Vũ khí Nga chiếm gần nửa thị trường châu Phi, vượt mặt Mỹ-Pháp
Matxcơva dần loại bỏ đáng kể các đối thủ cạnh tranh chính và chiếm gần nửa thị phần trên thị trường vũ khí tại châu Phi.
Khối lượng hợp đồng quân sự được ký kết trong năm 2020 giữa Nga và các nước châu Phi lên tới hơn 1,5 tỷ USD. Thị phần của công ty xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport trên thị trường vũ khí địa phương đã tăng lên mức đáng kinh ngạc là 49%.
Theo The National Interest, trong hai thập kỷ qua, Matxcơva đã loại bỏ đáng kể các đối thủ cạnh tranh chính trong việc xuất khẩu vũ khí tới châu Phi, đặc biệt là Washington và Paris.
“Năm 2020, chúng tôi đã ký hợp đồng xuất khẩu với hơn mười quốc gia châu Phi trị giá trên 1,5 tỷ USD. Chúng tôi đã nhận được các khoản thanh toán trước và bắt đầu hoàn thành các đơn đặt hàng”, Alexander Mikheev, người đứng đầu Rosoboronexport cho biết tại Triển lãm IDEX-2021.
Trong số các khách hàng của Nga, có ít nhất 21 quốc gia đến từ châu Phi. Trong đó các khách hàng lớn nhất là Algeria và Ai Cập.
Algeria đã mua một lượng lớn thiết bị hạng nặng, bao gồm hơn 500 xe tăng T-90SA và 300 phương tiện chiến đấu Terminator 2 đã được hiện đại hóa. Ngoài ra, lực lượng không quân của Algeria, vốn sử dụng hầu hết các máy bay của Liên Xô và Nga, trong vài năm qua đã kí các hợp đồng cung cấp máy bay ném bom Su-34 và máy bay chiến đấu Su-35.
Mối quan hệ với Ai Cập là một minh chứng tốt cho thấy những ưu thế của vũ khí Nga trên thị trường châu Phi. Gần đây, quân đội Ai Cập đã sử dụng hơn 1.000 xe tăng M1A1 Abrams của Mỹ, nhưng hiện Cairo vừa ký thỏa thuận với Matxcơva về việc cung cấp tới 500 chiếc T-90MS. Ngoài ra, Không quân nước này đã đặt mua các máy bay chiến đấu Su-35 của Nga.
Triển vọng tiếp theo của vũ khí Nga đến từ Angola, quốc gia đang tìm cách đổi mới thiết bị quân sự cũ kỹ, bằng cách kết hợp nhập khẩu trực tiếp và kí kết các thỏa thuận cấp phép lớn với các đối tác.
Theo The National Interest, các hệ thống phòng không Pantsir và Tor, trực thăng tấn công và súng trường tấn công Kalashnikov của Nga là những vũ khí bán chạy nhất ở một số quốc gia châu Phi.
Rosoboronexport gần đây đã đạt được thỏa thuận cung cấp tàu tấn công BK-10 cho một quốc gia ở phía Nam lục địa này. Đây là một động thái thể hiện mong muốn của Matxcơva trong việc mở rộng xuất khẩu hàng hóa quân sự, chuyển hướng thêm ngoài các loại xe tăng và vũ khí cỡ nhỏ.
Những thành công về xuất khẩu quân sự là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Matxcơva nhằm xây dựng quan hệ đối tác chính trị, kinh tế và quân sự với các quốc gia châu Phi.
Hiện nay, những bất ổn chính trị trên lục địa này sẽ bảo đảm nhu cầu cung cấp liên tục các thiết bị quân sự của Nga. Tờ The National Interest nhận định, không có dấu hiệu nào cho thấy, Nga sẽ bị soán vị trí dẫn đầu trên thị trường vũ khí trước các đối thủ như Mỹ và Pháp.