Vua Lê Đại Hành và mỹ tục cày tịch điền

Nằm giữa một vùng đất có dòng sông Chu (Lương giang) chảy ở phía Nam, sông Cầu Chày ở phía Đông Bắc, Trung Lập là nơi khí thiêng sông núi hợp về. Đây cũng là vùng đất mà lịch sử đặt tên là 'tiền tam Yên, hậu ngũ Phúc', hàm ý làng được cả yên và phúc. Vùng đất ấy tự hào hơn hết là nơi sinh ra đức vua Lê Đại Hành 'bậc anh hùng nhất đời'.

Đền thờ Lê Hoàn ở xã Xuân Lập (Thọ Xuân). Ảnh: Chi Anh

Đền thờ Lê Hoàn ở xã Xuân Lập (Thọ Xuân). Ảnh: Chi Anh

Đất địa linh sinh nhân kiệt

Phải khẳng định Lê Hoàn là vị vua đặc biệt nhất trong hơn 100 vị vua của Việt Nam. Nếu như các vị vua được sinh ra trong cung vàng điện ngọc, thì Lê Hoàn lại được sinh ra giữa trời đất. Chuyện kể rằng, bà Đặng Thị mẹ ông trong khi bắt ốc ở đoạn sông bên dưới hương trang, bỗng thấy trong người khó chịu, bèn đi đến cồn cây rậm ngồi nghỉ, một lát thấy bụng đau dữ dội, sau vài canh giờ vất vả một mình vượt cạn, đã sinh ra một người con trai, mới nhìn qua bà đã thấy con mình có tướng mạo khác người: mặt mũi phương phi, tay dài, tai to, cổ cao, mắt sáng, tiếng khóc sang sảng như chuông. Trong “Lê Đại Hành hoàng đế điện miếu bia” do Nguyễn Thực phụng soạn năm 1626, viết: “Thụy Nguyên có vượng khí. Kết vào Trung Lập. Thạch Thành án ngữ phương Bắc. Kim Sơn cao ngất trời Đông. Núi Nưa đối diện. Sông Lam chầu về. Như Kỳ ấp nhà Ngu. Đồng bằng phì nhiêu. Khí lành tốt tươi. Sinh đức vua Lê”. Đã là người Xuân Lập ít người không biết sự tích về vua và đến Nền sinh thánh nơi Lê Hoàn cất tiếng chào đời.

Tướng mạo khác thường của Lê Hoàn đã được người cha nuôi Lê Đột nhận ra. Không chỉ là người con hiếu nghĩa, chăm học, siêng năng, tôn kính cha mẹ nuôi như cha mẹ đẻ, Lê Hoàn còn ham võ nghệ, vì thế mà được ông gửi xuống học ở lò võ Dương Xá (nay là phường Thiệu Dương, TP Thanh Hóa).

Khi Lê Hoàn 18 tuổi, cũng là lúc đất nước rối ren, vì thế tháng 11 năm Kỷ Mùi (959), Lê Hoàn quyết định đem theo mười mấy người bạn cùng trang lứa từ Ái Châu ra kinh sư Cổ Loa. Hôm lên đường tòng quân, Lê Hoàn dậy từ lúc canh ba, vác dao ra chém hết ba sào rạ thì trời vừa sáng. Nhìn thấy cá bị lưỡi dao chém chết nổi trắng mặt nước, bèn tìm người nhà mang gánh, nhặt cá gánh về làm gỏi ăn rồi cùng mấy anh em lên đường.

Sau này, dưới sự lãnh đạo của vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn), trận Bạch Đằng giang năm 981 là một chiến công hiển hách tiếp nối truyền thống Bạch Đằng 43 năm trước dưới thời Ngô Quyền đánh giặc Nam Hán, đồng thời mở đầu kỷ nguyên Đại Việt bách thắng quân xâm lược phương Bắc. Người “phụ sơn đảo hải” (vác núi lật biển) là danh hiệu mà người Tống dành cho ông từ sau trận họ thua về quân sự. Họ còn phải nhìn nhận ông như một con người kiên cường, dũng mãnh, có thể làm những việc kinh thiên động địa. Ngô Sĩ Liên đã viết như sau về các chiến công của Lê Hoàn trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư”: “Vua đánh đâu được đấy, chém vua Chiêm Thành để rửa cái sỉ nhục phiên di bắt giữ sứ thần, phá tan quân Triệu Tống để bẻ cái mưu vua tôi ăn chắc, có thể gọi là bậc anh hùng nhất đời vậy”.

Lê Hoàn còn là nhà ngoại giao lớn. Năm 983, sau khi hoàn thành thắng lợi sự nghiệp phá Tống, bình Chiêm, Lê Hoàn đã chủ động cho sứ thần sang nước Tống để nối lại quan hệ bình thường giữa hai nước. Ông thể hiện quan điểm: "Làm bạn với sói hùm là ngu dại, rước sói hùm vào nhà còn ngu dại hơn. Chi bằng mỗi năm quăng cho nó vài khúc xương, nếu nó chịu yên thì thôi, nhược bằng nó quấy phá thì cả nhà lớn bé già trẻ gái trai đều nhất tề nổi lên mà bẻ nanh, nuốt vuốt nó”.

