Vui Trung Thu thời 4.0
Trong tùy bút' Thương nhớ mười hai' của nhà văn Vũ Bằng xuất bản năm 1971, ông đã nhớ da diết cái tết Trung Thu miền Bắc, nơi ông gắn bó cả một thời tuổi trẻ: Tháng tám là tết Trung Thu, nhà nhà bày cỗ, trên thắp cái đèn kéo quân, đèn quả trám lung linh, 'trong khi người lớn ăn ốc trông trăng thì trẻ con múa sư tử lùng tùng xoẻng ở trước sân gạch trăng chiếu sáng như ban ngày'.
Thủ đô Hà Nội, Trung Thu cũng khác đến nao lòng trong văn Vũ Bằng: “Tháng tám cũng thưởng bánh Trung Thu, cũng cộ đèn nhưng lại nhớ trăng Cổ Ngư và thèm cái tưng bừng nhộn nhịp ở Hàng Gai, Hàng Đào, Hàng Mã...”.
Hôm nay, sau gần nửa thế kỷ trôi qua, đến phố tết Trung Thu trên khu phố cổ vẫn tưng bừng nhộn nhịp, đây có thể coi là khu đô thị đón tết Trung Thu sầm uất nhất cả nước vì đã được mở cửa trước đó cả nửa tháng trời và lúc nào cũng đông như nêm cối.
Trung Thu hôm nay và một thời để nhớ
Qua tháng bảy trời ảm đạm, mưa ngâu rả rích, sang tháng tám tiết khí thu trong lành và mát mẻ hơn, phố Hàng Mã, Hàng Lược càng tưng bừng nhộn nhịp, từ 8 giờ sáng cho đến hơn 11 giờ đêm. Và đông nhất vào lúc mặt trời tắt nắng, sau khi xong bữa cơm quây quần gia đình, cha mẹ cho trẻ đi chơi Trung Thu ở khu phố cổ.
Suốt một tuần trước ngày rằm tháng tám, các bãi xe trên phố Hàng Gà, Hàng Lược, Hàng Cót, Hàng Đậu, đã chật kín, khách phải để xe tận phố Lãn Ông, Thuốc Bắc và những khu phố lân cận. Vé xe cũng tăng 20.000đ/xe máy, ô tô dao động 70.000-100.000đ/xe vào những giờ cao điểm.
Mấy ngày trước tết Trung Thu, con đường dẫn vào khu đồ chơi trên phố Hàng Mã lúc nào cũng trong tình trạng ùn ứ giao thông. Những chiếc xe nhích từng chút một, khói của dầu mỡ xe mù mịt, tiết trời oi nồng cộng thêm nhiều người có con nhỏ muốn đưa tới phố đồ chơi Hàng Mã nên không khí ngột ngạt càng đặc quánh lại. Xung quanh toàn những ông bố, bà mẹ đèo con nhỏ đi chơi.
Khổ thân các cháu bé, mắt tròn xoe, ngơ ngác. Chưa đầy 30 mét là đã vào đến khu chợ, vậy mà đường đông đến độ chỉ có khoảng rộng để có thể đi lọt được một người. Ông bố đang đèo con nhỏ, ngán ngẩm quay sang nói với một câu: “Không đi thì không biết”.
Cuối cùng cũng bước qua cánh cổng được dựng lên trên phố Hàng Cót vào khu phố đồ chơi Hàng Mã, xen lẫn với cửa hàng đồ chơi bày bán la liệt là con đường chật cứng người.
Bác Nghĩa bán đồ chơi đèn ông sao, mặt không lấy gì làm vui cho biết: “Đông thế này nhưng tôi vẫn ế lắm. Đèn ông sao hồi xưa trẻ em đến 10 tuổi, 15 tuổi vẫn cứ chơi. Bây giờ đèn ông sao chỉ bán được cho những đứa trẻ còn được bế trên tay thích màu sắc thôi, từ 1 đến 3 tuổi. Còn trẻ em trên 3 tuổi không thích đèn ông sao nữa rồi, chúng thích đồ chơi tàu bay, ô tô, chó, ngựa của Trung Quốc chạy bằng pin”.
