quan hệ tốt với UAE, Suresh chuyển sang giới chính trị, đôi khi còn tự cho mình là một nhà ngoại giao. Một năm trước, cô bị sa thải khỏi văn phòng Lãnh sự quán do vụ việc trước đây. Kumar cũng bị sa thải cùng một lúc.
Vào cuộc điều tra
Đại sứ quán UAE tại thủ đô New Delhi thông báo đã mở cuộc điều tra về vụ việc. “Giới chức UAE nhấn mạnh rằng thủ phạm không chỉ có hành vi trái pháp luật mà còn tìm cách bôi nhọ hình ảnh phái đoàn ngoại giao UAE tại Ấn Độ. Chúng tôi vẫn cam kết hợp tác với giới chức Ấn Độ để phát hiện nguồn phạm tội”, Đại sứ quán UAE ra tuyên bố.
Cục Hải quan Ấn Độ cũng đang điều tra để xác định những người khác có liên quan đến mạng lưới buôn lậu vàng này, bao gồm cả việc liệu vụ việc có sự hỗ trợ nào từ các nhân viên khác tại văn phòng Lãnh sự quán hay không. Cho đến nay, họ chỉ bắt giữ Kumar và đang tìm kiếm Suresh. Các quan chức hải quan cho biết họ nghi ngờ một mạng lưới buôn lậu vàng được tổ chức tốt ở Trung Đông đứng sau vụ việc này. Mạng lưới này sử dụng những người khác nhau và những cách kỳ lạ để giấu vàng dưới các hình thức khác nhau trong hành lý.
Theo Reuters, việc khan hiếm các chuyến bay quốc tế do dịch Covid-19 đã dẫn đến tình trạng nguồn vàng buôn lậu đến Ấn Độ sụt giảm. Bên cạnh đó, giá vàng cũng tăng tại quốc gia Nam Á này thời gian qua. Người đứng đầu Hội đồng Vàng Thế giới tại Ấn Độ, ông Somasundaram P.R, nhận định với Reuters: “Việc buôn lậu có thể giảm trong tình hình hiện nay. Tuyến buôn lậu cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19”. Ông Somasundaram P.R. ước tính mức vàng buôn lậu đến Ấn Độ sẽ không thể tương đương với năm 2019 là khoảng 115 tấn.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/122_227742_vu-buon-lau-vang-gay-bao-an-do.aspx