Vun đắp tình hữu nghị Việt - Lào qua hợp tác đào tạo
Dù còn không ít khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhưng chương trình hợp tác đào tạo cho lưu học sinh Lào đã, đang được tỉnh miền núi Lai Châu triển khai tích cực. Những thế hệ lưu học sinh Lào tại đây không chỉ được trang bị kỹ năng, kiến thức, mà còn trở thành cầu nối vững chắc cho tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa 2 dân tộc Việt Nam và Lào.
Giờ học múa của học sinh lớp mẫu giáo lớn, Trường Mầm non Sùng Phài, thành phố Lai Châu hôm nay sôi nổi hơn khi có "cô giáo" Đao Đun Ly Đa La Von – lưu học sinh Lào từ lớp Cao đẳng Mầm non, Khoa Sư phạm, Trường Cao đẳng Lai Châu đến thực hiện nhiệm vụ giảng dạy. Mặc dù là buổi đứng lớp đầu tiên trong chương trình thực tập, nhưng nhờ được trang bị đầy đủ nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm, nên Đao Đun Ly cảm thấy rất tự tin khi đứng lớp.
Đao Đun Ly Đa La Von cho biết, từ quê hương U Đôm Xay, Lào, em được cử sang đây học sư phạm mầm non theo chương trình liên kết đào tạo giữa 2 tỉnh U Đôm Xay và Lai Châu. Ngoài đào tạo về nghiệp vụ, các lưu học sinh như em còn có nhiệm vụ kết nối xây dựng tình đoàn kết hữu nghị giữa 2 địa phương U Đôm Xay - Lai Châu và 2 dân tộc Lào - Việt, vì vậy em đã chọn những điệu múa truyền thống của nước mình để dạy học sinh Việt Nam.
"Em đi thực tập cảm thấy khó, nhưng mà sẽ cố gắng hết sức. Khó là tiếng Việt của em nói chưa chuẩn, nói thì sợ các con không hiểu. Khi dạy em cũng chưa hiểu lắm, nhưng mà xem các bạn Việt Nam dạy là em cũng làm được. Em mong muốn làm tốt và làm thành công, có nhiều kinh nghiệm hơn để khi về nước giảng dạy được"-Đao Đun Ly Đa La Von nói.
Theo chia sẻ của các lưu học sinh Lào đang học tập tại Lai Châu, rào cản ngôn ngữ khiến họ gặp nhiều trở ngại trong việc giao tiếp, học tập và hòa nhập với môi trường mới. Bên cạnh đó, việc thích nghi với nền văn hóa mới, tập quán sinh hoạt mới cũng là một trở ngại không nhỏ. Tuy nhiên, khi được các thầy, cô và các bạn sinh viên trong nước giúp đỡ, những khó khăn đó cũng dần được vượt qua.
Em Thăn Lu Phan Phèng Phà Khỉn, lưu học sinh lớp Trung cấp Y sĩ Đa khoa, Trường Cao đẳng Lai Châu đã có gần 3 năm học tập tại Lai Châu cho biết:
"Khi sang Việt Nam khó khăn nhất là giao tiếp, bởi vì khi sang Việt Nam là chúng em chưa được học tiếng Việt. Lần đầu sang bên này nghe tiếng Việt thấy có vẻ khó lắm, không biết là sẽ giao tiếp với người khác như thế nào và vấn đề thời tiết chúng em chưa quen vì ở Việt Nam thời tiết thay đổi nhanh. Học bên này chúng em đã được học tập khá nhiều kiến thức về ngành rồi và em mong muốn khi về nước sẽ được làm trực tiếp chuyên ngành học của em luôn"- Thăn Lu Phan Phèng Phà Khỉn nói.
