Vững tin chọn ngành

Thời gian gần đây, việc học trung cấp, cao đẳng nghề được các bậc phụ huynh quan tâm và học sinh lựa chọn sau khi tốt nghiệp THCS, THPT. Không chỉ góp phần phân luồng nhân lực, cân bằng nhu cầu xã hội, sự lựa chọn này còn giúp học sinh sớm tiếp cận thị trường lao động. Đây cũng là minh chứng cho việc có nhiều hướng chọn ngành nghề lập nghiệp tương lai thay vì con đường duy nhất là vào đại học. Phóng viên (P.V) Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) đã có cuộc trao đổi với Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Bình Phước Nguyễn Bích Liên xung quanh nội dung này.

Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Bình Phước Nguyễn Bích Liên trao đổi với phóng viên BPTV

Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Bình Phước Nguyễn Bích Liên trao đổi với phóng viên BPTV

NHIỀU LỰA CHỌN

P.V: Có ý kiến cho rằng: “Đại học là một lựa chọn quan trọng, nhưng không phải là con đường duy nhất”, bà có thể chia sẻ quan điểm của bà về ý kiến này?

Bà Nguyễn Bích Liên: Trong hệ thống giáo dục quốc dân, đại học đào tạo những người nghiên cứu chuyên sâu về lý thuyết, lý luận. Khi có trình độ đại học thì có thể làm việc ở các viện nghiên cứu, lý luận hoặc giảng dạy. Đối với trình độ cao đẳng, sẽ đào tạo thiên về kỹ năng thực hành và tốt nghiệp sẽ là những người thợ.

Với xu thế toàn cầu hóa hiện nay, chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi để các nước đầu tư vào Việt Nam, vì vậy rất cần những người thợ đã qua đào tạo và có tay nghề cao. Công dân cũng đang có xu hướng trở thành công dân toàn cầu, đáp ứng nhu cầu hội nhập. Nước ta cũng đã chuẩn bị rất nhiều điều kiện về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất để đón những làn sóng đầu tư mới dịch chuyển về Việt Nam. Do đó, sinh viên cần trau dồi kiến thức, kỹ năng để đáp ứng các yêu cầu của công dân toàn cầu. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP về miễn học phí cho học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề.

Để chọn ngành học cần tìm hiểu rất nhiều yếu tố như: sở trường, niềm đam mê, thị trường lao động… Trong ảnh: Sinh viên Trường cao đẳng Bình Phước trong một tiết thực hành

Để chọn ngành học cần tìm hiểu rất nhiều yếu tố như: sở trường, niềm đam mê, thị trường lao động… Trong ảnh: Sinh viên Trường cao đẳng Bình Phước trong một tiết thực hành

Liên quan đến ý kiến “đại học là một lựa chọn quan trọng, nhưng không phải là con đường duy nhất”, theo tôi, vị trí thầy thì cần ít, thợ cần nhiều. Như trong một tổ ong, chỉ có 1 con ong chúa, còn lại là hàng ngàn con ong thợ. Nếu ai cũng làm ong chúa thì lấy đâu ra mật? Mặt khác, không phải ai cũng làm ong chúa một cách tốt nhất. Trong lựa chọn ngành nghề cũng vậy, chúng ta nên chọn con đường vừa dễ học, nhanh tốt nghiệp và dễ kiếm việc làm.

CHỌN NGÀNH PHÙ HỢP NĂNG LỰC

P.V: Ngày nay, việc học trung cấp hoặc cao đẳng nghề trở thành xu hướng được phụ huynh quan tâm và học sinh lựa chọn sau khi tốt nghiệp THCS, THPT. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều ngành nghề, vậy làm thế nào để giúp các em định hướng chính xác, thưa bà?