Quả thật, với không gian rộng dài và vô cùng đa dạng các thể loại đồ chơi, xem ra đèn ông sao không còn là sự ưu tiên lựa chọn số 1. Năm nay đồ chơi truyền thống cũng nhiều hơn, những con tò he xanh đỏ của làng nghề truyền thống Đan Phượng xinh xắn. Những chiếc đèn kéo quân đa chủng loại về màu sắc.
Cả những chiếc trống cơm và mặt nạ bằng bìa giấy hoặc nhựa màu sắc bắt mắt. Nhưng xem ra trẻ lại chỉ thích đồ chơi Trung Quốc rất phong phú về chủng loại từ bộ đồ hàng, búp bê, xe ô tô, bộ Lego xếp hình, phi thuyền, máy bay, xe tăng và có giá từ 100.000 - 300.000 đồng.
Trung Thu nhiều năm nay không chỉ dành cho thiếu niên, nhi đồng mà ngay cả các nam thanh, nữ tú từ các trường trung cấp, cao đẳng, đại học đến khu phố cổ chơi tết Trung Thu cũng rất đông. Trong đám đông có 4 bạn gái đến từ trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Họ mua 4 chiếc vương miện đội đầu cài trên tóc.
Linh, một cô gái trong nhóm kể: Đây là lần đầu các em đến khu phố cổ xem tết Trung Thu, không thể ngờ không gian ở đây cái gì cũng có, còn cả tuần lễ nữa mới đến rằm mà mọi người tới đây lại đông như thế này. Ở quê Linh và các bạn, ngày vui Trung Thu chỉ diễn ra vào tối hôm rằm tháng tám, có múa lân và múa sư tử...
Có một gian hàng khá nổi bật của khu phố đồ chơi, vì cả gian hàng đều là đồ chơi truyền thống. Trên treo đèn kéo quân với những con cá chép màu đỏ vô cùng sinh động, phía dưới là những con giống với màu sắc bắt mắt. Đây là gian hàng của nghệ nhân tò he Đặng Văn Hậu. Khi nói về những sản phẩm do chính tay mình tạo nặn, anh vô cùng hào hứng.
Trên bàn được chia ra 3 loại: Con giống tò he của khu chợ Đồng Xuân ngày xưa, “con giống của khách” (người Tàu và người Tây có từ trước năm 1945 và 1954), con giống bánh chim cò (là con giống ở làng Xuân La, Phú Xuyên, Hà Tây). Anh kể năm 1962, các cụ trong làng mới cải tiến con giống cắm trên que. Những con giống này đều có tên là con tò te.
Nghệ nhân Đặng Văn Hậu bật mí cái tên tò he là do một bài báo năm 1992 viết nhầm tò te thành tò he (là con giống của người Hội An) nhưng bài báo lại nổi tiếng nên nhiều người sau đấy cứ gọi con tò te thành con tò he.
Những con trâu, con lợn, con gà, chó, ngựa, chim phượng, mâm ngũ quả... được nặn bằng bột gạo hoặc bằng bột năng màu sắc bắt mắt. Dòng con giống của Đồng Xuân và “con giống của khách” bị thất truyền, dòng Phú Xuyên cổ cũng gần như vào quên lãng, đến năm 2007 mới khôi phục lại được...
Nghệ nhân cũng cho biết khi mày mò học hỏi làm con giống, anh biết có bảo tàng Quai Branly bên Pháp còn lưu giữ hình ảnh, tư liệu và cả con giống từ năm 1920, còn ghi chú thích: “Con giống bột đồ chơi Trung Thu của trẻ em Hà Nội”.
