Vụ công an đánh 2 thiếu niên: Công an vượt quá phạm vi quy định, phu huynh lơ là quản giáo con cái là bài học cần rút ra

Vào khoảng 15h ngày 28/9, đoạn clip dài 5 phút 35 giây ghi lại hình ảnh bốn chiến sĩ công an thay nhau dùng tay, chân, gậy và nón bảo hiểm đánh tới tấp hai thiếu niên xuất hiện trên mạng khiến dân tình nhốn nháo.

Đoạn clip nhanh chóng làm dậy lên một làn sóng phẫn nộ và đau xót trong người dân với hàng nghìn lượt bình luận, chia sẻ chỉ trong một thời gian ngắn. Người ta phẫn nộ trước hết vì kẻ ra tay đánh người dã man kia là những người đàn ông khỏe mạnh lại mặc sắc phục công an, trong khi nạn nhân là hai em trai còn chưa đủ tuổi thành niên. Người ta đau xót vì cái cách đánh đấm liên hồi như cách xử sự của bọn du côn ra tay với kẻ thù đã cướp mất lãnh địa làm ăn của họ. Càng đau xót hơn khi hai em bị đánh không có một chút ý chí chống đỡ, phản kháng hay tháo chạy.

Rất nhiều người cho biết họ không có can đảm xem hết video, cảnh đánh đấm liên hồi, cảnh thằng bé bị nón bảo hiểm đập vào đầu chan chát khiến người xem nhói tim, ngộp thở…

Bốn chiến sĩ công an đuổi bắt kịp hai em thiếu niên và hành vi bạo hành xảy ra. Ảnh cắt từ clip

Bốn chiến sĩ công an đuổi bắt kịp hai em thiếu niên và hành vi bạo hành xảy ra. Ảnh cắt từ clip

Sự việc sau đó được xác định xảy ra tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Lập tức Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo Công an thị xã Vĩnh Châu tiến hành xác minh làm rõ vụ việc.

Qua xác minh cho thấy, khoảng 15h ngày 25/9, khi đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên tuyến quốc lộ Nam Sông Hậu, Tổ tuần tra thuộc Đội CSGT-Trật tự Công an TX.Vĩnh Châu, phát hiện 1 thiếu niên điều khiển xe mô tô Exciter chở theo một thiếu niên đi ngược chiều, nghi vấn, tổ tuần tra ra tín hiệu dừng xe, hai em tăng ga bỏ chạy.

Khi đến địa bàn thuộc ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải thì lần lượt bốn chiến sĩ công an đuổi bắt kịp và hành vi bạo hành xảy ra như mọi người nhìn thấy trong clip

Nạn nhân được xác định là N.H.Đ. (16 tuổi) - người lái xe máy và L.K.T.L (15 tuổi) cùng ngụ ấp Hòa Khởi, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.

Phản ứng tức thì của người dân là bất bình, thậm chí dùng những lời lẽ nặng nề lên án hành động bạo hành của các chiến sĩ công an, mong muốn pháp luật xử lý thật nghiêm minh đối với các đối tượng này. Phản ứng này của cộng đồng là hoàn toàn phù hợp với tâm lý tình cảm và xu hướng chống bạo hành trẻ em của nhân loại tiến bộ.

Theo Giám đốc Công an tỉnh Sóc trăng, hành vi của cán bộ, chiến sĩ trong Tổ tuần tra nêu trên là vi phạm quy tắc ứng xử theo Thông tư số 27/2017/TT-BCA ngày 22/8/2017 của Bộ trưởng Bộ Công an về Quy định quy tắc ứng xử của Công an Nhân dân. Đã có 5 cán bộ công an bị xử lý kỷ luật trong vụ việc này, trong đó có 3 người bị tước quân tịch. Việc có xử lý hình sự hay không còn phụ thuộc vào kết quả điều tra.

