Vũ khí Hạt nhân chiến thuật Nga: Cây gậy ngăn chặn chiến tranh
Thiệt hại nhìn thấy trước khiến vũ khí hạt nhân chiến thuật không còn là 'vũ khí chiến tranh' mà sẽ đóng vai trò là 'phương tiện ngăn chặn chiến tranh'.
Nga chú trọng vũ khí hạt nhân chiến thuật
Nga sở hữu kho vũ khí hạt nhân chiến thuật lớn nhất trên thế giới, điều này gây ra nỗi khiếp sợ đối với các thành viên của Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), tác giả Mark Episkopos đã viết như vậy trong một bài báo cho tạp chí National Interest (NI).
Tác giả bài báo lưu ý đến việc hiện đại hóa các lực lượng vũ trang Nga. Theo ông, hiện ở Nga có từ ba nghìn đến sáu nghìn đơn vị vũ khí hạt nhân chiến thuật. Ở đây nói đến số lượng đầu đạn còn lưu lại từ thời Liên Xô, cũng như những hệ thống vũ khí mới đầy sức mạnh được phát triển trong những năm gần đây.
“Có một điểm trong kế hoạch quân sự của Nga khó có thể thay đổi ngay trong thời gian tới, đó là việc Moscow muốn dựa vào vũ khí hạt nhân chiến thuật làm biện pháp ngăn chặn chủ yếu chống lại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)” - tác giả Episkopos cho biết.
Theo một số báo cáo, vũ khí hạt nhân chiến thuật của quân đội Nga bao gồm gần 2000 đầu đạn do không quân, hải quân và các lực lượng phòng vệ khác quản lý; trong đó, chủ yếu được lắp đặt trên các tên lửa tấn công mặt đất, thậm chí cả tên lửa chống hạm cũng có khả năng này.
Với lực lượng vũ trang Nga, lực lượng sở hữu vũ khí hạt nhân lớn nhất là Hải quân, với tên lửa hành trình Kalibr, Oniks… Bài báo lưu ý rằng, hầu hết vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga được biên chế cho lực lượng Hải quân, chẳng hạn như trên tàu ngầm đa nhiệm tối tân thuộc Đề án 885M Yasen-M và khinh hạm Đô đốc Gorshkov thuộc Đề án 22350.
Ở vị trí thứ hai là không quân với các máy bay ném bom chiến lược, ví dụ như Tu-22M3M mang tên lửa siêu thanh Kinzhal gây ra một mối đe dọa đặc biệt với mọi đối thủ.
Ngoài ra, Nga cũng đang nỗ lực hiện đại hóa lực lượng mặt đất bằng hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander, có khả năng tấn công hạt nhân.
Phương tiện ngăn chặn chiến tranh
Vũ khí hạt nhân chiến lược không thể nguy hiểm bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật, bởi ICBM là vũ khí hủy diệt toàn cầu, các nước hiện nay đều sử dụng để răn đe chứ không ai dám sử dụng; còn quy mô nhỏ của vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ khiến các nước nới lỏng các quy tắc sử dụng.
Mặc dù có sức phá hủy thấp hơn, nhưng cũng chỉ cần một số lượng đầu đạn chiến thuật là đủ hủy diệt một quốc gia. Do đó, vũ khí hạt nhân chiến thuật mới là nỗi lo chung của thế giới.
Tác giả bài báo nhấn mạnh rằng, học thuyết quân sự của Nga coi các đầu đạn hạt nhân chiến thuật là biện pháp bảo vệ trước NATO. Moscow cần đến kho dự trữ loại vũ khí này không phải để cho các hoạt động tấn công. Nó cũng không chỉ là phương tiện răn đe mà còn là một trong những cách chơi của Nga theo quy tắc chung trong trường hợp xảy ra chiến tranh tổng lực.
Thiệt hại vượt quá sức chịu đựng được nhìn thấy trước là điều không ai mong muốn và do đó, kho vũ khí hạt nhân chiến thuật này sẽ đóng vai trò là “phương tiện ngăn chặn chiến tranh” chứ không còn là một “vũ khí chiến tranh”.
Episkopos cho rằng trên quan điểm kinh tế, việc Nga dự trữ lượng lớn vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ có lợi hơn là tham gia vào cuộc chạy đua các loại vũ khí khác với NATO.
Chuyên gia kết luận rằng, kho vũ khí chiến thuật của Liên bang Nga là một rào cản đối với các lực lượng vũ trang NATO, các đầu đạn hạt nhân chiến thuật sẽ là phương tiện hữu hiệu nhất của Liên bang Nga để bảo vệ biên giới và lợi ích an ninh quốc gia của mình.