Tuy vậy, ông luôn biểu thị ý thức tự tôn dân tộc, dù nối lại quan hệ với nhà Tống, nhưng không hề khuất phục vua Tống. Năm 990 nhà vua đi ngựa ra ngoài kinh đô Hoa Lư để đón sứ Tống. Khi về đến cửa Minh Đức, nhà vua bưng chế thư của vua Tống để lên trên điện mà không chịu lạy. Nhà vua bảo sứ Tống là Tống Cảo: “Sau này có quốc thư thì nên cho giao nhận ngay ở địa giới, đừng phiền sứ thần đến đây nữa”.

Và một vị vua trọng nông

Chuyện nhà vua cày tịch điền đầu tiên năm Đinh Hợi (987) đã được ghi lại trong lịch sử khá nhiều. Theo “Việt sử lược” - cuốn sử có niên đại sớm nhất còn lại đến ngày nay: “Năm Đinh Hợi, hiệu Thiên Phù, năm thứ 7 (987) vua bắt đầu cày ruộng tịch điền ở Đọi Sơn, được một lọ vàng bạc, cày ở núi Bà Hối được một lọ nữa, vua đặt tên đất đó là ruộng kim ngân”. Tiếp theo “Đại Việt sử ký toàn thư” do Ngô Sĩ Liên biên soạn vào thế kỷ XV ghi chép về sự kiện này, cụ thể hơn về thời gian và có khác biệt về địa danh: “Đinh Hợi, năm thứ 8 (niên hiệu Thiên Phúc)” năm 987. Mùa xuân, vua bắt đầu cày ruộng ở núi Đọi được một chĩnh nhỏ vàng, lại cày ở núi Bàn Hải, được một chĩnh nhỏ bạc, vì thế đặt tên là ruộng kim ngân”. Đến thời Nguyễn, sách “Đại Nam nhất thống chí” lại chỉ ghi nhận Lê Hoàn cày tịch điền ở núi Long Đọi bắt được một lọ vàng cốm nên gọi là kim điền, chứ không nói đến cày tịch điền ở núi Bà Hối hay Bàn Hải.

Như vậy, các cuốn sử cũ đều ghi chép Lê Đại Hành là ông vua đầu tiên dưới chế độ phong kiến Việt Nam tiến hành lễ cày tịch điền, nhằm mục đích khuyến khích sản xuất nông nghiệp. Ruộng tịch điền thuộc quyền quản lý trực tiếp của triều đình, giống lúa cấy trên ruộng được chọn để cho loại gạo ngon dùng vào việc tế lễ, đặc biệt là tế Thần nông, Thần xã tắc. Đặc biệt hơn, ông không chọn ruộng tịch điền ở gần hay trong kinh thành mà đặt ruộng tịch điền ở đồng bằng sông Hồng, cách khá xa kinh đô Hoa Lư.

Con trâu từ bao đời là biểu tượng của nền văn hóa lúa nước (con trâu là đầu cơ nghiệp). Đến nay nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: cái tên kim ngưu (trâu vàng) rất có khả năng ảnh hưởng đến những ghi chép của sử cũ khi nói đến sự kiện Lê Đại Hành cày tịch điền.

24 năm ở ngôi, với tài “thao lược bao trùm bờ cõi, ân uy vượt khỏi biên thùy”, vua Lê Đại Hành toàn tâm toàn ý xây dựng đất nước Đại Cồ Việt. Đến nay, đã hơn một nghìn năm qua đi, những tài liệu sử sách chép về Lê Đại Hành không còn nhiều, chủ yếu còn lại trong truyền thuyết, những chuyện kể trong dân gian, những di tích lịch sử, phong tục, tập quán ở quê hương Trung Lập. Tuy nhiên tất cả đều khẳng định, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của vua Lê Đại Hành sáng chói mãi trong dòng chảy lịch sử của dân tộc.

Sau này các vua nhà Lý cũng rất quan tâm đến khuyến khích sản xuất nông nghiệp, không chỉ có cày tịch điền mà còn lập đàn xã tắc, tổ chức hội chọi trâu cầu được mùa, kinh lý xem dân gặt lúa, gieo hạt... Dù ở đời vua nào thì lễ tịch điền cũng luôn được quan tâm, là một trong những biện pháp khuyến nông. Đặc biệt, đến đời nhà Nguyễn, lễ hội được tiến hành long trọng. Sách “Đại Nam thực lục” phần chính biên đã ghi chép vào tháng 2 năm Mậu Tý (1828) vua Minh Mạng đã ban hành lời dụ về việc cày ruộng tịch điền.

Phải khẳng định rằng, đến ngày nay cày tịch điền đã trở thành mỹ tục được duy trì hằng năm. Nhà nghiên cứu Hoàng Hùng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thọ Xuân - người dành cả cuộc đời để nghiên cứu về vua Lê Đại Hành và làng Trung Lập cho biết: Năm 1998, huyện Thọ Xuân phục hồi lại lễ hội đền thờ Lê Hoàn. Niềm vui đó đã khiến cả một làng quê nhộn nhịp tấp nập hẳn lên. Ngày nay, chúng ta nhắc nhiều về lễ tịch điền, và càng không quên chính sách dĩ nông vi bản của vua Lê Đại Hành.

Chi Anh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/vua-le-dai-hanh-va-my-tuc-cay-tich-dien/179689.htm