'Vua chữa bỏng' quê lúa

Ông là lương y, thương binh 1/4, Anh hùng Lao động Đào Viết Thoàn ở xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Hơn 30 năm qua, bằng bài thuốc cổ truyền và phương pháp chữa trị độc đáo, đã có hàng vạn bệnh nhân bị bỏng ở mọi cấp độ được ông chữa khỏi hoàn toàn. Hơn một nửa trong số đó được ông miễn tiền thuốc, tiền công, tiền giường bệnh, điện nước… Người dân yêu mến gọi ông là 'vua chữa bỏng' của đất Thái Bình.

Tôi gặp ông Thoàn trong buổi giao lưu “Vang mãi bài ca năm tấn” do Báo Thái Bình tổ chức nhân dịp diễn ra hội thảo báo Đảng địa phương khu vực phía Bắc mở rộng vừa qua. Ông tập tễnh bước lên sân khấu, khiêm nhường lắng nghe các điển hình khác giao lưu. Chỉ đến khi xem phóng sự và nghe ông trải lòng, nhiều người ngỡ ngàng nhận ra đằng sau sự giản dị, bình thường của người lương y ấy là nghị lực phi thường và kỳ tích khó tin. Hội trường chốc chốc lại vang rền tiếng vỗ tay tán thưởng, thán phục…

Vực thẳm sự sống và duyên nghề ở Chùa Trắng

Năm 17 tuổi, khi đang làm công nhân tại Nhà máy Điện Uông Bí, chàng trai trẻ Đào Viết Thoàn tình nguyện nhập ngũ và trở thành chiến sĩ xe tăng thuộc Lữ đoàn 408, Quân khu 3. Kể từ đó, Đào Viết Thoàn theo đơn vị làm nhiệm vụ trên nhiều chiến trường, cùng đồng đội không biết bao lần vào sinh ra tử.

 Thương binh, Anh hùng Lao động Đào Viết Thoàn (bên trái, ngoài cùng) trong Chương trình giao lưu: "Vang mãi bài ca năm tấn".

Thương binh, Anh hùng Lao động Đào Viết Thoàn (bên trái, ngoài cùng) trong Chương trình giao lưu: "Vang mãi bài ca năm tấn".

Năm 1979, khi đang làm nhiệm vụ ở khu vực biên giới, ông trúng đạn pháo của đối phương, thương tích nặng, nửa tháng sau mới tỉnh và được chuyển về Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 rồi Bệnh viện Quân y 103 điều trị. Tại đây, ông phải trải qua nhiều lần phẫu thuật với những vết thương khủng khiếp tưởng chừng không qua khỏi: Chấn thương sọ não, vỡ mỏ xương thái dương bên phải, cắt bỏ 1/2 tai phải, khoét bỏ mắt trái, mất khớp gối chân phải và toàn bộ hai cơ dép, hai cơ mông, gẫy hai dẻ xương sườn bên phải, xẹp đốt xương sống D11, D12. “Ngần ấy vết thương găm trong người đã quăng quật tôi lên bàn mổ ngót nghét chục lần trong suốt hai năm trời ròng rã. Nỗi đau đớn đẩy tận cùng sức chịu đựng của cơ thể đã mấp mé bên bờ vực thẳm của sự sống”, ông Thoàn nhớ lại.

Được sự quan tâm cứu chữa của các bác sĩ, cùng sự động viên của đơn vị, sự chăm sóc của gia đình, ông Thoàn may mắn thoát khỏi thần chết. Nhưng cũng từ đó, một câu hỏi cứ chập chờn ám ảnh người thương binh nặng ấy là tại sao khi xử lý vết thương, con người lại chịu những nỗi đau ghê gớm ấy? Có cách gì chế ngự nó, chấm dứt nó trong thời gian ngắn nhất? Và, làm gì để thoát khỏi gánh nặng cho gia đình, cho xã hội?... Ông nhớ tới lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế” và: “Khi đã khôi phục sức khỏe, các đồng chí sẽ hăng hái tham gia công tác tăng gia sản xuất, để giúp ích cho Tổ quốc…”. Gạt bỏ mọi khó khăn, quyết chí vươn lên, gắng luyện tập sức khỏe, không chịu khuất phục nỗi đau của thương tật, vượt lên hoàn cảnh và số phận, ông Thoàn quyết chí sống học tập và làm việc để trở thành người có ích cho xã hội.

Tuy nhiên, cuộc chiến để vượt lên số phận của thương binh Đào Viết Thoàn không hề đơn giản. Lúc đó vết thương ở bàn chân phải của ông đã được ghép da nhiều lần mà không liền, vẫn bị hoại tử và lộ xương. Ông được các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 giới thiệu và một số người mách bảo, ông đã vào Chùa Trắng ở thôn Hữu Lê, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội, xin sư cụ Thích Đàm Lương đắp thuốc cứu chữa.

