Vụ VN Pharma: Luật sư nói Bộ Y tế đưa ra quan điểm sai về hàng giả

'Với cách hiểu của Bộ Y tế vô tình tạo điều kiện cho rất nhiều doanh nghiệp buôn bán thiết bị, thuốc y tế giả mạo về nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác để tư lợi riêng', Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối nói.

Tòa án nhân dân TP.HCM đã mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử 12 bị cáo trong vụ án “buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma. Liên quan đến việc này, Bộ Y tế rất nhiều lần gửi văn bản đến tòa án diễn giải liên quan khái niệm hàng giả. Bộ Y tế cho rằng, sản phẩm đúng chất lượng nhưng chỉ bị làm giả nguồn gốc xuất xứ, nhãn mãn... thế nên quan điểm Bộ Y tế không coi đó là hàng giả.

Cụ thể, có 3 văn bản mật và tuyệt mật liên quan đến vụ buôn bán thuốc giả của VN Pharma đã được Bộ Y tế giải mật từ ngày 20.9. Bộ này cho biết sau khi cử đoàn công tác đi Ấn Độ xác minh, Bộ Y tế khẳng định "lô thuốc H-Capita đạt tất cả các tiêu chuẩn lúc xuất xưởng".

Cụ thể, tại văn bản số 77 ngày 27.4.2018, Bộ Y tế cho biết đoàn công tác của Bộ Y tế đã làm việc trực tiếp với nhà máy Affy Prenterals, Ấn Độ. Nhà máy này có các giấy chứng nhận nhà máy sản xuất đạt chuẩn theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới. Trong danh sách các thuốc của nhà máy này sản xuất có lô thuốc H-Capita .

Nhà máy này có văn bản xác nhận đã bán lô thuốc 9.300 hộp H-Capita cho Công ty Magnolia limited tại Ấn Độ. Công ty Magnolia bán lô thuốc này cho Công ty cổ phần VN Pharma. Lô hàng sau đó được vận chuyển bằng máy bay từ Ấn Độ tới cảng hàng không Singapore và về Việt Nam.

Từ các căn cứ nêu trên, tại văn bản số 77 Bộ Y tế đã kết luận lô thuốc H-Capita đạt tất cả các tiêu chuẩn lúc xuất xưởng. Tuy nhiên quá trình vận chuyển nếu không tuân thủ điều kiện bảo quản thì chất lượng có thể không còn được giữ như lúc xuất xưởng.

Tại công văn số 279 ngày 21.12.2018, Bộ Y tế gửi cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho biết thuốc kém chất lượng, thuốc giả và hàng giả là 3 khái niệm riêng biệt.

Bộ Y tế khẳng định lô thuốc H-Capita là lô thuốc kém chất lượng vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký với cơ quan điều tra. Việc xác định lô thuốc H-Capita có phải thuốc giả hay hàng giả còn tùy từng trường hợp cụ thể đối chiếu với các văn bản.

Tại văn bản này, Bộ Y tế cho biết đã có văn bản gửi Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cung cấp các thông tin, tài liệu cho thấy lô thuốc H-Capita nhập khẩu có nguồn gốc từ Ấn Độ, đạt các tiêu chuẩn sản xuất tại nhà máy Ấn Độ lúc xuất xưởng.

Trong các ngày xét xử vừa qua, một người được xác định là người liên quan, người làm chứng được triệu tập đến tòa là ông Ngô Nhật Phương. Ông Phương luôn khẳng định lô thuốc của VN Pharma nhập về không phải thuốc giả mà là thuốc có nguồn gốc từ Ấn Độ.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Văn phòng Luật sư Kết Nối cho rằng, theo quy định tại Quy định tại Khoản 8, Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP hướng dẫn quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật sở hữu trí tuệ 2005 thì Bộ Y tế đưa ra quan điểm hoàn toàn sai quy định pháp luật về hàng giả.

Theo Nghị định này, hàng giả bao gồm: Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký.

Hàng hóa có hàm lượng định lượng chất chính hoặc tổng các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản khác chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa.

Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, vật nuôi không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng với hàm lượng đã đăng ký; không đủ loại dược chất đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa.

Thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng; không đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa.

Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác;

Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa; Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này bao gồm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý và hàng hóa sao chép lậu (tức là là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan); Tem, nhãn, bao bì giả.

Như vậy, ông Hùng cho rằng Bộ Y tế đưa ra quan điểm hoàn toàn sai quy định pháp luật về hàng giả.

“Với cách hiểu của Bộ Y tế vô tình tạo điều kiện cho rất nhiều doanh nghiệp buôn bán thiết bị, thuốc y tế giả mạo về nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác để tư lợi riêng. Không biết mục đích của Bộ Y tế là gì? Khi cố gắng chiến đấu đến cùng bảo vệ quan điểm "hàng giả" sai trái. Nhưng như vậy quá nguy hiểm, rủi ro và tạo ra rất nhiều tiền lệ xấu cho xã hội. Cuối cùng người dân nghèo là người thiệt hại nhất khi phải oằn mình ra mua thuốc với giá ngất ngưởng...”, ông Hùng nói.

Hoài Nam

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/phap-luat-c-70/goc-luat-su-c-114/vu-vn-pharma-luat-su-noi-bo-y-te-dua-ra-quan-diem-sai-ve-hang-gia-122419.html