Vũ khí bảo vệ trẻ em trước các làn sóng dịch bệnh

Sự xuất hiện của biến thể Omicron trong vài tháng qua đã một lần nữa đưa các chiến dịch tiêm chủng trở thành tâm điểm trong cuộc chiến chống COVID-19 trên toàn cầu. Và khi các nhóm tuổi khác có tỷ lệ bao phủ vắc-xin ở cao, các nước đều đang hướng chiến lược tiêm chủng sang nhóm trẻ nhỏ. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Sự xuất hiện của biến thể Omicron trong vài tháng qua đã một lần nữa đưa các chiến dịch tiêm chủng trở thành tâm điểm trong cuộc chiến chống COVID-19 trên toàn cầu. Và khi các nhóm tuổi khác có tỷ lệ bao phủ vắc-xin ở cao, các nước đều đang hướng chiến lược tiêm chủng sang nhóm trẻ nhỏ.

Trẻ em trong độ tuổi 5-11 tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 ở Anh. Ảnh: Sky News

Cuộc chạy đua vắc-xin ngừa COVID-19 ban đầu tập trung vào việc bảo vệ người già và người dễ bị tổn thương về y tế trước khi chuyển dần sang phần còn lại của dân số trưởng thành và sau đó là trẻ em. Với tính chất lây lan nhanh và “sự lẩn trốn” hệ miễn dịch từ các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, độ tuổi mắc COVID-19 đã và đang hạ thấp dần từ nhóm người trưởng thành xuống nhóm tuổi trẻ nhỏ.

Thực tế thời gian qua tại các nước cho thấy, số trẻ em mắc COVID-19 tại các nước đều có xu hướng tăng. Theo báo cáo cập nhật của Viện Nhi khoa (AAP) và Hiệp hội Bệnh viện Nhi của Mỹ mới đây, hơn 12,9 triệu trẻ em tại nước này đã mắc COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát, chiếm 19% tổng số ca mắc trên cả nước. Tại Singapore, chỉ trong vòng khoảng 3 tháng sau khi ca nhiễm Omicron xuất hiện (cuối tháng 12-2021 đến cuối tháng 2-2022), nước này ghi nhận 27 nghìn ca mắc COVID-19 là trẻ em trong độ tuổi từ 5-11 tuổi. Do đó, việc tiêm chủng cho trẻ em, đặc biệt là trẻ ở độ tuổi từ 5-11 đã được Mỹ, Singapore cũng như nhiều quốc gia đẩy mạnh.

Mỹ là một trong những quốc gia sớm nhất cấp phép vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ em ở độ tuổi dưới 12. Tính đến đầu tháng 2-2022, đã có gần 9 triệu trẻ tại Mỹ được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin. Các dữ liệu lâm sàng của Mỹ cho thấy, vắc-xin có hiệu quả ngăn ngừa nhập viện 68% với trẻ 5-11 tuổi nhiễm biến thể Omicron và rất hiếm gặp các phản ứng phụ nghiêm trọng.

Singapore đã triển khai chương trình tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5-11 bắt đầu từ ngày 27-12-2021. Cơ quan Khoa học y tế (HSA) của Singapore ngày 19-1-2022 cho biết không có phản ứng phụ nghiêm trọng nào liên quan tới vắc-xin ngừa COVID-19 trong chiến dịch tiêm chủng cho trẻ từ 5-11 tuổi tại “đảo quốc sư tử” từ cuối tháng 12-2021 tới thời điểm nói trên. Để tạo thuận lợi tối đa cho việc tiêm chủng trẻ em, Singapore đã cho phép trẻ ở độ tuổi này có thể tới tiêm chủng ở bất kỳ điểm tiêm nào mà không cần đặt lịch hẹn trước trong 4 ngày đầu mỗi tuần. Vắc-xin cho trẻ em cũng được đánh giá là an toàn và hiệu quả khi chỉ có 0,03% số trẻ gặp biến chứng sau tiêm, đều ở thể nhẹ.

