Vực dậy doanh nghiệp F&B bằng công nghệ

Một liên minh các công ty công nghệ vừa được thiết lập nhằm hỗ trợ ngành hàng thực phẩm và đồ uống (F&B). Mục tiêu nhằm vực dậy các doanh nghiệp F&B hậu Covid-19 một cách nhanh nhất có thể bởi việc ứng dụng công nghệ số đang ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Cuối tuần trước, tại Tp.HCM, một liên minh các công ty công nghệ trong Smart Retail đã được ký kết giữa các đối tác nhằm thực hiện một chiến dịch phi lợi nhuận (có tên là Covydidi) để hỗ trợ 10.000 doanh nghiệp (DN) trong ngành hàng F&B với tổng kinh phí lên đến 500 tỷ đồng sau ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.

"Vũ khí" cạnh tranh

Theo đó, liên minh công nghệ này sẽ giúp hỗ trợ các DN F&B trong việc thực hiện giải pháp chuyển đổi số, thương mại điện tử, khởi tạo website bán hàng, phần mềm bán hàng, công nghệ giao hàng, bán hàng đa kênh, dịch vụ tổng đài, livestream, quản lý nhân sự…

Để vực dậy các DN F&B một cách nhanh nhất có thể trong lúc này thì cần phải dùng đến các giải pháp công nghệ.

Để vực dậy các DN F&B một cách nhanh nhất có thể trong lúc này thì cần phải dùng đến các giải pháp công nghệ.

Đơn cử như một đối tác trong liên minh này là công ty công nghệ Loop (đang là đối tác của hơn 50 DN F&B trong và ngoài nước) sẽ hỗ trợ các DN ở công đoạn xây dựng website bán hàng và phần mềm bán hàng. Còn công ty ZuumViet và Ahamove sẽ hỗ trợ chi phí giao hàng, Công ty BoxMe thì hỗ trợ gói bán hàng đa kênh...

Động thái hỗ trợ của các công ty công nghệ trong lúc này được đánh giá là rất thiết thực nhằm vực dậy các DN F&B hậu Covid-19 một cách nhanh nhất có thể. Nhất là khi tác động của dịch bệnh trong thời gian qua khiến cho hàng loạt cửa hàng F&B rơi vào trạng thái “ngủ đông” kéo dài, tạm ngưng hoạt động kinh doanh…

Có thể nói để “thức tỉnh” các DN F&B thì cần phải dùng đến giải pháp chuyển đổi số, khi mà Covid-19 đã phơi bày nhiều điểm yếu của ngành F&B nội địa xét về mặt công nghệ liên quan đến logistics, phân phối, quản trị nhân sự…

Ở góc độ của một DN nội hoạt động khá hiệu quả trong ngành hàng F&B dù đối mặt nhiều thách thức từ dịch Covid-19, ông Đinh Anh Huân, Chủ tịch HĐQT của thương hiệu cà phê Coffee House, đã nhấn mạnh đến việc số hóa hệ thống vận hành chuỗi bán lẻ, giúp cho việc vận hành đồng bộ, hiệu quả trên quy mô hàng trăm đến hàng nghìn cửa hàng.

Theo ông Huân, trong kế hoạch đầu tư thì công ty cũng dành rất nhiều cho việc ứng dụng công nghệ. Công ty thuê về một đội ngũ mấy chục kỹ sư phần mềm để giúp vận hành hàng nghìn cửa hàng, cũng như phát triển ứng dụng (app).

Và ông Huân tin rằng đó là “vũ khí cạnh tranh”, cũng nhằm đạt mục tiêu mỗi năm tăng trưởng 50% trong 5 năm tới.

Nhấn mạnh về sự hiện diện của công nghệ số với ngành F&B, giới chuyên gia cho rằng dịch Covid-19 đã tạo ra một cú hích buộc ngành dịch vụ ăn uống phải bắt kịp mạnh. Dù cho dịch bệnh đem lại thiệt hại không nhỏ nhưng cũng đem lại cơ hội để các DN F&B chuyển mình đi nhanh hơn sau dịch thông qua việc ứng dụng các công nghệ mới thích ứng với thị trường tiêu dùng.

Cân nhấc mô hình theo “lăng kính” công nghệ

Chẳng hạn như việc cần ngồi ở nhà người tiêu dùng với chiếc điện thoại đã đặt được xe, đặt được đồ ăn và rất nhiều dịch vụ khác. Theo khảo sát gần đây của công ty nghiên cứu thị trường Q&Me thì 51% người tiêu dùng ở Tp.HCM và Hà Nội đã dùng ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến.

Mặc khác, bên cạnh việc khuyến mại mạnh mẽ trở thành yếu tố kích thích thì người tiêu dùng trong ngành hàng F&B đã nhận ra sự tiện lợi của việc đặt hàng trực tuyến. Lẽ đương nhiên là các DN sẽ phải dùng đến công nghệ để cạnh tranh về nhu cầu tiện lợi này.

Nhất là các DN cần xem xét việc sử dụng thiết bị di động ngày càng tăng, nhiều thương hiệu có thể đưa ra dịch vụ kỹ thuật số hoặc ứng dụng di động của riêng họ. Các thương hiệu cần tập trung vào lợi ích của người dùng.

Ngoài ra, tính liên tục trong hoạt động của chuỗi cung ứng ngành F&B cũng đòi các DN cần cải thiện nhiều về mặt công nghệ. Việc đầu tư công nghệ hợp lý có thể giúp các DN đứng vững trước các xu hướng tiêu cực của thị trường nhờ khả năng theo dõi sự di chuyển của hàng hóa và sự minh bạch trong chất lượng quy trình.

Hơn thế nữa, nếu như các DN ngành hàng này dành ra những khoản đầu tư hợp lý về công nghệ thì sẽ giúp họ giảm chi phí và thời gian làm việc. Không những vậy, điều này còn có thể giúp DN mở rộng quy mô sản xuất với ít lao động hơn, hoặc cho phép các công ty tiếp cận các nhóm người tiêu dùng và thị trường mới để gia tăng lợi nhuận.

Ngay cả như trong vấn đề chuyển đổi số ở ngành hàng F&B nội địa cũng cần phải khẩn trương hơn trong bối cảnh nhiều thách thức như hiện nay. Ts Nguyễn Quang Trung, Chủ nhiệm nghiên cứu về quản trị chuyển đổi thông minh tại Đại học RMIT, cho rằng các DN cần hiểu rõ lý do chuyển đổi số. Nhiều bài học cho thấy những gì giúp DN thành công tại thời điểm này có thể sẽ không còn hiệu quả trong tương lai.

Theo ông Trung, các DN cũng cần cân nhắc mô hình kinh doanh hiện tại theo lăng kính công nghệ, kỹ thuật số và thu thập dữ liệu. Ví dụ, đánh giá hành trình khách hàng hiện có và từ đó tìm cách ứng dụng công nghệ số để cải thiện trải nghiệm khách hàng.

Bên cạnh đó, các DN F&B không chỉ thay đổi sang mô hình kinh doanh mới, mà trong lúc này cần dùng đến công nghệ để cải thiện đáng kể trải nghiệm khách hàng và tối ưu hóa quá trình vận hành.

DN cần cân nhắc hai yếu tố chính là tầm quan trọng và tính cấp bách của việc áp dụng công nghệ. Tuy nhiên, DN cần đưa thêm các yếu tố tác động trong ngắn hạn và dài hạn vào những ưu tiên của họ trong bối cảnh hiện nay.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/vuc-day-doanh-nghiep-f-amp-b-bang-cong-nghe-1077712.html