Vụ ghép ảnh 'nóng' để đòi nợ: Có thể xử lý thêm về tội Làm nhục người khác?

Mới đây, Công an quận 12, TP. HCM đã khởi tố bị can đối với 13 nhân viên Công ty Luật Power Law do đã ghép ảnh nhạy cảm để đòi nợ. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu có thể xử lý thêm các đối tượng về Tội làm nhục người khác?

Theo thông tin ban đầu, công ty này thường mua lại hợp đồng nợ xấu rồi giao cho nhân viên thực hiện thu hồi nợ. Các nhân viên đòi nợ theo 3 cấp độ. Cấp độ thấp nhất là nhắc nợ với việc nhắn tin bình thường, cấp độ 2 nhắn tin đe dọa, cấp độ thứ 3 là cắt ghép hình ảnh nhạy cảm.

Ở cấp độ 3, nhóm này không chỉ cắt ghép hình ảnh con nợ, mà còn có những người thân, đồng nghiệp và những người thân quen của con nợ để khủng bố.

Cơ quan công an đã khởi tố bị can đối với 13 nhân viên Công ty Luật Power Law

Cơ quan công an đã khởi tố bị can đối với 13 nhân viên Công ty Luật Power Law

Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an quận 1, TP. HCM cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 13 người thuộc Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset Việt Nam về Tội vu khống.

Liên quan đến các vụ việc trên, nhiều người đặt câu hỏi, ngoài tội Vu khống đã bị khởi tố, những người liên quan có thể bị xử lý về tội Làm nhục người khác hay Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy?

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, việc đòi nợ bằng cách ghép ảnh nhạy cảm của người đi vay để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm là hành vi vi phạm pháp luật, đáng bị lên án. Do đó, việc cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam các đối tượng về tội Vu khống là có cơ sở.

Còn với tội Làm nhục người khác, Điều 155 BLHS 2015 quy định, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Phạm tội gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Làm nạn nhân tự sát thì bị phạt tù từ 2-5 năm.

Dù hành vi của các đối tượng có dấu hiệu cấu thành tội Làm nhục người khác, song theo Công văn 233/TANDTC-PC của TAND Tối cao, trường hợp một hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành nhiều tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nặng hơn.

Do khung hình phạt cao nhất của tội Vu khống (7 năm tù) cao hơn tội Làm nhục người khác (5 năm tù) nên cơ quan điều tra chỉ khởi tố những người này về một tội là Vu khống.

Còn với tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy (Điều 326 BLHS 2015), đó là hành vi làm ra, sao chép, vận chuyển, lưu hành, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, không lành mạnh, trái với lối sống, đạo đức, thuần phong mỹ tục.

Mục đích của người phạm tội là nhằm phổ biến văn hóa phẩm đồi trụy cho người khác với nhiều động cơ khác nhau. Đây là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm và để kết tội các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh được mục đích của họ - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

Trong các vụ việc trên, nhóm nhân viên các công ty đã sử dụng sim rác, lập các tài khoản Facebook ảo để cắt ghép hình ảnh của khách vay nhằm bôi nhọ, vu khống không đúng sự thật với mục đích nhằm đe dọa và yêu cầu người vay tiền nhanh chóng trả nợ. Do đó, khó có cơ sở xử lý những người này về tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 326 BLHS 2015.

H.L

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vu-ghep-anh-nong-de-doi-no-co-the-xu-ly-them-ve-toi-lam-nhuc-nguoi-khac-post524855.antd