Anh Hậu tâm sự: “Làm sao đưa con giống này về cuộc sống là điều quan trọng nhất. Bảo tàng là không gian chết, còn đây mới là không gian sống của nó”. Mấy cô bé đang lứa tuổi chơi đồ hàng sà đến nhìn ngắm, được mẹ mua cho con giống với giá 20.000 đồng/con.
Bất giác, tôi nhớ đến câu chuyện với nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc, khi ông nói về ngày đặc biệt, ngày rằm tháng tám. “Mỗi dịp tết Trung Thu, ông tôi làm chiếc đèn kéo quân lớn đặt trước bàn thờ tổ: 3 vòng quân diễn tích xưa, đốt đĩa đèn dầu lạc lên, quân chạy bóng in lên lượt giấy phết ngoài rất linh hoạt, sống động, ai cũng phải khen chiếc đèn tinh xảo, lạ lùng.
Riêng anh em tôi, do được ở gần nhà ông, Trung Thu nào cũng được ông dắt lên Hàng Mã mua đồ chơi: Chiếc tàu thủy, cái tráp sơn son be bé, con tò te xanh đỏ, chú lợn bột đôi mắt là hai hạt đỗ đen nằm trong cái rọ xinh xinh đan bằng lạt nhuộm phẩm màu...”.
Ông bảo: “Tết Trung Thu ngày đấy ấm áp, khi trăng lên, đứa trẻ nào cũng ngước mắt lên trời nhìn vào mặt trăng, tưởng tượng ra đủ các câu chuyện về chị Hằng, chú Cuội ngồi gốc cây đa”.
Trung Thu thời 4.0
Chị Nga sống ở chung cư Xuân La, Xuân Đỉnh kể: Chị bận túi bụi cả ngày, lại mất thời gian chăm bố mẹ chồng đang ốm nên không có thời gian đi mua đồ chơi cho hai đứa con. Cô con gái năm nay 16 tuổi, cậu con trai 12 tuổi.
Cậu bé Cường, con trai của chị, bảo: “Để mẹ đỡ mất công, con vào iPad, lên mạng internet vào siêu thị đồ chơi Trung Thu, cái gì cũng có không cần phải đi đâu. Chỉ cần ấn nút đặt hàng là trong vòng chưa đầy 24h sau đã có người ship hàng đến tận nhà”.
Siêu thị đồ chơi trên mạng chẳng thiếu cái gì, có khi lại rẻ hơn vì không phải mất tiền thuê cửa hàng. Ở đây, sản phẩm nào cũng có cả, từ Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Mỹ... Giá từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn, thậm chí là vài triệu đồng với một bộ Lego xếp hình.
Khi thấy tôi tỏ ra ngạc nhiên vì mua đồ chơi Trung Thu trên mạng, chị Nga vui vẻ cho biết: Ở siêu thị mạng đồ chơi ê hề phong phú cho trẻ sơ sinh đến trẻ 16-17 tuổi cũng có và nhiều địa chỉ bán lắm. Mình có thể lên trên đó “sớt” (seach) thì không bị mua đắt. Có nơi còn ưu đãi trong 3 ngày nhận đồ chơi không thích có thể đổi trả lại. Cậu bé Cường bảo chỉ thích những con Rambo, Batman và bàn tay sắt, thích những đồ chơi Batman, người nhện... giá 300.000đồng/1 đồ chơi.
Chị Tú Minh cũng là một cư dân ở cùng chung cư với chị Nga chia sẻ, thời đại kỹ thuật số nên trẻ con bây giờ đón Trung Thu cũng khác xưa nhiều. Thời của chị ngày xưa vào những năm đầu thập niên 80, ở các làng quê Việt chỉ đón tết Trung Thu vào đúng hôm rằm tháng tám tại bãi sân rộng của ngôi đình hoặc trước hiên chùa.
