Vững bước từ truyền thống Hà Tuyên Anh hùng năm xưa

Để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, ngày 27.2.1975, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa V nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra Nghị quyết về việc hợp nhất 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang thành một tỉnh với tên gọi là Hà Tuyên. Cùng với đó, 2 Đảng bộ Hà Giang và Tuyên Quang cũng được sáp nhập thành Đảng bộ tỉnh Hà Tuyên. Đảng bộ tỉnh Hà Tuyên khi đó có gần 2,4 vạn đảng viên.

Trải qua bao gian khổ cùng chung lưng đấu cật, vượt qua những năm tháng đầy thử thách, thời gian 16 năm hợp nhất từ 1976 – 1991, Hà Tuyên đã thực sự là một cái tên Anh hùng, là thành đồng của Tổ quốc nơi biên cương phía Bắc. Thời gian không dài, nhưng những năm tháng Hà Tuyên đã để lại những ký ức không thể nào quên. Trong thời gian ấy, rất nhiều gia đình ở 2 địa phương đã đã hòa chung làm một; các huyện phía sau của Tuyên Quang đã sẻ chia biết bao vật chất, tinh thần, sức người, sức của cho tuyến đầu Hà Giang.

Ngày 12.8.1991, đáp ứng nhiệm vụ tình hình mới, Quốc hội khóa VIII nước CHXHCN Việt Nam đã thống nhất việc chia tỉnh Hà Tuyên thành 2 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang như trước đây. Đồng thời, Đảng bộ 2 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang cũng được tái lập từ tháng 9 và đến đầu tháng 10.1991 chính thức đi vào hoạt động. BCH Đảng bộ lâm thời Hà Giang khi mới tái lập tháng 10/1991 gồm 21 đồng chí, trong đó có các đồng chí như: Hoàng Thừa, Giàng Văn Quẩy, Triệu Đức Thanh, Nguyễn Chí Tuy, Hoàng Văn Vương, Đỗ Trọng Quý, Hoàng Minh Nhất, Lê Quang Triều, Sùng Thìn Cò… Đảng bộ tỉnh Hà Giang thời điểm mới tái lập có 1,2 vạn đảng viên.

Sau gần 30 năm chia tách 10.1991 – 10.2020, cho đến hôm nay dưới sự lãnh đạo của 2 Đảng bộ Hà Giang và Tuyên Quang, 2 tỉnh anh em Hà – Tuyên giờ đang ngày càng vươn lên mạnh mẽ. Đời sống KT – XH ngày càng khấm khá, phát triển toàn diện. Đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã có trên 7 vạn đảng viên. Tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2020 đạt 30 triệu đồng. Dự kiến đến cuối năm 2020 toàn tỉnh có 43 xã đạt chuẩn xây dựng Nông thôn mới. Đối với Tuyên Quang, có những điều kiện thuận lợi hơn Hà Giang, đến nay Đảng bộ tỉnh có trên 6 vạn đảng viên. Tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2020 đạt 44,57 triệu đồng. Toàn tỉnh Tuyên Quang đến nay có 47 xã đạt chuẩn xây dựng Nông thôn mới.

Thành phố Hà Giang trang hoàng chào đón Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (Ảnh: Minh Châu)

Thành phố Hà Giang trang hoàng chào đón Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (Ảnh: Minh Châu)

Ảnh: Minh Châu

Ảnh: Minh Châu

Ảnh: Huy Toán

Ảnh: Huy Toán

Nhớ lại những ngày thực hiện việc tái lập lại 2 tỉnh tháng 10.1991, khi đó trong sự xúc động lớn lao, lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền 2 tỉnh đã cùng khẳng định: 16 năm hợp nhất, chúng ta đã cùng chung sức, chung lòng xây dựng và bảo vệ quê hương Hà Tuyên trở thành tỉnh Anh hùng Lực lượng vũ trang. Tình cảm gắn bó, thủy chung đã trở thành truyền thống của nhân dân các dân tộc Hà Tuyên. Hà Giang – Tuyên Quang mãi là anh em một nhà, luôn kề vai, sát cánh bên nhau trong sự nghiệp xây dựng và vệ vững chắc quê hương.

Phát huy truyền thống của một địa phương được T.Ư phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, tin chắc rằng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc 2 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang sẽ tiếp tục vươn lên mạnh mẽ trong giai đoạn 2020 – 2025 và trong tương lai.
Thật phấn khởi trong thời điểm trung tuần tháng 10 này, 2 Đảng bộ Tuyên Quang và Hà Giang sẽ lần lượt tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ của 2 tỉnh, nhiệm kỳ 2020 – 2025 với nhiều niềm tin, kỳ vọng (Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang tổ chức Đại hội XVII từ 12 – 15.10; Đảng bộ tỉnh Hà Giang tổ chức Đại hội XVII từ 15 – 17.10). Trong đó, đối với Đảng bộ Hà Giang sẽ phấn đấu thực hiện mục tiêu đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc. Còn với Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang, tỉnh phấn đấu đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, đưa Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Huy Toán

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202010/vung-buoc-tu-truyen-thong-ha-tuyen-anh-hung-nam-xua-766518/