Vụ 'chuyến bay giải cứu': 23 đại diện doanh nghiệp đưa hối lộ trên 200 tỷ đồng
Cáo trạng của VKSNDTC xác định, trong vụ 'chuyến bay giải cứu', từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022, có 25 cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao, nhận hối lộ số tiền hơn 164 tỷ đồng. Ngoài ra, có 23 cá nhân là đại diện doanh nghiệp đưa hối lộ trên 200 tỷ đồng.
54 bị cáo bị truy tố 5 tội danh khác nhau
Theo kế hoạch, sáng nay (11/7), TAND TP. Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đại án “chuyến bay giải cứu”. Có 54 bị cáo trong vụ án bị truy tố 5 tội danh khác nhau: Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Phiên tòa dự kiến kéo dài 30 ngày.
Trên cơ sở kết quả điều tra, cáo trạng của VKSNDTC xác định: Tháng 01/2020, dịch Covid -19 bùng phát ở Trung Quốc và diễn biến phức tạp. Trước tình hình trên, tháng 3/2020, Chính phủ đã tổ chức 1 chuyến bay giải cứu đưa 30 công dân Việt Nam từ Vũ Hán (Trung Quốc) về nước.
Đến tháng 4/2020, Chính phủ tổ chức một số chuyến bay giải cứu chỉ thu phí vé máy bay và cách ly tại cơ sở quân đội (chuyến bay giải cứu).
Tháng 11/2020, do nhu cầu của công dân về nước rất lớn, trong khi việc cách ly và chi phí gặp khó khăn, Chính phủ đã tổ chức thí điểm 10 chuyến bay công dân tự nguyện trả phí toàn bộ (chuyến bay combo) và giao Tổ công tác của 4 Bộ, ngành (Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao), sau đó, bổ sung Bộ Công an cùng phối họp tổ chức các chuyến bay.
Trong đó, Văn phòng Chính phủ có nhiệm vụ tập hợp tham mưu, đề xuất lãnh đạo Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổ chức các chuyến bay theo đề xuất của Bộ Ngoại giao. Bộ Ngoại giao (thông qua Cục Lãnh sự) có nhiệm vụ xây dựng, đề xuất kế hoạch tổ chức các chuyến bay combo; chủ trì và xin ý kiến, trao đổi thống nhất với các Bộ trong Tổ công tác và báo cáo, trình lãnh đạo Chính phủ phê duyệt, quyết định và thông báo việc thực hiện chuyến bay.
Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo chức năng, nhiệm vụ về công tác phòng chống dịch cho ý kiến việc phê duyệt gửi Bộ Ngoại giao; Ủy ban nhân dân (UBND) một số tỉnh, thành phố được giao nhiệm vụ cho chủ trương cách ly tại địa phương.
Đối với quy trình cấp phép các chuyến bay combo nêu rõ: Doanh nghiệp có nhu cầu xin được chủ trương cách ly tại địa phương và gửi hồ sơ đến Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự); Cục Lãnh sự lấy ý kiến Tổ công tác của các Bộ, ngành và trình Chính phủ duyệt, sau đó thông báo cho doanh nghiệp được tổ chức thực hiện chuyến bay.
Cáo trạng kết luận, trong quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương và giải quyết vụ án, từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022, 25 cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao, nhận hối lộ 164.868.277.300 đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại 10.450.000.000 đồng.
Ngoài ra, có 23 cá nhân là đại diện doanh nghiệp đưa hối lộ 226.786.881.380 đồng; 04 cá nhân môi giới hối lộ 74.454.078.000 đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền 24.549.312.000 đồng.
VKSNDTC cáo buộc, bị cáo Phạm Trung Kiên, nguyên Thư ký của một Thứ trưởng Bộ Y tế được xác định nhận hối lộ số tiền lớn nhất trong vụ án. Cụ thể, từ tháng 9/2020 đến tháng 1/2022 đã nhận hối lộ 253 lần, tổng số hơn 42 tỷ đồng.
Bị cáo Vũ Anh Tuấn, nguyên Phó Trưởng phòng Tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, từ tháng 6/2021 đến tháng 1/2022, đã nhận hối lộ 49 lần, tổng số hơn 27 tỷ đồng
Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2022 đã nhận hối lộ 32 lần, tổng số 25 tỷ đồng.
Bị cáo Tô Anh Dũng, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, từ tháng 12/2020 đến tháng 01/2022, đã nhận hối lộ 37 lần, tổng số hơn 21 tỷ đồng.
Số tiền khắc phục hậu quả của các bị cáo thế nào?
Liên quan đến vụ án, cáo trạng của VKSNDTC xác định quá trình điều tra nhiều bị cáo đã tự nguyện hoặc tác động gia đình nộp lại một phần số tiền nhận hối lộ, môi giới hối lộ...
Trong đó có thể kể đến bị cáo Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ, từ tháng 3/2021- 4/2021, đã nhận hối lộ 5 lần, số tiền hơn 4,2 tỷ đồng. Đến nay ông Linh và gia đình đã nộp hơn hơn 4,4 tỷ đồng.
Bị cáo Chử Xuân Dũng, cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, từ 16/6/2021- 10/2021 đã nhận hối lộ 7 lần, tổng số hơn 2 tỷ đồng. Đến nay ông Dũng và gia đình đã nộp lại hơn 1,7 tỷ đồng.
Bị cáo Trần Văn Tân, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam bị cáo buộc nhận hối lộ 9 lần, tổng số 5 tỷ đồng, đến nay đã nộp lại 4 tỷ đồng.
Bị cáo Vũ Anh Tuấn, cựu Phó trưởng phòng Tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, từ tháng 6/2021- 1/2022, đã nhận hối lộ 49 lần, tổng số hơn 27 tỷ đồng. Đến nay ông Tuấn và gia đình đã khắc phục hơn 3,3 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, từ tháng 12/2020 - 1/2022 đã nhận hối lộ 32 lần, tổng số hơn 25 tỷ đồng. Đến nay bà Lan và gia đình nộp số tiền 900 triệu đồng để khắc phục hậu quả.
Bị cáo Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, từ tháng 12/2020 - 1/2022, đã nhận hối lộ 37 lần, tổng số hơn 21 tỷ đồng; đã nộp số tiền 2 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Đáng chú ý, trước ngày diễn ra phiên xét xử, trả lời báo chí, luật sư Lê Thành Kính - người bào chữa cho ông Tô Anh Dũng cho biết đến nay ông Dũng cùng gia đình đã nộp số tiền 16,2 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.
Theo VKSNDTC, việc các bị cáo nộp tiền khắc phục hậu quả được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.