Vụ 'Dòng chảy phương Bắc 2': Ba Lan phạt Gazprom và phản ứng của Nga

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nói, Moscow lấy làm tiếc khi Warszawa phớt lờ lợi ích của người tiêu dùng châu Âu và phá hoại an ninh năng lượng của châu lục.

Bình luận về phán quyết của Ba Lan đối với tập đoàn độc quyền khí đốt Nga Gazprom trong vụ “Dòng chảy phương Bắc 2”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 8/10 cho biết, Moscow lấy làm tiếc khi Warszawa phớt lờ lợi ích của người tiêu dùng châu Âu và phá hoại an ninh năng lượng của châu lục.

Cơ quan giám sát chống độc quyền của Ba Lan UOKiK hôm 7/10 thông báo đã phạt Gazprom khoảng 7,6 tỷ USD trong vụ “Dòng chảy phương Bắc 2”. (Nguồn: Energy Post)

Cơ quan giám sát chống độc quyền của Ba Lan UOKiK hôm 7/10 thông báo đã phạt Gazprom khoảng 7,6 tỷ USD trong vụ “Dòng chảy phương Bắc 2”. (Nguồn: Energy Post)

Cơ quan giám sát chống độc quyền của Ba Lan UOKiK hôm 7/10 thông báo đã phạt Gazprom khoảng 7,6 tỷ USD trong vụ “Dòng chảy phương Bắc 2” và phạt các đối tác châu Âu của dự án tổng cộng 61 triệu USD. UOKiK cũng tuyên bố các đối tác của dự án được yêu cầu chấm dứt các thỏa thuận tài trợ cho việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt này trong vòng 30 ngày.

Trước động thái trên của UOKiK, Gazprom nói, về cơ bản họ không đồng ý với quan điểm của cơ quan giám sát Ba Lan và đương nhiên sẽ kháng cáo.

Trong cuộc họp báo, bà Zakharova nhấn mạnh: “Rõ ràng, chúng ta đang nói về một nỗ lực mang động cơ chính trị khác nhằm gây áp lực với công ty xuất khẩu khí đốt của Nga, nhà cung cấp khí đốt tự nhiên đáng tin cậy cho người tiêu dùng châu Âu trong nhiều năm.

Quyết định này dựa trên mong muốn làm hài lòng Washington bằng cách sử dụng các quỹ của EU và gây áp lực lên các công ty của các nước khác để thực hiện ý tưởng tạo ra một trung tâm thay thế cho khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nói: "Đáng tiếc rằng, để theo đuổi các mục tiêu của mình, Warszawa hoàn toàn phớt lờ các nguyên tắc cạnh tranh công bằng, lợi ích của người tiêu dùng châu Âu, và về cơ bản làm suy yếu năng lượng châu Âu và ngẫu nhiên là an toàn môi trường”.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vu-dong-chay-phuong-bac-2-ba-lan-phat-gazprom-va-phan-ung-cua-nga-125791.html