Ban đầu, sư cụ trực tiếp đắp thuốc cho ông. Về sau vết thương tiến triển tốt, cụ hướng dẫn ông tự điều trị. Cảm giác đầu tiên của ông khi được sư cụ đắp thứ thuốc đó vào vết thương là rất mát, không xót và khi thay băng thì băng không hề dính vào vết thương, khác hẳn với những lần phải thay băng ở bệnh viện, mỗi lần thay là một lần đau đớn do băng, gạc dính chặt vào da thịt vùng bị thương. Chỉ vài ngày, vết thương đã thay đổi hẳn theo chiều hướng tốt, không còn lộ xương nữa. Ông nhận ra thứ thuốc kỳ diệu này có tác dụng hút các chất hoại tử trên vết thương ra ngoài một cách nhanh chóng và kích thích các tế bào còn sống khiến chúng phát triển.

Quá trình ở chùa, ông vừa chữa bệnh, vừa tìm tòi học hỏi, đọc tham khảo nhiều tài liệu y học, dược học và chắt lọc những tinh hoa của các bài thuốc cổ truyền dân tộc. Thấy người thương binh quê lúa có nghị lực, có tâm, có đức, có tố chất để trở thành người thầy thuốc chữa bệnh cứu người, sư cụ đã nhận ông làm con nuôi và tận tình dạy ông chế thuốc, cách chữa bệnh của loại thuốc bí truyền này.

Hành trình làm giàu lòng nhân đức

Năm 1987, sư cụ Thích Đàm Lương viên tịch. Ông Thoàn ở lại chịu tang 6 tháng rồi rời Chùa Trắng trở về quê hương, đoàn tụ với gia đình. Kế thừa từ bài thuốc mà sư cụ đã truyền dạy, ông ngày đêm nghiên cứu, sáng tạo, đổi mới bào chế ra bài thuốc sinh cơ chữa bỏng và vết thương lâu liền. Thuốc được bào chế từ dược liệu thiên nhiên dễ tìm kiếm, giá thành rẻ, mỗi khi thay băng, tháo băng vết thương không bị dính, đắp thuốc vào vết thương mát, làm hạn chế cơn đau đớn cho bệnh nhân. Vết thương nhanh liền, không để lại di chứng, rút ngắn thời gian và tiết kiệm kinh phí điều trị cho người bệnh. So với công thức nguyên thủy được truyền thụ, ông đã bổ sung nhiều loại thảo dược, thêm các vị khiến phương thuốc mới khác đi rất nhiều, làm cho công hiệu chữa trị được nâng cao, gần như là một “thần dược” trong điều trị vết thương, đặc trị là các vết bỏng.

 Lương y Đào Viết Thoàn chữa trị cho các bệnh nhân bỏng.

Lương y Đào Viết Thoàn chữa trị cho các bệnh nhân bỏng.

“Hầu hết các vị của phương thuốc này đều dễ tìm trong dân gian, như: Mật ong, củ nghệ, lạc tiên, đu đủ, cối xay, chìa vôi… Những vị này có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, tiêu độc. Sau khi thu hái, tôi phơi khô, xác định tỷ lệ rồi bào chế thành một dạng thuốc cao đặc sẫm màu, gọi là “thuốc mỡ sinh cơ”. Thuốc rất dễ dùng, phù hợp cho mọi lứa tuổi, mọi tiền sử bệnh án”, ông Thoàn cho biết.

Không chỉ cải tiến công thức thuốc, lương y Thoàn còn cải tiến phương pháp đắp thuốc. Trước đây, bác sĩ thường đắp thuốc cho bệnh nhân trên gạc khô gây nên tình trạng vừa lãng phí thuốc vừa tạo cảm giác đau đớn. Ông Thoàn cải tiến bằng cách cho tẩm nước muối sinh lý vào gạc, sau đó vắt khô rồi mới bôi thuốc vào. Bằng cách này, ông đã tiết kiệm được một lượng thuốc, không cần phải nhỏ nước muối sinh lý khi thay băng, lại khiến cho gạc không bị dính vào thịt, do đó không làm tổn thương tổ chức hạt, khiến vết bỏng nhanh liền.