Kết quả một nghiên cứu do các nhà khoa học tại bang Texas (Mỹ) thực hiện và được công bố trên tạp chí Pediatrics ngày 19-3 vừa qua cho thấy, trẻ em từng mắc COVID-19 có thể duy trì kháng thể tự nhiên trong ít nhất 7 tháng, và tiêm vắc-xin sẽ giúp tăng cường khả năng bảo vệ trước virus SARS-Cov-2.

Giáo sư dịch tễ học Sarah Messiah, đồng tác giả nghiên cứu cho biết, nghiên cứu này chỉ là 1 bước để hiểu ảnh hưởng của virus SARS-CoV-2 ở trẻ em. Bà nhấn mạnh: “Chúng ta đều biết kháng thể tự nhiên, cùng với kháng thể sinh ra từ vắc-xin, giúp bảo vệ tốt nhất trước COVID-19. Hiện một số phụ huynh hiểu lầm rằng nếu con họ từng mắc COVID-19 thì sẽ được bảo vệ bởi kháng thể tự nhiên mà không cần tiêm vắc-xin. Trong nghiên cứu này, chúng tôi nhận thấy dù trẻ vẫn có một lượng kháng thể nhất định trong ít nhất 6 tháng sau khi mắc COVID-19, chúng ta vẫn chưa biết chính xác ngưỡng bảo vệ tuyệt đối. Chúng ta hiện có công cụ tuyệt vời để trẻ có thêm lớp bảo vệ, đó là tiêm vắc-xin. Vì thế nếu con bạn đủ điều kiện tiêm chủng, hãy tận dụng cơ hội đó”.

Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS) hiện cũng đang triển khai tiêm phòng vắc-xin ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5-11tuổi ở nước này. Theo các chuyên gia y tế nước này, cha mẹ có con ở độ tuổi này nên đưa con đi tiêm phòng, đặc biệt đối với những trẻ mắc bệnh lý nền. Đối với hầu hết trẻ em khi mắc COVID-19, hầu hết là bị nhẹ, có thể chỉ phải nghỉ học vài hôm để điều trị và thường ít khi dẫn tới biến chứng. Ở một số trẻ, triệu chứng COVID-19 có thể nghiêm trọng hơn hoặc kéo dài lâu hơn.

Cũng các chuyên gia y tế Anh, biến thể Omicron dường như gây ra triệu chứng khá nhẹ, chủ yếu là ở đường hô hấp trên. Tuy nhiên, nếu các biến thể mới xuất hiện trong tương lai, cũng chưa thể biết các triệu chứng sẽ như thế nào. Vắc-xin COVID-19 sẽ góp phần giảm nguy cơ trẻ nhiễm COVID-19. Tiêm đủ 2 liều vắc-xin sẽ tạo ra sự bảo vệ lâu dài ngăn biến chứng COVID-19 nặng, kể cả các biến thể mới gây ra các làn sóng dịch trong tương lai.

Thực tế cho thấy, hiện nay vẫn còn nhiều bậc phụ huynh tỏ ra băn khoăn, nghi ngại về việc tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho con em mình. Tuy nhiên, bằng hiệu quả thực tế của việc tiêm vắc-xin COVID-19 (thể hiện qua số ca mắc, số ca chuyển nặng, số ca tử vong) ở các nước trên thế giới trong suốt thời qua, nhìn chung giới chuyên gia y tế đều cho rằng, việc tiêm chủng cho trẻ ở độ tuổi 5-11 chính là một mảnh ghép cần thiết để hoàn thành bức tranh tiêm chủng. Đây được coi là “vũ khí lợi hại” trong cuộc chiến chống dịch bệnh, góp phần đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường./.

Theo dangcongsan.vn

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5089/202204/vu-khi-bao-ve-tre-em-truoc-cac-lan-song-dich-benh-2550417/