Vụ nợ thẻ tín dụng 8,8 tỉ đồng: 3 lưu ý khi mở thẻ tín dụng

Từ vụ nợ thẻ tín dụng hơn 8,5 triệu đồng sau 11 năm số tiền nợ đã lên hơn 8,8 tỉ đồng, bạn đọc kiến nghị các ngân hàng phải tự động hủy thẻ nếu khách hàng lâu không sử dụng.

Trong tuần qua, những thông tin một khách hàng có dư nợ thẻ tín dụng chỉ hơn 8,5 triệu đồng nhưng sau 11 năm không trả tiền đã chi tiêu nên số tiền nợ đã lên 8,8 tỉ đồng, tiếp tục thu hút sự quan tâm của bạn đọc. Hiện tại, vụ việc đã được ngân hàng và khách thỏa thuận giải quyết.

Trước vụ việc trên, một số người sở hữu nhiều loại thẻ đã nhanh chóng đến ngân hàng để tìm hiểu, cũng như hủy thẻ tín dụng. Lý do là sợ bị dính vào nợ xấu hoặc phải đóng phí quản lý thẻ dù nhiều năm không sử dụng thẻ.

Một số bạn đọc cho rằng ngân hàng khi mở thẻ cho khách hàng cần phải công khai, minh bạch về những khoản thu phát sinh. Đối với những thẻ khách hàng không sử dụng một thời gian, ngân hàng phải thông báo và tự động hủy thẻ cho khách hàng…

Nghe tư vấn đơn giản nên mở thẻ

Chị NTN (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết năm 2018, cơ quan chị làm việc có kết hợp với một ngân hàng để mở thẻ tín dụng cho viên chức, người lao động tại cơ quan.

Chị N dù không có nhu cầu mở thêm thẻ nhưng với lời mời của nhân viên ngân hàng rằng chị chỉ cần làm thủ tục mở thẻ thôi, không sử dụng cũng chẳng sao. Nếu mở một thời gian không có nhu cầu thì chỉ cần gọi điện thoại lên tổng đài của ngân hàng sẽ được hủy thẻ.

“Lúc đó, để giúp nhân viên ngân hàng chạy đủ chỉ tiêu và nghĩ mình cũng không thiệt thòi gì nên tôi đăng ký mở thẻ. Sau khi thẻ được mở và kích hoạt, tôi có sử dụng một, hai lần và trả nợ đúng hạn. Từ sau vụ việc một người bị ngân hàng đòi hơn 8,8 tỉ đồng vì nợ tiêu dùng hơn 8,5 triệu đồng, tôi mới nhớ thẻ mình từng sử dụng. Mới đây, tôi có đến chi nhánh gần nhất của ngân hàng mở thẻ để kiểm tra thì được biết tôi đang nợ gần 2 triệu đồng tiền phí quản lý thẻ. Tôi yêu cầu được nộp tiền và đóng thẻ. Tuy nhiên, nhân viên ngân hàng hướng dẫn tôi phải về quận 1 nơi mở thẻ mới đóng thẻ được” - chị N chia sẻ.

 Khi không còn nhu cầu sử dụng thẻ tín dụng, người dùng nên làm thủ tục hủy thẻ. Ảnh: NVCC

Khi không còn nhu cầu sử dụng thẻ tín dụng, người dùng nên làm thủ tục hủy thẻ. Ảnh: NVCC

Anh Trần Văn Tuấn (ngụ quận Gò Vấp) ý kiến: Những năm trở lại đây, nhiều địa phương tổ chức tuyên truyền, áp dụng nhiều giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi số, không dùng tiền mặt. Chính vì thế, nhu cầu mở thẻ ngân hàng của người dân cũng phổ biến. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng phát sinh một số điểm chưa tốt. Ví dụ, thay vì một người sẽ có một tài khoản ngân hàng để giao dịch thì cũng có nhiều đơn vị thanh toán lại yêu cầu ngân hàng này hoặc ngân hàng khác. Chính vì thế, người dân buộc phải mở nhiều thẻ, nhiều tài khoản ngân hàng, để rồi có những lúc “quên” và ngân hàng cứ thu phí, thiệt thòi vẫn là người dân.