Hỏi về kỷ niệm trong quá trình chữa bỏng, ông Thoàn bảo, hàng nghìn ca là hàng nghìn kỷ niệm. Không thể nhớ hết được. Nhưng có những bệnh nhân khiến ông ám ảnh mãi. Như trường hợp cháu Trần Đăng Khôi, con anh Trần Đăng Quyền ở Quảng Trị. Cuối năm 2017, cháu Khôi mới hơn 2 tuổi bị bỏng nặng do cháy nhà. Sau một thời gian điều trị ở TP Hồ Chí Minh, vết bỏng vẫn rất nặng, đầu lộ xương sọ. Nghe có người mách, đầu năm 2018, anh Quyền đưa con ra Thái Bình gặp lương y Thoàn. Bằng phương thuốc đặc trị, ông Thoàn kiên trì sử dụng “thuốc mỡ sinh cơ”, kéo da, nuôi thịt. Sau 3 tháng, đầu không lộ xương nữa, vết bỏng tiến triển tốt, cháu Khôi được cứu sống. Cảm thông hoàn cảnh khó khăn của gia đình cháu, ông Thoàn miễn phí toàn bộ, cả điều trị và sinh hoạt. “Con tôi hiện nay sức khỏe đã phục hồi tương đối bình thường. Gia đình mang ơn lương y Đào Viết Thoàn lắm. Bác không chỉ có tay nghề giỏi mà còn là người nhân đức, thương người nghèo”, qua điện thoại giọng anh Quyền nghèn nghẹn khi nói chuyện với chúng tôi.

Một trường hợp khác có tên là Hòa ở Đắc Lắc bị bỏng nặng từ cổ trở xuống, tỷ lệ 67%, loét sâu độ 3. Đã điều trị tại bệnh viện tốn hàng tỷ đồng mà vẫn tiến triển chậm. Tiếp nhận bệnh nhân Hòa đúng ngày ông lên đường dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc tại Thủ đô Hà Nội. Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã An Quý gặp hỏi ông: Đi dự đại hội hay chữa bệnh? Không lưỡng lự, ông trả lời tắp lự: "Ca này nặng, tôi phải trực tiếp điều trị. Khi sơ cứu, nếu yên tâm và đại hội chưa kết thúc thì tôi xin phép được đến dự sau". Nhờ điều trị kịp thời và tấm lòng tận tâm của lương y Thoàn, vết bỏng của anh Hòa đã phục hồi nhanh. Sau này, mỗi khi có dịp ra Bắc, anh Hòa và gia đình vẫn thường đến thăm ân nhân của mình. Anh bảo, nếu không có lương y Đào Viết Thoàn thì anh “sống cũng thành tật”, chứ đâu được bình thường như bây giờ.

Với tài năng và tấm lòng nhân đức, trong hơn 30 năm qua, lương y, thương binh Đào Viết Thoàn đã tận tình cứu chữa khỏi bệnh không xảy ra tai biến cho hơn 29.000 bệnh nhân bỏng, trong đó có 11.000 cháu nhỏ. Hàng nghìn bệnh nhân là người có công, nạn nhân chất độc da cam, người tàn tật, trẻ em mồ côi, con em đồng đội được ông miễn tiền thuốc, tiền công. Ông cũng miễn toàn bộ giường nằm, điện nước cho gần 20.000 bệnh nhân nằm điều trị nội trú tại gia đình. Miễn tiền công cho gần 10.000 bệnh nhân là người nghèo và các cháu nhỏ đến từ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Ngày ngày, vợ chồng ông phải dậy từ sớm, thăm khám bệnh nhân, bà cắt gạc, ông đắp thuốc. Tối duyệt hồ sơ bệnh án, bào chế, đóng thuốc đến khuya để gửi đi các nơi. Vợ ông cũng là đồng đội, một cựu thanh niên xung phong nên luôn thấu hiểu và chia sẻ với ông. “Vợ tôi không những chia sẻ với những đau đớn của tôi mỗi khi vết thương tái phát, khi trái gió trở trời mà từng ngày, từng giờ còn là người phụ tá đắc lực trong việc đón tiếp và chăm sóc người bệnh. Ngoài ra còn tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình nuôi dạy con cái học hành tiến bộ”, ông Thoàn tự hào nói về vợ của mình.

Chia tay ông Thoàn, tôi nhớ mãi bước chân tập tễnh, tiếng cười tự nhiên và giọng nói hào sảng của người thương binh, người anh hùng ấy. “Nghề này mà nghĩ đến tiền là không làm được đâu. Phải luôn coi cái khổ, cái đau của người bệnh, của thân nhân như cái khổ, cái đau của chính bản thân mình…”, ông nói với chúng tôi như thế...

Trong hơn 30 năm chữa bệnh và làm từ thiện, lương y Đào Viết Thoàn đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Năm 2014, ông được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Ông được tôn vinh và nhận giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông, Bằng Lao động sáng tạo, Bằng khen ghi công xây dựng nông thôn mới, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là Chiến sĩ thi đua toàn quốc, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba.

Bài và ảnh: TRẦN HOÀNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-noi-theo-guong-sang-bac-ho/vua-chua-bong-que-lua-606109