Vụ Will Smith ở Oscar nhìn ở góc khác
Chuyên gia cho rằng cái tát của Will Smith là hậu quả của việc vượt quá giới hạn chịu đựng. Các danh hài cần thận trọng trong lời nói để tránh trò đùa trở thành công kích cá nhân.
Theo Insider, việc nam diễn viên Will Smith tát danh hài Chris Rock sau trò đùa về vợ mình là Jada Pinkett Smith tại lễ trao giải Oscar 2022 khiến người hâm mộ, người dùng mạng xã hội rơi vào vòng xoáy tranh luận. Ngay cả những người trong cuộc và Hollywood cũng tham gia bàn tán.
Trong diễn biến mới nhất, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh (AMPAS) đã lên án Smith. Về phía tài tử King Richard, nam diễn viên đưa ra nhiều lời xin lỗi về hành động bốc đồng, đồng thời viết thư xin từ chức rời Viện Hàn lâm.
Giữa lúc cả Hollywood chỉ trích Will Smith về hành động bạo lực, sự việc dẫn đến cuộc tranh luận lớn hơn là vấn đề bắt nạt thông qua lời nói. Nói đúng hơn là ranh giới giữa hài kịch hay và bạo lực ngôn từ vốn rất mong manh.
Bạo lực lời nói
Đối với nhà giáo dục và nhà sáng tạo nội dung George Lee, Smith đã thể hiện tư duy làm chủ gia đình tại lễ trao giải Oscar, sau khi nam diễn viên tát Chris Rock vì trò đùa về mái tóc của Jada Pinkett Smith.
Tại lễ trao giải Oscar lần thứ 94, Chris Rock nói với khán giả trực tiếp và người xem toàn thế giới rằng anh ấy nóng lòng muốn xem G.I Jane 2, trong đó Jada Pinkett thay thế Demi Moore đóng vai chính. Nam diễn viên ám chỉ mái đầu hói của Pinkett Smith vì nhân vật chính trong phim cạo trọc đầu để gia nhập hải quân.
Theo Insider, việc mang mái tóc phụ nữ ra làm trò đùa được xem là vấn đề nhạy cảm. Điều đáng nói là Chris Rock trước đây từng làm bộ phim tài liệu để vinh danh đầu tóc của phụ nữ da màu.
Chuyên gia George Lee lập luận rằng Chris Rock rõ ràng đã dùng bạo lực ngôn từ với Pinkett Smith. Nam danh hài dùng lời lẽ của mình để hạ thấp hoặc khiêu khích vợ Will Smith. Điều này dẫn đến hệ quả là tài tử Aladdin không kiềm chế được cảm xúc và có hành động tát đồng nghiệp.
George Lee nhấn mạnh ông không ủng hộ Will Smith. Chuyên gia cho rằng mọi hành động bạo lực đều sai, nhưng lời nói của Chris Rock rất gây hại và có thể khiến người khác tổn thương, điều mà các diễn viên hài thường xem thường.
Tuần trước, David Dennis Jr. tuyên bố rằng Hollywood cần tẩy chay diễn viên hài như Chris Rock - người coi thường những người da đen nghèo và phụ nữ da đen trong tiểu phẩm của mình.
"Sự cố lần này thúc đẩy nhiều cuộc tranh luận, quan điểm về bạo lực, trò đùa trong văn hóa đại chúng đương đại. Có đủ suy nghĩ về chủng tộc, quyền lực và giới tính, nhưng các diễn viên hài chỉ đơn giản là bị tát", David Dennis nói.
Nhà hoạt động xã hội lập luận rằng những người đồng tính, phụ nữ da màu có nguy cơ đối mặt bạo lực lời nói cao hơn. Khi Rock mang phụ nữ, người nghèo da màu ra làm trò đùa, Rock đang xúc phạm người không đủ quyền lực, tiếng nói để phản bác lại anh ấy.
