Vụ cưa gỗ khô: Xử vậy là gây nhiễu loạn BLHS!

Dù có đầu tư chi phí chăm sóc, bảo vệ nhưng về bản chất, rừng đặc dụng Đăk Uy vẫn là rừng tự nhiên.

Như đã phản ánh, chiều 12-8, trong phiên xử phúc thẩm lần thứ ba, TAND tỉnh Kon Tum đã kết án năm bị cáo trong vụ cưa cây gỗ khô về tội trộm cắp tài sản. Báo Pháp Luật TP.HCM đã thể hiện rõ quan điểm rằng tòa phúc thẩm xét xử không đúng, đã áp dụng quy định lệch chuẩn. Đành rằng án phúc thẩm là chung thẩm, có hiệu lực thi hành nhưng nếu tòa xét xử không đúng, gây oan sai thì vụ án vẫn còn cơ chế xem xét lại.

Bản chất vẫn là rừng tự nhiên

TAND tỉnh Kon Tum cho rằng rừng đặc dụng Đăk Uy là rừng tự nhiên nhưng khác biệt cơ bản là không phải rừng tự nhiên thuần túy do cây rừng tự phát triển mà do Nhà nước thành lập trên sự phát triển của rừng tự nhiên để phục vụ mục đích bảo tồn nguồn gen quý hiếm.

UBND tỉnh Kon Tum đã đầu tư nhiều kinh phí để chăm sóc và bảo vệ, đã thành lập và giao ban quản lý rừng đại diện cho Nhà nước quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Hằng năm ban quản lý được đầu tư kinh phí để trồng dặm cây con, chăm sóc, bổ sung nên lâm sản trong rừng đặc dụng là tài sản. Cây gỗ trắc chết khô mà các bị cáo cưa là tài sản do Nhà nước làm chủ sở hữu nên đã xâm phạm khách thể là tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước. Vì thế TAND cấp sơ thẩm xử các bị cáo tội trộm cắp tài sản là đúng, không oan... Ý kiến của luật sư cho rằng rừng đặc dụng Đăk Uy là rừng tự nhiên, khách thể bị xâm hại là tài nguyên rừng, không phải là tài sản là chưa đúng.

ThS Võ Văn Tài (Phó khoa Kiểm sát hình sự, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát TP.HCM) cho rằng lập luận của HĐXX là sai. Bởi hành vi khai thác trái phép rừng hay hủy hoại rừng là xâm phạm trật tự quản lý của Nhà nước về quản lý, phát triển và bảo vệ rừng. Năm bị cáo cưa gỗ trong rừng tự nhiên không thể phạm tội trộm cắp tài sản.

Rừng tự nhiên là tài nguyên của quốc gia, do Nhà nước thống nhất quản lý, mọi hoạt động liên quan đến loại tài nguyên này phải tuân theo quy định của Nhà nước. Trong quá trình quản lý, Nhà nước phải có nguồn kinh phí để đầu tư, bảo vệ, phát triển rừng (như nhận định của HĐXX). Việc đầu tư này có làm cho rừng Đăk Uy tăng sự đa dạng sinh học hay giữ nguyên hiện trạng thì bản chất rừng này vẫn là tài nguyên quốc gia. Khi đã là tài nguyên quốc gia thì hành vi xâm hại cần xử lý dựa trên các quy định về quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên rừng.

Theo ThS Tài, hành vi cưa cây gỗ trắc khô (lén lút hay công khai) vì mục đích, động cơ vụ lợi đều mang bản chất như nhau là khai thác trái phép rừng. Khách thể mà hành vi trên trực tiếp xâm hại là trật tự quản lý, bảo vệ rừng. Đối tượng của hành vi là tài nguyên rừng, là cây rừng, nó khác rất xa với cái gọi là tài sản cụ thể của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cho nên HĐXX không thể cho rằng có quan hệ sở hữu tài sản bị xâm hại.

Ngay cả khi rừng đặc dụng Đăk Uy có được trồng thêm cây con thì cũng không thể từ hành vi vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng bị biến thành hành vi trộm cắp tài sản. Yếu tố tài sản của Nhà nước trong những vụ xâm hại rừng chỉ là yếu tố để làm cơ sở tịch thu tang vật chứ không thể để định tội danh.

“Từ kháng nghị giám đốc thẩm (GĐT), quyết định GĐT và kết quả của phiên tòa ngày 12-8 đã gây nên một sự nhiễu loạn về lý luận cơ bản của BLHS và đảo lộn kết quả xử lý của nhiều địa phương từ trước đến nay. Nhận định của HĐXX là không có cơ sở, kéo theo là một bản án vừa sai luật vừa không có tình, số phận của năm công dân như một trò đùa” - ông Tài nói.

Bị cáo Phan Tiến Dũng (ảnh trên) cùng vợ chồng bị cáo Nguyễn Văn Thụ (ảnh dưới) rơi nước mắt sau bản án phúc thẩm. Ảnh: NGÂN NGA

Bị cáo Phan Tiến Dũng (ảnh trên) cùng vợ chồng bị cáo Nguyễn Văn Thụ (ảnh dưới) rơi nước mắt sau bản án phúc thẩm. Ảnh: NGÂN NGA

Tòa hiểu sai quy định

Theo một lãnh đạo cơ quan kiểm lâm thuộc một tỉnh ở Tây Nguyên (xin giấu tên), khoản 2 Điều 4 Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 quy định: Rừng đặc dụng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng của quốc gia, nguồn gen sinh vật rừng; nghiên cứu khoa học; bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; phục vụ nghỉ ngơi, du lịch, kết hợp phòng hộ, góp phần bảo vệ môi trường.

