Vũ khí không thể kiến tạo hòa bình

Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 58 diễn ra từ ngày 18 đến ngày 20-2 tại thủ phủ bang Bayern của Đức vừa kết thúc. Có những điều còn đọng lại, song cũng có những điều

Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 58 diễn ra từ ngày 18 đến ngày 20-2 tại thủ phủ bang Bayern của Đức vừa kết thúc. Có những điều còn đọng lại, song cũng có những điều “bị đánh rơi” ở một diễn đàn chuyên về an ninh và chính sách đối ngoại có uy tín này.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ở Munich (Đức) ngày 19-2-2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với vô vàn thách thức và khủng hoảng, MSC lần này lại chủ yếu tập trung thảo luận về nguy cơ chiến tranh ở châu Âu, với Nga là chủ thể luôn được nhắc tới trong 3 ngày diễn ra hội nghị, dù Moskva không cử đại diện tham dự.

Một tuần trước ngày khai mạc MSC, thông tin tình báo Mỹ đưa ra về thời điểm Nga được cho sẽ tấn công Ukraine tràn ngập trên các phương tiện truyền thông các nước. Khi không có cuộc tấn công nào vào thời điểm đó (ngày 16-2), phương Tây lại cho rằng tuy chưa, nhưng tấn công chắc chắn “sẽ xảy ra trong những ngày tới”, thậm chí nói rằng đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định tấn công, điều mà giới chức Moskva nhiều lần bác bỏ. Thông tin từ báo chí phương Tây khiến người ta có cảm giác như chiến tranh sắp nổ ra đến nơi rồi. Trên tất cả các trang báo, đài phát thanh, truyền hình ở Đức, đâu đâu cũng nói về việc điều chuyển, tăng cường lực lượng rầm rộ của Nga sát biên giới Ukraine. Đó cũng là lý do khiến MSC, vốn là một diễn đàn để thảo luận về chính sách đối ngoại và an ninh toàn cầu, lại gần như dẹp hết các chủ đề khác để tập trung vào cái gọi là “cuộc chiến tranh ở Ukraine”.

Moskva đã từ chối lời mời tham dự MSC, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, vì “nhiều lý do khác nhau“. Bà Zakharova cũng nhận định, hội nghị chuyên về chính sách an ninh quan trọng nhất thế giới này đã mất đi tính khách quan khi “những năm gần đây, hội nghị ngày càng biến thành một diễn đàn xuyên Đại Tây Dương”. Nga yêu cầu phương Tây đảm bảo an ninh ràng buộc về mặt pháp lý, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chấm dứt mở rộng về phía Đông đúng như cam kết của phương Tây trước đây.

Ukraine vẫn là chủ đề chiếm hầu hết thời lượng hội nghị. Có thể tóm tắt 4 nội dung nổi bật tại hội nghị, gồm: Những lo ngại chiến tranh ở châu Âu, những cảnh báo gửi tới Nga, sự đồng thuận của phương Tây và lời kêu gọi từ các đại diện Ukraine gửi tới các đồng minh phương Tây. Hầu như phát biểu của các diễn giả đều bày tỏ lo ngại về một nguy cơ chiến tranh, các đại diện của Mỹ, Đức, NATO,... cho rằng nguy cơ Nga tấn công Ukraine là thực tế, cáo buộc Moskva tạo cớ, chẳng hạn như thực hiện chiến dịch “cờ giả” để tấn công Ukraine.

Vấn đề nổi bật thứ hai là những đe dọa, cảnh báo - kèm kêu gọi đối thoại - gửi tới Nga. Các diễn giả từ Mỹ, Đức, Anh, Liên minh châu Âu (EU)... đều cảnh báo Nga sẽ phải nhận hậu quả nghiêm trọng chưa từng có, cả về chính trị, kinh tế, chiến lược, trong đó có dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), nếu phát động tấn công Ukraine.

Điểm thứ ba là sự thống nhất của phương Tây được thể hiện rõ tại hội nghị lần này. Cách đây không lâu, tương lai và mục đích tồn tại của NATO đã bị đặt dấu hỏi. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thậm chí còn mô tả NATO đã “chết não”. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng ở Ukraine dường như đã kéo các nước phương Tây xích lại gần nhau hơn.

Chủ đề nổi bật thứ tư là bài phát biểu của đại diện Ukraine, quốc gia là tâm điểm tại MSC lần này. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phê phán việc các nước đã không hỗ trợ đủ cho Kiev, cả về tài chính và quân sự, trong lúc khó khăn, cảm giác như Kiev “bị lãng quên”. Nhà lãnh đạo Ukraine cũng hỏi thẳng NATO về việc có ý định kết nạp Ukraine hay không, nếu có thì “hãy thành thật” và cho Ukraine một lộ trình cụ thể.

Tuy nhiên, từ hội nghị MSC, vẫn có những điểm sáng nổi lên, đó là nỗ lực giảm leo thang, tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho khủng hoảng. Trong bài phát biểu khai mạc MSC, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres kêu gọi tất cả các bên thận trọng với những tuyên bố của mình, nhấn mạnh rằng việc đưa ra quan điểm công khai nên hướng tới mục đích giảm căng thẳng thay vì “thêm dầu vào lửa“. Đại diện Mỹ cũng tuyên bố rộng mở cánh cửa đối thoại với Moskva. Ngoại trưởng Đức Baerbock nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại trong giải quyết khủng hoảng, tuyên bố Berlin sẽ nỗ lực vì từng milimet, bởi “từng milimet vẫn tốt hơn là không có chuyển động gì”. Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết ông muốn gặp và đối thoại với Tổng thống Nga Putin nhằm tránh nguy cơ nổ ra xung đột. Dù không tham dự MSC, song các tuyên bố của phía Nga cũng luôn để ngỏ giải pháp ngoại giao.

Những thông điệp đối thoại như vậy thể hiện một quan điểm rằng hòa bình chắc chắn không thể được tạo ra bằng vũ khí, quá khứ đau thương ở khắp nơi trên thế giới đã cho thấy rõ điều đó. Thế giới hiện không chỉ có điểm nóng Ukraine, mà vô số cuộc khủng hoảng và các hồ sơ nóng vẫn hiện hữu, cần sự chung tay của cả cộng đồng quốc tế. Như nhận định của Chủ tịch MSC Wolfgang Ischinger, chưa bao giờ thế giới lại có nhiều cuộc khủng hoảng cấp bách và nguy hiểm như hiện nay, từ xung đột ở Ukraine, tới đại dịch COVID-19, vấn đề Afghanistan, người di cư và tị nạn cũng như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Chỉ có giải pháp ngoại giao, với sự tham gia của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là những cường quốc có tầm ảnh hưởng lớn như Nga, mới có thể giải quyết được những vấn đề cấp bách ảnh hưởng tới toàn cầu như vậy./.

Mạnh Hùng

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5089/202202/vu-khi-khong-the-kien-tao-hoa-binh-2549347/