Vụ tông tử vong cô gái dừng chờ đèn đỏ: Nhóm 'quái xế' đối diện tội danh gì?

Nhóm 'quái xế' phóng xe máy với tốc độ cao, lạng lách gây tai nạn giao thông khiến 1 cô gái đi xe máy đang dừng chờ đèn đỏ tử vong có thể phải đối mặt với tội danh nào, mức phạt ra sao?

Liên quan đến vụ tai nạn giao thông trên phố Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội) làm 1 cô gái trẻ tử vong xảy ra vào rạng sáng mùng 3/11, Cơ quan CSĐT Công an quận Hoàn Kiếm đã khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự 10 đối tượng.

Trước đó, vào 0h15 ngày 3/11, chị N.N.Q. (SN 1997, HKTT Hoàn Kiếm, Hà Nội) điều khiển xe nhãn hiệu Honda Vision đang đỗ, dừng chờ đèn tín hiệu giao thông tại khu vực ngã tư Trần Hưng Đạo – Bà Triệu (hướng đi từ ga Hà Nội về Bệnh viện 108).

Lúc này một nhóm thanh, thiếu niên điều khiển xe máy đi theo chiều ngược lại trên phố Trần Hưng Đạo về ga Hà Nội với tốc độ cao đã va vào chị Q. làm chị Q. ngã ra đường. Hậu quả chị Q. tử vong tại chỗ.

Hình ảnh cô gái dừng xe chờ đèn đỏ trước khi bị tông tử vong.

Hình ảnh cô gái dừng xe chờ đèn đỏ trước khi bị tông tử vong.

Qua điều tra, bước đầu xác định, thời điểm xảy ra vụ tai nạn, Nguyễn Hồng Nhung (SN 2005, HKTT Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) điều khiển xe máy Honda Vision chở sau Nguyễn Phương Anh (SN 2005, HKTT Hoàn Kiếm, Hà Nội) cùng một số thanh, thiếu niên khác di chuyển bằng xe máy với tốc độ cao trên phố Trần Hưng Đạo, hướng về phía Ga Hà Nội. Do không chú ý quan sát, Nhung đã va vào chị Q. làm chị Q. ngã ra đường.

Ngay lúc đó, N.T.M.K. (SN 2008; HKTT Hữu Hòa, Thanh Trì) điều khiển xe máy Honda Wave chở Lê Đình Cường (SN 2005; HKTT Hữu Hòa, Thanh Trì) đang chạy theo đoàn đã đâm tiếp vào chị Q.. Sau khi xảy ra vụ việc, các đối tượng đã bỏ chạy khỏi hiện trường.

Sự việc trên gây ra làn sóng phẫn nộ trong dư luận. Nhiều người đặt câu hỏi về việc pháp luật hiện quy định chế tài ra sao với hành vi đua xe, lạng lách, đánh võng gây tai nạn cho người khác? Và với những hành vi trên, nhóm "quái xế" này bị xử lý ra sao?

Có thể xem xét, xử lý hình sự nữ "quái xế"

Theo báo Giao Thông, căn cứ vào lời khai ban đầu của đối tượng Nguyễn Hồng Nhung, là người điều khiển xe máy chở Nguyễn Phương Anh trực tiếp tông vào xe của nạn nhân, sau đó bỏ chạy, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, hành vi của nữ tài xế Nhung có thể bị xem xét xử lý hình sự.

Theo luật sư, Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Trong đó, người lái xe gây tai nạn chết người có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-15 năm.

"Trường hợp người gây tai nạn mà bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn, đối tượng phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm c khoản 2, Điều 260 và đối diện khung hình phạt tù từ 3-10 năm", luật sư nêu.

Còn tại Điều 266 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội Đua xe trái phép. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền đến 50 triệu đồng, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 15 năm.

Như vậy, cơ quan điều tra sẽ căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập được để quy kết hành vi của các đối tượng. Nếu đủ căn cứ sẽ xử lý hình sự với hậu quả là 1 người tử vong.

Làm rõ vai trò của người ngồi sau xe nữ "quái xế"

Một tình huống mà luật sư Diệp Năng Bình đặt ra, đó là vai trò của Nguyễn Phương Anh, người ngồi sau xe của đối tượng Nguyễn Hồng Nhung. Theo luật sư, người ngồi sau xe máy biết rõ nhóm thanh, thiếu niên điều khiển xe với tốc độ cao, gây nguy hiểm cho cộng đồng nhưng vẫn bỏ chạy và không báo cáo cơ quan chức năng.

Do đó, tùy vào tính chất và mức độ của hành vi, người ngồi sau có thể bị xem xét xử lý về một số hành vi liên quan, như không tố giác tội phạm. Còn trường hợp người ngồi sau đã cố gắng can ngăn hoặc hạn chế hậu quả của vụ việc, thì người đó có thể được miễn xử lý chế tài.

"Việc xác định chính xác trách nhiệm pháp lý đối với người ngồi sau xe máy trong vụ việc này còn phụ thuộc vào kết quả điều tra cụ thể của cơ quan điều tra", luật sư khẳng định.

Các đối tượng liên quan đến vụ việc. Ảnh: Công an TP.Hà Nội.

Các đối tượng liên quan đến vụ việc. Ảnh: Công an TP.Hà Nội.

Xử lý nhóm "quái xế" ra sao?

Trao đổi với PLO, luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: "Qua đoạn video chúng ta thấy có 2 hành vi vi phạm pháp luật ở đây. Thứ nhất là nhóm hành vi có dấu hiệu của tội Gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017). Thứ hai là nhóm có dấu hiệu của hành vi vi phạm dẫn tới tai nạn chết người, người vi phạm có thể bị xử lý về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015".

Theo luật sư Tuấn, Điều luật này quy định người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền 5-50 triệu đồng đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

"Căn cứ quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008, những hành vi như điều khiển xe lạng lách, đánh võng, thiếu quan sát, không làm chủ tốc độ là những hành vi bị nghiêm cấm. Trường hợp hành vi vi phạm dẫn tới tai nạn chết người, người vi phạm có thể bị xử lý về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015", luật sư Tuấn phân tích thêm.

Theo luật sư, nếu bị quy kết hành vi thuộc tình tiết định khung bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn theo khoản 2 Điều này, người vi phạm có thể đối diện khung hình phạt tù 3-10 năm.

"Về độ tuổi, nếu hành vi thuộc tình tiết quy định tại khoản 2 Điều 260, đây là hành vi phạm tội rất nghiêm trọng. Khi đó, người thực hiện hành vi nếu chưa đủ 16 tuổi thì vẫn có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự", luật sư Tuấn cho biết.

Hải Vân (T/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vu-tong-tu-vong-co-gai-dung-cho-den-do-nhom-quai-xe-doi-dien-toi-danh-gi-204241105142255943.htm