Điều 36 (về quản lý tài chính trong khu rừng đặc dụng) Nghị định 117/2010 của Chính phủ quy định: Ban quản lý khu rừng đặc dụng do UBND cấp tỉnh thành lập xây dựng dự toán ngân sách báo cáo Sở NN&PTNT thẩm định tổng hợp, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ NN&PTNT hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện dự toán hằng năm đối với các khu rừng đặc dụng.

Cạnh đó, Điều 37 (Đầu tư và các đảm bảo cho bảo vệ, bảo tồn rừng đặc dụng) Nghị định 117 nêu trên quy định ngân sách địa phương đầu tư và đảm bảo tài chính cho các hoạt động của các khu rừng đặc dụng do địa phương quản lý. Toàn bộ hệ thống rừng đặc dụng hiện nay đều do Nhà nước đầu tư để bảo vệ và phát triển rừng, trong đó có cả việc trồng rừng, bảo vệ rừng, xây dựng các công trình bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng, nghiên cứu khoa học…

Theo vị này, luật hiện nay cũng chưa có khái niệm hay định nghĩa nào là “rừng tự nhiên thuần túy”. Tất cả lâm sản trong rừng do Nhà nước quản lý, cũng như các tài nguyên khác đều là tài sản của Nhà nước. Do đó, TAND tỉnh lập luận rằng: “UBND tỉnh có đầu tư kinh phí để chăm sóc và bảo vệ rừng đặc dụng Đăk Uy. Rừng đặc dụng Đăk Uy là rừng tự nhiên nhưng khác biệt cơ bản là không phải rừng tự nhiên thuần túy…” là hiểu sai quy định như đã phân tích ở trên. Bản án này cần được người có thẩm quyền kháng nghị GĐT.

“Việc kết tội các bị cáo trộm cắp tài sản sẽ thành tiền lệ nguy hiểm, vì những hành vi xâm hại lâm sản sẽ bị xử lý theo Điều 138 BLHS. Luật quy định chúng tôi có thẩm quyền khởi tố những vụ án xâm hại đến khai thác, bảo vệ và quản lý lâm sản tại Điều 175 BLHS 1999 (nay là Điều 232 BLHS 2015). Nhưng nếu xử về tội trộm cắp thì vô hình trung ngành kiểm lâm chúng tôi sẽ không có thẩm quyền khởi tố vụ án liên quan tới lâm luật nữa” - vị lãnh đạo chia sẻ.

Giám đốc thẩm có quyền đình chỉ vụ án

Điều 371 BLTTHS 2015 quy định khi tòa án có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật thì sẽ là căn cứ để kháng nghị GĐT. Thẩm quyền kháng nghị GĐT trong vụ này theo Điều 373 là chánh án TAND và viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng. Chánh án TAND, viện trưởng VKSND Tối cao ngoài kháng nghị bản án của TAND Cấp cao còn có quyền kháng nghị bản án của tòa án khác khi xét thấy cần thiết. Như vậy, dù thẩm quyền kháng nghị theo lãnh thổ là thuộc VKSND Cấp cao và TAND Cấp cao tại đà nẵng nhưng chánh án tand và viện trưởng vksnd tối cao vẫn có thể kháng nghị GĐT bản án của TAND tỉnh Kon Tum.

Vụ án này, tháng 7-2018, TAND Tối cao từng kháng nghị GĐT bản án phúc thẩm lần hai của TAND tỉnh Kon Tum theo hướng phải xử các bị cáo tội trộm cắp tài sản. Gần một năm sau, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng chấp nhận kháng nghị này, tuyên hủy bản án phúc thẩm đã tuyên năm bị cáo vô tội. Như vậy, chỉ còn VKSND Tối cao và VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng là có khả năng cao trong việc kháng nghị GĐT.

Theo Điều 382, Ủy ban Thẩm phán (hội đồng ba thẩm phán) TAND Cấp cao tại Đà Nẵng có thẩm quyền xét GĐT. Nếu hội đồng này không thống nhất khi biểu quyết thông qua quyết định về việc giải quyết vụ án thì hội đồng toàn thể Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao này sẽ họp lại để xem xét GĐT.

Vấn đề nữa là nếu vụ án này có kháng nghị GĐT thì hội đồng xét GĐT có những quyền gì? Theo Điều 388 BLTTHS 2015, hội đồng này có quyền không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án bị kháng nghị; hủy bản án có hiệu lực và giữ nguyên bản án đúng pháp luật của tòa sơ thẩm hoặc phúc thẩm; sửa hoặc hủy bản án có hiệu lực để điều tra lại hoặc xét xử lại; sửa bản án đã có hiệu lực pháp luật; đình chỉ xét xử GĐT.

Đặc biệt, hội đồng này còn có quyền hủy bản án đã có hiệu lực và đình chỉ vụ án nếu có một trong tám căn cứ quy định tại Điều 157 bộ luật này (như không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm…). Ngoài ra, theo Điều 387, hội đồng GĐT phải xem xét toàn bộ vụ án mà không hạn chế trong nội dung của kháng nghị.

THANH TÙNG

MINH CHUNG - NGÂN NGA

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/vu-cua-go-kho-xu-vay-la-gay-nhieu-loan-blhs-851951.html