Bà Nguyễn Bích Liên: Để chọn đúng nghề thì trước tiên các em phải biết mình có năng lực, sở trường gì. Lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực sẽ đem lại lợi ích cho xã hội rất lớn. Ngoài ra, lựa chọn đúng sẽ giúp các em phát triển được khả năng, sở trường một cách tốt nhất. Do đó, việc định hướng, giúp đỡ các em lựa chọn ngành nghề phù hợp cần sự chung tay của tất cả mọi người, đặc biệt là thầy cô và cha mẹ. Làm sao phát hiện được năng lực của các em sớm, từ đó định hướng các em chọn ngành nghề phù hợp. Muốn làm được như vậy, công tác hướng nghiệp phải thực hiện từ sớm.

Nhiều học sinh đã chọn cách vừa hoàn thành chương trình THPT vừa học nghề. Trong ảnh: Một tiết học của sinh viên Trường cao đẳng Bình Phước

Nhiều học sinh đã chọn cách vừa hoàn thành chương trình THPT vừa học nghề. Trong ảnh: Một tiết học của sinh viên Trường cao đẳng Bình Phước

Phụ huynh là người gần gũi con em mình, nhưng thầy cô có vai trò quan trọng trong phát hiện năng lực của các em. Vì vậy, việc định hướng nghề nghiệp cần thực hiện ngay từ cấp THCS với nhiều hình thức đa dạng hơn để các em có thể lựa chọn hướng đi phù hợp với năng lực, sở trường và điều kiện kinh tế gia đình.

GẮN KẾT VỚI NHÀ TUYỂN DỤNG

P.V: Để học sinh, phụ huynh và xã hội thấy được giá trị của học nghề, ngoài đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng nghiệp thì việc đầu tư cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện đại, chất lượng vẫn là yếu tố quan trọng. Đối với Trường cao đẳng Bình Phước, công tác này được thực hiện như thế nào, thưa bà?

Bà Nguyễn Bích Liên: Đối với trường nghề nói chung thì việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị luôn được chú trọng. Tại Trường cao đẳng Bình Phước, chúng tôi luôn xác định việc đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp hiện đại là một chiến lược quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo. Những năm qua, trường luôn chú trọng cải thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy và học. Điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với sự phát triển của khoa học - công nghệ.

Sinh viên nhận bằng tốt nghiệp tại Trường cao đẳng Bình Phước - Ảnh: Trương Hiện

Song song đó, trường còn liên kết với doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp là nơi đi đầu trong công nghệ, các em sẽ có cơ hội tiếp xúc với các công nghệ mới hiện nay. Đặc biệt, trường kết nối với doanh nghiệp để các em thực tập tương ứng với ngành nghề đang theo học. Điều này giúp các em có cái nhìn thực tế, từ đó định hình được vai trò, vị trí việc làm của mình sau khi tốt nghiệp.

PHÁT HUY VAI TRÒ NGƯỜI HỌC

P.V: Việc đổi mới trong quản lý, phát huy tốt vai trò chủ thể, trong đó nhấn mạnh vai trò của người học để các em thấy được cơ hội của mình khi lựa chọn học nghề cũng như góp phần tạo sự chuyển biến về chất lượng được đặt ra như thế nào, thưa bà?

Bà Nguyễn Bích Liên: Trường đang chuyển dần sang đào tạo theo nhu cầu xã hội, nghĩa là đào tạo cái mà xã hội cần chứ không đào tạo cái mình có. Cái mà xã hội cần cũng chính là nghề mà học sinh lựa chọn. Trường cũng tích cực liên kết với doanh nghiệp, theo hướng đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp và doanh nghiệp giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên của trường hoặc nhận các em tốt nghiệp tại trường vào làm tại doanh nghiệp.

Song song đó, trường đổi mới chương trình đào tạo, chuyển từ phương pháp dạy học truyền thống sang dạy học tích cực, phát huy khả năng chủ động, sáng tạo của người học để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp, làm giàu hành trang của người học để khi ra trường có việc làm với mức thu nhập tương xứng.

P.V: Trân trọng cảm ơn bà!

Anh Ngọc (thực hiện)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/163454/vung-tin-chon-nganh