“Tôi mong rằng từ vụ việc nợ thẻ tín dụng vừa qua, Ngân hành Nhà nước nên có một cuộc kiểm tra để chấn chỉnh lại cách tính lãi suất, cũng như cách thu phí quản lý tài khoản thẻ của các ngân hàng. Có như thế, người dân mới an tâm sử dụng, cũng như đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong thời gian tới” - ông Tuấn ý kiến.

Nên tìm hiểu kỹ các điều khoản trong hợp đồng

Một số ý kiến cho rằng khi sử dụng thẻ tín dụng khách hàng nên tìm hiểu kỹ các điều khoản trong hợp đồng trước khi mở thẻ. Đồng thời, phải có trách nhiệm quản lý thẻ của mình.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, chia sẻ: Thứ nhất về khách hàng, khách hàng phải đọc hợp đồng thẻ tín dụng.

Khi một người làm hồ sơ mở thẻ tín dụng, ngân hàng sẽ gửi một hợp đồng mẫu (hợp đồng chung cho tất cả thẻ tín dụng) thì khách hàng nên xem kỹ hợp đồng đó. Việc này giúp khách hàng biết rằng việc trả nợ sẽ như thế nào, theo phương pháp nào và lãi suất ra sao. Đặc biệt là phải nắm rõ tất cả trách nhiệm của mình đối với ngân hàng và trách nhiệm của ngân hàng với mình.

Thứ hai, khi xuất hiện dư nợ mà chủ thẻ không phải là người phát sinh dư nợ đó, đồng thời không chấp nhận dư nợ đó thì lập tức thông báo cho ngân hàng biết đó không phải là dư nợ do chủ thẻ phát sinh. Tốt nhất chủ thẻ nên gửi thư cho ngân hàng, để họ có bằng chứng rằng chủ thẻ đã phủ nhận món nợ đó.

Thứ ba, nếu chủ thẻ có nợ thẻ tín dụng thì phải trả đúng thời hạn mà ngân hàng đưa ra thông báo. Nếu quá thời hạn ngân hàng sẽ bắt đầu tính lãi kể từ ngày phát sinh dư nợ.

“Nhiều khách hàng lầm tưởng nếu ngân hàng cho thời hạn trả nợ trong 45 ngày nhưng đến ngày 47 khách hàng mới trả thì chỉ cần trả lãi hai ngày. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy, khách hàng phải trả lãi bắt đầu từ ngày phát sinh dư nợ đến ngày trả nợ” - TS Hiếu lưu ý.

Cũng theo TS Hiếu, những trường hợp mở thẻ tín dụng nhưng không dùng đến cũng có ảnh hưởng, bởi khi mở thẻ khách hàng phải chịu một khoản phí phát hành thẻ. Nếu khách hàng không trả phí đó, nó sẽ trở thành nợ xấu, lúc này khách hàng sẽ trở thành nhóm nợ xấu, nợ khó đòi và sẽ ảnh hưởng đến lịch sử tín dụng của người đó.

Phải tự động khóa thẻ khi khách hàng không sử dụng trong thời gian dài

Bạn đọc Thanh Tâm ý kiến: Thẻ ATM đã lâu không sử dụng giao dịch nữa thì ngân hàng nên tự hủy như SIM điện thoại chứ không thể tự động tính phí và lãi.

Bạn đọc Thắng Bùi nêu: Nên có quy định bắt buộc các ngân hàng gửi thông báo và hỏi khách hàng có đóng tài khoản và hủy thẻ sau khi không phát sinh giao dịch trong 1-2 năm hay không. Trường hợp khách hàng muốn duy trì tiếp sẽ tính phí ghi nợ ra sao? Sau đó, khách hàng xác nhận bằng trả lời tin nhắn điện thoại. Nếu có quy trình xử lý công khai và minh bạch như thế thì người dân mới an tâm sử dụng thẻ.

Bạn đọc Dinh Loan bình luận: Nếu bạn sử dụng điện, nước mà không thanh toán đúng hạn thì sẽ bị cắt. Tương tự, ngân hàng cho khách hàng mở tài khoản nhưng nếu khách hàng không sử dụng giao dịch và không nợ ngân hàng thì sau một thời gian nhất định ngân hàng cũng nên thông báo cho khách hàng về việc cắt giao dịch.

NGUYỄN HIỀN - HUỲNH THƠ

Nguồn PLO: https://plo.vn/vu-no-the-tin-dung-88-ti-dong-3-luu-y-khi-mo-the-tin-dung-post781737.html