Vui - buồn chợ quê ngày Tết

Những ngày cận Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, chợ quê ở Hà Nội luôn tấp nập và náo nhiệt. Bên cạnh những mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng dịp Tết, nhiều hàng hóa là 'sản vật' quê hương cũng được người dân đem ra chợ bán. Song, điều người dân lo lắng nhất hiện nay tại chợ quê ngày Tết là tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp vẫn còn, chưa được xử lý triệt để.

Người dân mua sắm hàng hóa Tết tại chợ Phủ, huyện Quốc Oai. Ảnh: Đỗ Hà

Hàng hóa dồi dào

Năm nào cũng vậy, vào những phiên chợ Tết cuối năm, bà Nguyễn Thị Bình, tổ dân phố Phố Huyện, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai lại cùng con dâu và cháu nội đi chợ Phủ, thị trấn Quốc Oai sắm Tết. “Với tôi, đi chợ Tết, ngoài việc mua những mặt hàng thiết yếu, đây còn là dịp để giới thiệu cho con cháu những nét đẹp truyền thống mà chỉ có phiên chợ quê ngày Tết mới có”, bà Bình chia sẻ.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Thắng, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn cũng luôn giữ thói quen đi chợ Phù Lỗ dịp cuối năm để mua sắm Tết. Ông Thắng cho biết: “Chợ Phù Lỗ ngày Tết năm nào cũng tấp nập. Năm nay, lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu dịp Tết được tiểu thương nhập về rất nhiều, giá cả hợp lý nên ai cũng phấn khởi”.

Cùng chung tâm trạng, bà Khổng Thúy Nga, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì cho hay: “Ngoài các mặt hàng bánh mứt kẹo, thực phẩm tươi sống, đồ khô, quần áo, giày dép,… năm nay ở chợ Quảng Oai trong ngày Tết còn bán các loại hoa tươi, cây cảnh, đồ trang trí nhà cửa… nên ai nấy đều tỏ ra thích thú, phấn khởi khi mua sắm”.

Trao đổi với phóng viên về công tác bảo đảm cung, cầu, dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý, đại diện UBND các huyện Mê Linh, Sóc Sơn, Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai… đều khẳng định ngay từ tháng 12-2019, UBND các huyện đã chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh lớn, đại lý đầu mối trên địa bàn dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng, đẩy giá để trục lợi…

Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng thông tin: Xuất phát từ nhu cầu mua sắm của người dân tăng dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, từ tháng 12-2019, UBND huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch bảo đảm cung, cầu, dự trữ hàng hóa phục vụ Tết. Hiện nay, lượng hàng hóa kinh doanh trên địa bàn cơ bản đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân.

Tương tự, huyện Ba Vì yêu cầu UBND các xã, thị trấn, Ban Quản lý 23 chợ dân sinh trên địa bàn - kênh phân phối truyền thống các nhóm hàng thiết yếu nông sản, thực phẩm tuyên truyền đến các tiểu thương, hộ kinh doanh tại chợ có kế hoạch dự trữ hàng hóa để đưa ra thị trường tiêu thụ.

Nỗi lo hàng giả, hàng kém chất lượng

Bên cạnh niềm vui là lượng hàng hóa tại chợ quê ngày Tết dồi dào, giá cả hợp lý, đáp ứng thị hiếu, thì hiện nay người tiêu dùng vẫn canh cánh nỗi lo khi nhiều hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp vẫn được tiểu thương bày bán công khai.

Khảo sát của phóng viên Báo Hànôịmới tại chợ Sấu, huyện Hoài Đức cho thấy, nhiều giày dép, túi xách, quần áo bày bán tại đây mang thương hiệu nổi tiếng thế giới như Nike, Adidas, Gucci, Louis Vuitton, Chanel, Dior, Moschino,… nhưng được tiểu thương bán với giá rất rẻ. Ví dụ, 1 đôi giày Adidas nam chỉ 300.000-450.000 đồng; 1 túi xách nhãn hiệu Chanel hoặc Moschino rất đẹp nhưng cũng chỉ có giá khoảng 400.000 đồng. Còn tại chợ Phù Lỗ (huyện Sóc Sơn), chợ Quảng Oai (huyện Ba Vì), nhiều loại bánh kẹo không có bao bì được tiểu thương đổ vào rổ nhựa bán cho khách với giá 40.000-70.000 đồng/kg.

Theo quan sát, hầu hết ở mặt trước các loại kẹo đều ghi chữ Hàn Quốc, Thái Lan, Nga… nhưng phía sau lại ghi sản xuất ở xã Minh Khai và xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức). Chỉ nhìn bằng mắt thường, người dân có thể nhận ra các loại kẹo bán tại đây là hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Thừa nhận thực trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng tại các chợ quê ngày Tết vẫn còn, thế nhưng, khi trao đổi với phóng viên, đại diện một số huyện đều nói khó xử lý. Ông Hoàng Chí Dũng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn nêu lý do: Hầu hết các hộ kinh doanh tại chợ dân sinh đều có quy mô nhỏ, trong khi lực lượng chức năng của huyện mỏng nên việc kiểm tra, xử lý kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng tại các chợ chưa thể thực hiện thường xuyên.

Còn theo ông Phạm Thành Đô, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh, do nhận thức của nhiều hộ kinh doanh còn hạn chế, nên họ thường lén lút kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng tại một số chợ dân sinh, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý.

Về giải pháp ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng ở chợ dân sinh, theo Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Đỗ Đăng Hùng, huyện đang tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân cách nhận biết hàng giả, hàng kém chất lượng, từ đó không mua và sử dụng.

Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết: Các lực lượng chức năng của thành phố đã chủ động kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh hàng hóa vi phạm giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, hàng kém chất lượng, trong đó tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết. Để xử lý từ “gốc”, lực lượng quản lý thị trường đã và đang chú trọng kiểm tra tại các điểm tập kết, kho hàng, nơi sản xuất nhằm phát hiện và xử lý kịp thời.

Hy vọng, với các giải pháp nêu trên, hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ không còn “đất sống”, để mỗi người dân yên tâm khi đi mua sắm tại các phiên chợ quê ngày Tết.

Hoàng Minh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/956086/vui---buon-cho-que-ngay-tet