'Vua sân cỏ' - Lương cao, trách nhiệm cũng phải cao

Tại V-League 2022, số lượng trọng tài FIFA chỉ có 3 người, gồm các ông Hoàng Ngọc Hà, Ngô Duy Lân và Nguyễn Mạnh Hải. Con số này chỉ hơn số lượng trọng tài FIFA của Brunei (2 người), ngang bằng Campuchia, Lào, Philippines. Trong khi đó, Singapore và Thái Lan có nhiều trọng tài cấp FIFA nhất với 6 người. Myanmar có 4 trọng tài FIFA, còn Indonesia và Malaysia cùng có 5 trọng tài FIFA.

Việc có ít trọng tài FIFA khiến Ban trọng tài Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cùng Ban tổ chức V-League gặp khó trong việc cắt cử người cầm còi ở những trận cầu đinh. Thậm chí, ngay cả khi đã có trọng tài đẳng cấp cầm còi thì đáng tiếc, sai lầm lại đến từ “vua sân cỏ”. Điển hình như việc trọng tài FIFA Ngô Duy Lân không nhìn thấy tình huống Duy Mạnh giẫm vào chân tiền đạo H.Bruno (Hoàng Anh Gia Lai) trong vòng cấm ở trận đấu Hà Nội thắng Hoàng Anh Gia Lai 2-1 (vòng 12 V-League 2022). Pha bóng trên diễn ra ở phút 33, lúc tỷ số đang là 0-0 và trước đó, Duy Mạnh đã nhận một thẻ vàng.

Nếu trọng tài bắt đúng, trung vệ Hà Nội FC sẽ phải nhận thêm thẻ phạt, đồng nghĩa bị đuổi khỏi sân và Hoàng Anh Gia Lai được hưởng phạt đền. Sau trận đấu này, trọng tài Ngô Duy Lân thừa nhận xử lý sai lầm trong tình huống trên và đã nhận án kỷ luật, không được phân công làm nhiệm vụ ở vòng 13, 14 V-League 2022.

Trọng tài Ngô Duy Lân không được cắt cử làm nhiệm vụ ở vòng 14 V-League 2022, diễn ra vào cuối tuần này.Ảnh: MINH TÚ.

Trọng tài Ngô Duy Lân không được cắt cử làm nhiệm vụ ở vòng 14 V-League 2022, diễn ra vào cuối tuần này.Ảnh: MINH TÚ.

Hiện nay, thu nhập của trọng tài khá cao, các ông "vua sân cỏ" có thể kiếm thu nhập tốt nếu được thường xuyên phân công nhiệm vụ. Mỗi trận đấu ở V-League, trọng tài chính nhận thù lao 8 triệu đồng, trợ lý trọng tài nhận 6 triệu đồng/người, giám sát trọng tài nhận 6 triệu đồng, giám sát trận đấu hưởng 7 triệu đồng.

Ngoài chi phí làm nhiệm vụ thì tổ trọng tài còn được trả kinh phí di chuyển (máy bay), ăn nghỉ (khách sạn), tính ra khoảng 5 triệu đồng/người. Thu nhập cao đồng nghĩa với trách nhiệm lớn. Tuy nhiên, gần như vòng đấu nào ở V-League, các đội cũng lên tiếng phàn nàn về công tác cầm cân nảy mực của đội ngũ trọng tài.

Thấu hiểu nỗi khổ của các đội bóng, ông Dương Văn Hiền, Trưởng ban trọng tài VFF chia sẻ: Trước mỗi vòng đấu, ban trọng tài luôn nhấn mạnh tổ trọng tài cần phải tập trung xuyên suốt trong cả quá trình diễn ra trận đấu. Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở, động viên để anh em trọng tài hoàn thành tốt vai trò, chức năng và nhiệm vụ của mình.

Cũng theo ông Dương Văn Hiền, sau mỗi vòng đấu, ban trọng tài đều tổng hợp video về các tình huống nổi bật, cả những tình huống sai sót lẫn những tình huống khó được trọng tài xử lý tốt. Đối với mỗi tình huống, ban trọng tài tiến hành phân tích, lý do vì sao lại mắc sai sót sẽ được nêu cụ thể để các trọng tài có thể học hỏi, đúc rút kinh nghiệm cho bản thân khi làm nhiệm vụ.

Trong vài năm trở lại đây, việc phát triển trọng tài ở Việt Nam gặp khó cả về số lượng và chất lượng, bởi tính chất khắt khe trong công tác đào tạo cùng thời gian phát triển, thử thách kéo dài nhiều năm. Để được cầm còi ở giải U.19, U.21 quốc gia, các trọng tài phải mất 1-2 năm hành nghề. Nếu bắt tốt mới được phân công làm nhiệm vụ ở giải hạng Nhì, hạng Nhất quốc gia, rồi kế đến mới là V-League.

MINH CHIẾN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/quoc-te/vua-san-co-luong-cao-trach-nhiem-cung-phai-cao-703847