Giảng viên Đào Thanh Huyền, Phó Trưởng khoa Sư phạm, Trường Cao đẳng Lai Châu - người từng nhiều năm phụ trách chương trình đào tạo lưu học sinh Lào tại Lai Châu chia sẻ, để đào tạo được một đội ngũ sinh viên Lào chất lượng, ngoài nỗ lực và tâm huyết trong suốt quá trình học tập, đòi hỏi các thầy, cô phải tạo dựng một môi trường thân thiện và cởi mở, để các em cảm thấy thoải mái khi giao tiếp và học hỏi. Ngoài giờ lên lớp, các hoạt động ngoại khóa cũng được nhà trường chú trọng, nhằm giúp lưu học sinh có cơ hội giao lưu, hiểu thêm về văn hóa Việt Nam và kết nối với bạn bè.
"Đến nay khoa sư phạm đã có 3 khóa có lưu học sinh Lào, chủ yếu các em thuộc ngành cao đẳng đã học tiếng Việt riêng, sau đó các bạn được học chung với học sinh Việt Nam. Đến nay chỉ có 1 lớp được tách rời, nguyên lớp đó các bạn là lưu học sinh Lào hết có 30 học sinh. Trong quá trình đào tạo về văn hóa các bạn khá là tương đồng với Lai Châu; các bạn sang Việt Nam học chủ yếu là người dân tộc thiểu số của Lào, cũng có những người dân tộc rất gần với Lai Châu như là dân tộc Khơ Mú, Si La và 1 số dân tộc khác như dân tộc Thái chẳng hạn nên là cũng không quá vất vả"- ông Đào Thanh Huyền nói.
Chương trình đào tạo lưu học sinh, sinh viên Lào được thực hiện tại Lai Châu bắt đầu từ năm 2014, với 90 lưu học sinh, sinh viên tham gia học tập và rèn luyện. Hiện gần 80 học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp, ra trường quay trở về quê hương làm việc; số còn lại đang học tập tại Trường Cao đẳng Lai Châu ở các hệ Trung cấp Y sĩ đa khoa và Cao đẳng sư phạm Mầm non. Theo quy định, mỗi học sinh, sinh viên Lào khi sang Lai Châu học tập được hỗ kinh phí đào tạo, kinh phí nấu ăn tập trung và tiền tiêu hàng tháng hơn 5.600.000 đồng/tháng; đồng thời được nhận tiền trang cấp ban đầu, hỗ trợ đi lại 5.300.000 đồng/1 học sinh.
Theo bà Lê Thị Hà Giang, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lai Châu, ngoài tận tâm truyền đạt kiến thức, từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy, mỗi thầy cô giáo còn làm bạn, hướng dẫn các lưu học sinh trong từng bước học tập và làm quen với môi trường, cuộc sống mới. Chính những điều này đã giúp các thế hệ lưu học sinh Lào có được nền tảng vững chắc để trở về phục vụ quê hương.
"Nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho lưu học sinh tham gia. Ví dụ như các em được tham gia các ngày lễ, kỷ niệm như Ngày Nhà giáo Việt Nam, Tết Bun Phi Mây ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Và chúng tôi cũng thường xuyên đưa lưu học sinh, sinh viên đến các cộng đồng xã, bản để tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, nhằm tạo môi trường cho các em giao lưu, tìm hiểu, học hỏi lẫn nhau và từ đó làm tăng khả năng nói tiếng Việt cho lưu học sinh cũng như tìm hiểu văn hóa ẩm thực của hai nước"- bà Giang nói.
Bằng những nỗ lực của nhà trường và sự quan tâm của cộng đồng, các thế hệ lưu học sinh, sinh viên Lào đã và đang từng ngày được trang bị kiến thức, kỹ năng, trở thành những cán bộ chất lượng để về phục vụ quê hương. Và họ cũng chính là cầu nối văn hóa, góp phần vào sự phát triển bền vững tình đoàn kết, hữu nghị giữa 2 quốc gia, 2 dân tộc Việt Nam và Lào.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/vun-dap-tinh-huu-nghi-viet-lao-qua-hop-tac-dao-tao-post1132219.vov