Vụ đâm vợ tử vong tại tòa án huyện Lục Ngạn: Hoạt động tố tụng chưa đảm bảo an toàn!

Theo quan điểm của luật sư, việc ẩu đả xảy ra ngay tại trụ sở tòa án, thậm chí xảy ra án mạng, gây thương tích cho cả thẩm phán đang giải quyết vụ án là chuyện khá hy hữu. Cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan.

Hiện vụ trọng án đâm vợ tử vong và làm trọng thương bố vợ, thẩm phán tại trụ sở TAND huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) đang thu hút được sự quan tâm rất lớn từ phía dư luận.

Theo thông tin từ công an tỉnh Bắc Giang, đối tượng Dư Văn Thanh (SN 1983, trú tại thôn Chính, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn) và vợ là chị L.T.H (SN 1989) kết hôn từ năm 2007. Trong quá trình chung sống, giữa hai người đã nảy sinh mâu thuẫn và ly thân từ năm 2019 đến nay. Ngoài ra, từ năm 2019, Thanh có vay của bố vợ là ông L.V.L (SN 1961, trú tại xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) một khoản tiền. Mặc dù ông L. đã đòi nhiều lần nhưng Thanh chưa trả. Chính vì lý do đó ông L. đã làm đơn đề nghị Tòa án nhân dân huyện Lục Ngạn giải quyết. Sáng 30/10, Thanh cùng chị H. và ông L. đến trụ sở Tòa án nhân dân huyện Lục Ngạn để làm việc. Tại đây, giữa 3 người đã xảy ra mâu thuẫn, cãi cọ. Đỉnh điểm, Thanh rút con dao nhọn để sẵn trong túi quần ra đâm nhiều nhát vào người chị H. và ông L. Hậu quả, chị H. tử vong và ông L. bị thương. Ngoài ra khi xảy ra sự việc, Thẩm phán của Toàn án nhân dân huyện Lục Ngạn là ông P.T.V có vào can ngăn và bị Thanh gây thương tích nhẹ. Sau khi gây án, Thanh đến công an huyện Lục Ngạn đầu thú và giao nộp hung khí gây án.

Trụ sở TAND huyện Lục Ngạn, nơi xảy ra vụ chồng đâm vợ tử vong. Ảnh:ĐS

Trụ sở TAND huyện Lục Ngạn, nơi xảy ra vụ chồng đâm vợ tử vong. Ảnh:ĐS

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sự Chính Pháp – Đoàn luật sư TP. Hà Nội) bày tỏ quan điểm: Án mạng xảy ra ngay tại trụ sở tòa án là chuyện khó có thể chấp nhận được. Tòa án là cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ công lý, có lực lượng bảo vệ, cảnh sát hỗ trợ tư pháp, có nội quy làm việc và có những cán bộ có kinh nghiệm, kỹ năng trong việc hòa giải, giải quyết tranh chấp vậy mà vẫn để án mạng xảy ra thì cần xem xét trách nhiệm của các cán bộ, cá nhân có liên quan.

Đồng thời, sự việc cũng cho thấy tính chất nghiêm trọng, cần phải có chế tài xử lý nghiêm minh đối với đối tượng này để đảm bảo trật tự, kỷ cương, an toàn ở chốn công đường.

Theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng cho thấy hành vi của đối tượng Thanh là rất côn đồ, có dự mưu từ trước và gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nên đối tượng này sẽ bị xử lý hình sự về tội "Giết người" theo khoản 1, Điều 123 BLHS với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự (khung hình phạt từ 12 đến 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình).

Thông thường những vụ án tranh chấp dân sự thường căng thẳng, xung đột có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tuy nhiên việc ẩu đả xảy ra ngay tại trụ sở tòa án, thậm chí xảy ra án mạng, gây thương tích cho cả thẩm phán đang giải quyết vụ án là chuyện hy hữu.

Diễn biến của sự việc diễn ra chứng tỏ mâu thuẫn rất căng thẳng, kéo dài, đối tượng cảm thấy không có lối thoát nên mới chuẩn bị hung khí để mang đến tòa án, khi sự việc không diễn ra như ý muốn thì sẽ sử dụng hung khí để gây án. Thậm chí, đối tượng này còn ra tay đối với cả thẩm phán đang tổ chức hòa giải vụ việc tranh chấp cho thấy tính chất côn đồ cao độ và thái độ coi thường pháp luật, tính mạng, sức khỏe của người khác.

Trong quá trình tố tụng tại tòa án thì tòa án sẽ tổ chức các buổi hòa giải do thẩm phán chủ trì để dung hòa mâu thuẫn, tìm ra cách giải quyết phù hợp, thấu tình phải đạt lý. Nếu khâu hòa giải không thành thì tòa án mới mở phiên xét xử, phân định đúng sai giữa các bên. Các buổi hòa giải tại tòa án thường sẽ diễn ra ôn hòa, với sự điều hành của thẩm phán để đảm bảo các đương sự tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của nhau, không được dùng những lời nói, hành động mạt sát, xúc phạm lẫn nhau tại trụ sở tòa án.

Vụ án này không chỉ là bài học cho việc tổ chức phiên hòa giải, đảm bảo an ninh trật tự tại tòa án mà còn là bài học cho các đương sự trong việc tham gia tố tụng, tham gia giải quyết các tranh chấp, mẫu thuẫn tại tòa án.

Chân dung đối tượng Dư Văn Thanh. Ảnh:CA

Chân dung đối tượng Dư Văn Thanh. Ảnh:CA

Để xảy ra án mạng tại trụ sở tòa án, khi đang tổ chức hòa giải thì sự việc cho thấy vị thẩm phán chủ trì phiên họp này chưa đảm bảo an toàn cho các đương sự, thậm chí có thể có lỗi trong hoạt động nghiệp vụ khi không kiểm soát được tình hình. Theo quy định thì các đương sự không được phép mang theo súng, đạn, dao kiếm, chất độc, chất cháy, hung khí nguy hiểm vào trụ sở tòa án. Với những vụ việc phức tạp thì tòa án có thể yêu cầu lực lượng hỗ trợ tư pháp tham gia bảo vệ phiên tòa, duy trì an ninh trật tự tại phòng làm việc của tòa án. Ngoài ra, tòa án còn có lực lượng bảo vệ để kịp thời xử lý với các đối tượng gây rối. Khi vào buổi làm việc thì thẩm phán và thư ký cũng nhắc nhở các đường sự tôn trọng quy tắc, nội qui trong buổi làm việc.

Diễn biến sự việc thể hiện tính chất mâu thuẫn, căng thẳng như thế nào và thái độ, cách giải quyết, chủ trì phiên hòa giải của thẩm phán ra sao cũng là vấn đề cần phải làm rõ để xem xét trách nhiệm của thẩm phán, thư ký trong việc phổ biến nội qui, chủ trì phiên hòa giải. Trong vụ việc này, sau khi đối tượng gây án thì vẫn bỏ trốn khỏi hiện trường sau đó mới tới cơ quan điều tra đầu thú. Điều này cho thấy hành vi của đối tượng là rất táo tợn và lực lượng bảo vệ của tòa án đã không hoàn thành nhiệm vụ.

Khi nào học sinh Hà Nội quay trở lại trường?

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/vu-dam-vo-tu-vong-tai-toa-an-huyen-luc-ngan-hoat-dong-to-tung-chua-dam-bao-an-toan-172211031105400634.htm