Phụ huynh bức xúc vì con bị đánh. Ảnh:IT

Phụ huynh bức xúc vì con bị đánh. Ảnh:IT

Tuy nhiên, nói đến sai trái, chúng ta cũng cần bình tĩnh để thừa nhận các hành vi mà hai em thiếu niên Đ. và L. đã vi phạm gồm: chưa đủ 18 tuổi, không có bằng lái nhưng điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh trên 100cm3; không chấp hành tín hiệu đèn giao thông; không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người kiểm soát giao thông; điều khiển xe lạng lách trên đường bộ ngoài đô thị; không có giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Lỗi vi phạm của các em đã rõ, vấn đề người dân mong muốn là biện pháp xử lý phải rạch ròi, phân minh, không nhập nhằng giữa hai bên, không lấy lỗi người này để che lỗi người kia.

Tuy nhiên, phía sau sự việc, câu chuyện không chỉ dừng ở góc độ luật pháp. Nó còn là chuyện giáo dục, chuyện hình thành và phát triển nhân cách của con cái mà người chịu trách nhiệm duy nhất có ý nghĩa quyết định trước tiên, đó là bố mẹ.

Trong thực tế, không phải không có trường hợp các em thiếu niên tham gia giao thông bằng xe phân khối lớn đã từng bị xử phạt hoặc từng gây tai nạn. Một thiếu niên không thể có bắng lái để chạy xe phân khối lớn, cũng không thể tự mua xe. Nhất định chúng phải được bố/mẹ hoặc một người lớn đưa xe và chìa khóa. Đây là trường hợp của Đ. Nếu người lớn kiên quyết không giao xe cho trẻ thì chúng đã không có điều kiện để vi phạm giao thông, thậm chí rơi vào tình trạng nguy hiểm.

Một điểm đáng chú ý nữa là cả Đ.và L. khi bị đánh về nhà đều không dám nói với bố mẹ. Riêng cha của Đ. còn tự nhận, nghe con kể chạy xe vi phạm rồi đưa biên bản nộp phạt, ông cho người ra thị xã đóng tiền nộp phạt đem xe về, chứ cũng không phát hiện con bị đánh, mãi đến khi hình ảnh vụ việc lên mạng lùm xùm, báo đăng mới biết.

Có lẽ chúng ta đều nhận ra rằng rất ít bố mẹ lưu ý dạy con các kỹ năng sinh tồn, kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng cầu cứu khi gặp nguy hiểm. Đã đến lúc bố mẹ nên bớt đổ thừa vì bận lo làm ăn không có thì giờ quan tâm con cái. Một dáng đi khập khiểng, một đôi mắt thất thần, một vài cử chỉ bối rối, một câu than đau đầu của con, chỉ cần bố mẹ vô tâm bỏ qua có khi hậu quả khó lường.

Em N.H.Đ.16 tuổi - thiếu niên bị đánh- với vết bầm trên cổ. Ảnh Văn Sỹ

Em N.H.Đ.16 tuổi - thiếu niên bị đánh- với vết bầm trên cổ. Ảnh Văn Sỹ

Tình thương yêu của bố mẹ dành cho con cái là vô biên, là vô điều kiện và bất cầu báo. Nhưng không vì thế mà chúng ta lấy tình thương để bao che, biến con thành những sản phẩm của cách giáo dục bao bọc, che chắn khiến đứa trẻ ỷ lại, sống không có quy tắc, không ý thức tổ chức kỷ luật, không có trách nhiệm cộng đồng, thậm chí vi phạm luật pháp.

Bài học lớn nhất sau vụ việc này là thuộc về phía lực lượng công an, cần chấn chỉnh lực lượng, nhắc nhở thực hiện đúng những quy định quy tắc ứng xử để giữ gìn hình ảnh tốt đẹp vốn có của người Công an Nhân dân trong lòng công chúng.

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/xa-hoi/cong-an-vuot-qua-pham-vi-quy-dinh-phu-huynh-lo-la-quan-giao-con-cai-la-bai-hoc-can-rut-ra-166664.html