Vụ sạt lở ở Quảng Nam: Mẹ gào khóc bới đất đá tìm con
Trong khoảnh khắc sinh tử vụ sạt lở núi kinh hoàng ở Quảng Nam, chị Hà bị vùi lấp nhưng vẫn cố gắng ngoi lên để cứu 2 đứa con đang gào khóc trong đống đất đá…
Clip:
Gào khóc tìm con
Chiều 29/10, PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật đã tiếp cận gần hiện trường vụ sạt lở khiến 45 người mất tích ở thôn 1, xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam). Trong vụ sạt lở, chị Hồ Thị Hà - một trong số các nạn nhân vừa được quân đội đưa ra khỏi hiện trường vụ sạt lở vẫn còn ôm khăng khăng cô con gái trong lòng. Mặt, mũi, tay chân người phụ nữ đã lấm lem bùn đất, chi chít những vết thương. Theo lời chị Hà, ngày 28/10, chị cùng 2 con gái sang nhà bà ngoại. Bão kéo đến khiến cả ngôi nhà bị đất vùi lấp.
"Không ai kịp làm gì cả, mọi người chỉ biết gọi nhau chạy. Nhà 5 người bị vùi hết, 3 mẹ con may mắn sống còn ông bà ngoại thì...", chị Hà khóc nấc.
Những người tại hiện trường kể lại rằng, trong khoảnh khắc sinh tử đó, chị Hà dù bị đất đá vùi nhưng vẫn cố gắng ngoi lên. Thời điểm đó, trước mắt chị là cảnh tượng kinh hoàng. Chị kêu gào để tìm người thân trong gia đình. Lúc này, chị thấy hai cô con gái bị đất vùi nhưng vẫn lộ ra một số bộ phận trên cơ thể. Không nghĩ ngợi, chị Hà đã dùng đôi tay để moi cào đống đất đá đó. Cứu được con, chị Hà ôm con vào lòng rồi khóc nức nở.
Hai đứa con của chị Hà, một cháu chỉ bị xây xát nhẹ, một cháu bé bị gãy chân. Vì quá đau, nên cháu gào khóc liên tục dù được lực lượng y tế hỗ trợ.
Người sống sót kể lại sự việc kinh hoàng
Cách đó không xa, anh Đinh Văn Thượng (công nhân đang làm việc tại một trung tâm xã Trà Leng) vẫn còn bàng hoàng vì vừa thoát khỏi cái chết trong gang tấc. Đôi môi run rẩy, anh Thượng kể cách đây vài tháng, anh theo người quen vào thôn 1, xã Trà Leng làm thuê kiếm sống. Anh sống chung nhà với ông chủ. Theo lời kể, đây là căn nhà làm bằng gỗ nhưng khá chắc chắn và đẹp nhất khu vực.
“Hôm qua (28/10), bão kéo về, gió lớn tới mức cây cối trong khu vực xác xơ, lá trụi hẳn. Mọi người dặn nhau chỉ được ở trong nhà, không được đi ra ngoài. Trước đó, buổi trưa, căn nhà có 5 người nấu ăn trong vui vẻ. Ông chủ còn bảo, đây là trận mưa gió lớn nhất từ trước tới nay ông thấy. Lúc ấy, tôi chỉ nghe 1 tiếng ầm rất lớn. Chưa hiểu chuyện gì xảy ra, đã thấy cả căn nhà đổ sập. Chỉ trong giây lát, xung quanh, tất cả đều tràn bùn đất. Không còn một căn nhà nào. Cả làng đều bị san phẳng", anh Thượng nhớ lại.
Theo lời anh Thượng, trận sạt lở kéo dài nửa tiếng. Khi đất hết sạt lở, anh đứng dậy, gọi lớn. Đâu đó vẫn còn nghe tiếng kêu cứu, anh cùng những người còn sống, mạnh khỏe giúp đỡ những người bị thương nặng.
"Căn nhà tôi ở có 5 người. Trong đó, tôi, người bạn và 2 người thân ông chủ còn sống. Riêng ông chủ đã chết. Đến nay, thi thể ông chủ đã được tìm thấy.Mọi thứ kinh hoàng quá", anh thốt lên.
Khi được hỏi về hiện trường, đôi mắt ngân ngấn nước, anh nói rằng, tất cả đều bị san phẳng, không còn 1 căn nhà nào. Đến khoảng 9h sáng 29/10, anh quyết định đi bộ ra khỏi làng kêu cứu. Con đường đi từ làng ra đường lớn không còn, nên anh phải đi đường vòng, vượt qua nhiều ngọn núi. Hơn 3 tiếng đồng hồ, chân anh rơm rớm máu, anh đã thấy đường lớn. "Ngay khi thấy đường lớn, tôi biết mình còn sống. Có lẽ, tôi sẽ không bao giờ quên được sự việc kinh hoàng này", anh Thượng ngậm ngùi.
Cũng chia sẻ với PV, anh Hồ Văn Tim, trú xã Trà Giác băng rừng lội bộ ra trung tâm huyện tìm kiếm sự hỗ trợ. Theo lời anh Tim, anh cùng nhóm công nhân đi làm keo ở xã Trà Leng từ nhiều tuần qua. Hôm xảy ra sự cố, mọi người đang ở trong nhà trú bão.
"Không còn gì hết nữa. Đất ào ào, mọi người chạy kêu cứu. Cả làng đó bị san bằng rồi. Tôi ở khu vực xa hơn nên may mắn không sao, vì sợ quá nên tìm đường ra ngoài này. Cả nhóm đi bộ suốt đói và mệt", anh Tim bần thần kể lại.
Theo Trung tá Hà Ra Diêu - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Nam Trà My, hiện lực lượng chức năng đã cứu sống được 33 người, trong đó có 8 người bị thương nặng. Cơ quan chức năng tìm thấy 6 thi thể, 13 người hiện đang còn mất tích. Những người còn sống được nước đẩy dồn về chân núi.