Bàn bày tiệc lúc đó có bánh dẻo, bánh nướng, quả hồng ngâm, mấy nải chuối, dăm ba đĩa ổi, hay nhất quả bưởi có múi màu đỏ, màu trắng được các mẹ, các cô bổ ra tết thành hình con chó trông rất đẹp. Đến khi phá cỗ còn tiếc mãi. Có quả bưởi thì được tết thành hình bông sen. Rồi hò reo đốt nến, đứa trẻ có đèn ông sao, đèn ông sư lung linh dưới ánh trăng huyền diệu chiếu sáng trước sân chùa. Những đứa trẻ con nhà nghèo chả có đèn lấy ông bơ gạo, (hộp sữa Ông Thọ) đục lỗ, cắm cây gậy vào, đặt nến bên trong lăn đi khắp xóm, reo hò vang trời, vui đáo để.
Ngày nay trẻ ở chung cư không còn được cái cảnh chạy vòng quanh hay thao thức để đợi Trung Thu vì chúng không còn mấy hứng thú với việc đón Trung Thu nữa rồi. Chị bảo: “Cả ngày thằng anh và con em cắm mặt vào cái iPad chơi điện tử trên đó. Mẹ thu máy lại, lúc nào đưa cho chơi là Trung Thu”.
Bây giờ đời sống khấm khá, nhiều gia đình tủ lạnh cũng kín hoa quả ngoại nhập, bánh kẹo thừa mứa, chúng ăn nhiều bánh kẹo hoa quả nên không có cảm giác thiếu thốn về đồ ăn. Đồ chơi cũng nhiều, bố mẹ mua cho quanh năm suốt tháng nên không háo hức nữa. Bọn trẻ nhà chị chỉ gạ: “Trung Thu mẹ đặt vé máy bay đưa gia đình đi du lịch 3 hôm ở khu resort”.
Với những đứa trẻ con nhà giàu thì lại còn khác nữa. Nhà ông Minh ở phố Yên Lạc, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chiều con có tiếng. Hai “thiên thần” của ông, một trai, một gái. Tuy là cậu ấm, cô chiêu, được đi học ở trường quốc tế, gia đình có xe riêng đưa đón.
Đến Trung Thu, ông bà cũng dành phần quà đặc biệt hơn cho các con. Cậu con trai 17 tuổi được bố tặng cho một cái máy tính iPad pro đời mới nhất, kèm một chiếc điện thoại iPhone XS đời mới với giá 24 triệu đồng. Nghe đâu, những món đồ này đều là ông được biếu cả, nay “tặng” lại cho cậu con cưng.
Cô con gái 20 tuổi con sành điệu hơn gấp bội. Quà Trung Thu năm nay chả hiểu cô nỉ non thế nào mà ông bà chiều đến độ cô đáp máy bay đi từ Việt sang Anh cốt chỉ để mua đôi giày hàng hiệu cho chính hãng, ăn ngủ một hôm ở khách sạn hạng sang rồi bay về vì sợ mua ở trong nước lại dính phải hàng nhái.
Giờ cũng không khó khi biết những đứa trẻ con nhà có điều kiện đón tết Trung Thu như thế nào. Ngay tại những thành phố lớn, hay những khu nghỉ dưỡng spa, resort, như khách sạn D ở Kim Mã, khách sạn M ở phố Lý Thường Kiệt, khách sạn H ở phố Lý Thánh Tông... cách đây từ một tháng đã rầm rộ đăng đàn quảng bá trên internet đón tết Trung Thu với giá cho một vé vào cửa: 50-60$/người lớn, 20-30$/trẻ em. Riêng ở Thủ đô Hà Nội, hàng chục địa chỉ với giá có mặt trong buổi tối phá cỗ Trung Thu tính trung bình bố mẹ và hai con nhỏ sẽ có giá 4 triệu đồng cho 4 người chưa kể các khoản nằm ngoài.
Tôi nhớ đến tấm ảnh của người bạn chụp những đứa trẻ vùng cao, chân trần, mắt trong veo, tha thẩn chơi trước hiên nhà lá đơn sơ. Ánh trăng tháng tám trên cao thật huyền diệu, lung linh.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/vui-trung-thu-thoi-4-0-561441/