Vụ nổ máy nhắn tin và bộ đàm tại Libăng: LHQ kêu gọi các bên kiềm chế tối đa

Ngày 18/9, Tổng Thư ký LHQ, ông Antonio Guterres, kêu gọi các bên kiềm chế tối đa nhằm tránh leo thang căng thẳng tại Trung Đông sau vụ hàng loạt máy nhắn tin và bộ đàm phát nổ tại Libăng và Syria gây nhiều thương vong.

Các nạn nhân bị thương trong vụ nổ máy nhắn tin được đưa tới Trung tâm y tế AUBMC ở thủ đô Beirut, Libăng để điều trị. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Các nạn nhân bị thương trong vụ nổ máy nhắn tin được đưa tới Trung tâm y tế AUBMC ở thủ đô Beirut, Libăng để điều trị. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Người phát ngôn của Tổng thư ký, ông Stephane Dujarric cho biết Tổng Thư ký Guterres rất lo ngại về thông tin một lượng lớn thiết bị liên lạc phát nổ tại Libăng và Syria ngày 17-18/9 vừa qua, làm hàng chục người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương.

Tổng thư ký kêu gọi tất cả các bên tuân thủ nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an năm 2006 và lập tức ngừng thù địch để lập lại sự ổn định.

Người phát ngôn nhấn mạnh: “LHQ ủng hộ mọi nỗ lực ngoại giao và chính trị nhằm chấm dứt bạo lực đang đe dọa lan ra toàn khu vực”.

Trong khi đó, nhà chức trách Libăng cho biết các vụ nổ máy nhắn tin và bộ đàm đã làm ít nhất 26 người thiệt mạng, trong đó có 2 trẻ em, và khiến hơn 3.200 người bị thương trên khắp Libăng trong 2 ngày qua.

Tại nước láng giềng Syria, 14 tay súng Hezbollah đã bị thương khi thiết bị liên lạc của họ phát nổ.

Hội đồng Bảo an LHQ sẽ nhóm họp trong ngày 19/9 để thảo luận về tình hình tại Libăng. Cuộc họp sẽ diễn ra vào lúc 15h00 theo giờ Mỹ (tức 2h00 ngày 20/9 theo giờ Việt Nam).

Trong khi đó, ngày 19/9, nhà sản xuất thiết bị vô tuyến ICOM của Nhật Bản cho biết không thể xác nhận các máy bộ đàm liên quan đến vụ nổ ở Libăng có phải do công ty này vận chuyển hay không và pin dùng trong thiết bị đã được ngừng bán và ngừng sản xuất từ 10 năm trước.

Trong một tuyên bố, ICOM cũng nói rõ sản phẩm của công ty xuất khẩu ra nước ngoài đều trải qua quy trình quản lý nghiêm ngặt. Trước đó, ICOM đã cấp tốc mở cuộc điều tra ngay sau khi các máy bộ đàm cầm tay do lực lượng Hezbollah sử dụng đã phát nổ ngày 18/9. Hình ảnh các máy bộ đàm phát nổ có nhãn hiệu ghi dòng chữ "ICOM" và "sản xuất tại Nhật Bản".

Trong một diễn biến khác liên quan đến vụ phát nổ các máy nhắn tin do các thành viên Hezbollah sử dụng, người phát ngôn Chính phủ Hungary, ông Zoltan Kovacs, hôm qua khẳng định công ty có liên quan đến dòng máy nhắn tin này “không có cơ sở sản xuất” tại Hungary và các thiết bị liên quan cũng chưa từng xuất hiện ở quốc gia này.

Trên mạng xã hội X, ông Kovacs viết: “Các nhà chức trách đã xác nhận rằng công ty được nhắc đến như một bên trung gian giao dịch không có cơ sở sản xuất hay hoạt động nào tại Hungary. Các thiết bị được nhắc đến cũng chưa bao giờ có mặt tại Hungary”. Cũng theo quan chức này, vụ việc "không gây rủi ro an ninh quốc gia” cho quốc gia Trung Âu này.

Trong một diễn biến khác, người phát ngôn Nhà Trắng, ông John Kirby cho biết Mỹ vẫn cam kết với các nỗ lực ngoại giao tăng cường để ngăn chặn leo thang cuộc khủng hoảng giữa Israel và lực lượng Hezbollah tại Libăng.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/92/320863/vu-no-may-nhan-tin-va-bo-dam-tai-libang--lhq-keu-goi-cac-ben-kiem-che-toi-da.html