Thông thường, đối tượng bị Chris Rock xúc phạm thường không có mặt trong khán phòng. Sự việc lần này đã nằm ngoài dự đoán và cũng là bài học nhớ đời của nam diễn viên. Dennis cũng cho rằng để trở thành diễn viên hài thực thụ nhưng không lấy người khác ra làm trò đùa là rất khó khăn.
Trong bài xin lỗi của mình, Smith thừa nhận rằng với tư cách là người nổi tiếng, anh hiểu việc đùa giỡn của Chris Rock là một phần của công việc. Nhưng khi chứng kiến việc tình trạng bệnh tật của vợ mình bị mang ra làm trò đùa đã vượt qua sức chịu đựng của anh, dẫn đến kết quả không ai mong muốn.
Hài kịch sắc sảo khác với trò đùa xấu tính
Nhà văn Roxane Gay đã đồng quan điểm khi viết bài bàn về giới hạn chịu đựng của con người lúc đối mặt với trò đùa. "Bất kể da mặt người khác có dày đến đâu, hay họ giàu có, nhiều quyền lực thế nào thì những trò đùa chỉ nên dừng lại ở mức độ nhất định. Nguyên tắc chung mà diễn viên hài nên thuộc nằm lòng là không nên đùa dai và khiến người khác cảm thấy ức chế, đặt vào trường hợp bị áp bức.
Theo Roxane Gay, đó là điều mà Stephen Rosenfield - người sáng lập của Viện Hài kịch Mỹ - từng giảng dạy cho học trò. Ông là giáo viên hài kịch nổi tiếng nhất nước Mỹ, từng đào tạo nhiều học trò đi từ trình độ sơ cấp đến những diễn viên hài đoạt giải thưởng.
Tất nhiên, không phải nghệ sĩ hài nào cũng có suy nghĩ như vậy. Nhiều danh hài ngày nay mang chuyện body shaming, xem thường cộng đồng ra làm trò đùa. Đáng buồn là điều đó được nhiều người ủng hộ trong xã hội độc hại.
Điển hình là Dave Chappelle - danh hài được nhắc đến nhiều nhất nước Mỹ những năm gần đây. Nam danh hài thường xuyên đả kích cộng đồng người chuyển giới, đổ lỗi cho nạn nhân bị tấn công tình dục. Trong các cuộc phỏng vấn, Chappelle khẳng định anh "có trách nhiệm lên tiếng về những vấn đề không có người dám nói". Nam diễn viên nói anh không cảm thấy mình có lỗi khi nói ra những điều đó.
Tuy nhiên, Rosenfield nói với Insider rằng ngôn từ không chừng mực sẽ là "bạo lực kinh hoàng", khiến người khác tổn thương. Lời nói cũng kích động bạo lực khi dồn người khác vào đường cùng, trường hợp của Will Smith tát Chris Rock ở Oscar lần thứ 94 là ví dụ rõ nhất.
Liên quan đến trò đùa nhắm vào Pinkett Smith, Rosenfield nói rằng sẽ rất là tồi tệ nếu Chris Rock biết tình trạng rụng tóc của vợ Will Smith lúc nói đùa trên sân khấu.
Cuối cùng, Rosenfield lập luận rằng những diễn viên hài có thể không bị kiểm duyệt nghiêm ngặt. Nhưng với tư cách là người của công chúng, họ cần bị phê bình vì những trò đùa thái quá. Rosenfield nhấn mạnh rằng ông không bao giờ bênh vực Will Smith về hành vi tấn công, nhưng Chris Rock cũng không phải không có lỗi.
"Một trong những điều mà tôi quan tâm là quyền tự do ngôn luận đang đi quá xa. Các diễn viên hài phải cẩn thận về những gì họ nói, tôi nghĩ đó điều tốt. Có sự khác biệt giữa hài kịch sắc sảo và những câu nói xấu tính. Việc công kích cá nhân chỉ là trò hài kém cỏi", Rosenfield nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vu-will-smith-o-oscar-nhin-o-goc-khac-post1307763.html